Uống một cốc bia hơi Sài Gòn, tài xế ô tô có thể nhận “tráp” phạt lên đến 40 triệu đồng
Mới đây, Bộ Công an vừa ban hành Nghị định 168 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, thay thế các quy định hiện hành tại Nghị định 100.
Theo đó, những thay đổi nổi bật trong Nghị định 168 tăng mức tiền phạt đối với hành vi điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia. Cụ thể:
– Nồng độ cồn trong máu dưới 0,05%: Không thay đổi với cả người lái xe máy và ô tô.
– Nồng độ cồn trong máu từ 0,05% – 0,08%: Đối với xe máy, tiền phạt tăng từ 4-5 triệu đồng lên 6-8 triệu đồng, trong khi mức phạt với tài xế ô tô có thể lên đến 18-20 triệu đồng.
– Nồng độ cồn trong máu trên 0,08%: Đối với xe máy, tiền phạt tăng từ 6-8 triệu đồng lên 8-10 triệu đồng, trong khi ô tô sẽ bị phạt từ 30-40 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Nghị định 168 sẽ áp dụng hệ thống điểm phạt thay cho việc đình chỉ giấy phép lái xe (GPLX). Mỗi GPLX có 12 điểm trong một năm. Điểm sẽ bị trừ theo mức độ vi phạm và GPLX bị thu hồi khi điểm về 0. Sau tối thiểu 6 tháng, người vi phạm có thể thi lại để lấy GPLX.
Ảnh: Chứng khoán Vietcap |
Theo nhận định của Chứng khoán Vietcap, việc siết chặt luật cấm điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu bia đã tác động tiêu cực đến mức tiêu thụ bia trong giai đoạn 2023-2024. Người tiêu dùng dần chuyển sang thói quen mua bia mang về hoặc sử dụng các dịch vụ gọi xe sau khi uống.
Từ năm 2025, Nghị định 168 với mức phạt nặng hơn đối với hành vi có nồng độ cồn từ 0,05% trở lên dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ bia. Tuy nhiên, việc chuyển từ hình thức đình chỉ giấy phép lái xe ngay lập tức sang áp dụng hệ thống điểm phạt có thể giảm nhẹ tác động tiêu cực đối với những trường hợp vi phạm ở mức nhẹ.
Về dài hạn, sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng cùng với sự thích ứng của các doanh nghiệp được kỳ vọng giúp giảm thiểu ảnh hưởng từ các quy định mới này.
Từ ngày 1/1/2025, mức phạt nồng độ cồn lên đến 40 triệu đồng |
“Cú đấm” nồng độ cồn đã tác động như nào đến Sabeco?
Dưới tác động của Nghị định 100 có hiệu lực từ năm 2020, Tổng CTCP Bia Rượu Nước Giải Khát Sài Gòn (HoSE: SAB) đã ghi nhận sự sụt giảm mạnh trong sản lượng tiêu thụ bia với mức giảm đến 30,7% trong giai đoạn 2019 – 2023. Theo đó, doanh thu của Sabeco cũng giảm xuống dưới mức 30.000 tỷ đồng trong những năm 2020 – 2021 khi chịu thêm ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19.
Tại ĐHĐCĐ năm 2024, ông Tan Teck Chuan Lester, Tổng Giám đốc Sabeco nhận định ngành bia Việt Nam đang đối mặt với không ít thử thách. Các cơ chế chính sách như Luật phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100 đã làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng năm 2024 sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành bia Việt Nam nhờ cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng nhanh, sự phát triển của phân khúc “bia không cồn” và tiềm năng thị trường xuất khẩu.
CEO Sabeco khẳng định: “Kinh doanh luôn có lúc khó khăn, sẽ có những cơn mưa rào, giông bão phía trước. Nhưng chúng ta không thể chờ đợi mưa ngừng, gió lặng. Thay vào đó, hãy hành động và học cách khiêu vũ ngay trong cơn mưa. Cá nhân tôi sẽ nhảy điệu rumba, còn Chủ tịch thì chơi cả điệu “rock and roll”.”
Với chiến lược này, Sabeco đã ghi nhận kết quả khả quan trong 9 tháng đầu năm 2024. Doanh thu thuần đạt 22.940 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 3.504 tỷ đồng, tăng gần 7%. Công ty đã hoàn thành 67% chỉ tiêu doanh thu và 77% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2024.
>> ‘Điệu nhảy rock and roll’ của Sabeco (SAB) và những bước đi giành lại thị phần ngành bia
Kết quả kinh doanh của Sabeco (SAB) cũng sụt giảm mạnh trước tác động của Nghị định 100 |
Sabeco có tiếp tục nhảy điệu “rock and roll” trước Nghị định mới siết chặt nồng độ cồn?
Nghị định 168 sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2025, mức phạt tăng cao với hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe được dự báo sẽ tác động không nhỏ đến tiêu thụ bia, đặc biệt trong phân khúc khách hàng lái xe có nồng độ cồn từ 0,05% trở lên. Chứng khoán Vietcap nhận định rằng dù phải đối mặt với áp lực ngắn hạn, Sabeco vẫn có khả năng kiểm soát rủi ro nhờ vị thế thị trường vững chắc và các chiến lược kinh doanh linh hoạt để duy trì tăng trưởng dài hạn.
Hiện tại, Sabeco đang triển khai 3 chiến lược kinh doanh trọng tâm: đa dạng hóa sản phẩm để tiếp cận nhiều nhóm khách hàng, tái định vị thương hiệu nhằm thâm nhập sâu hơn vào phân khúc cao cấp và đẩy mạnh các chiến dịch marketing để nâng cao nhận diện trên thị trường.
Đặc biệt, với chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, Sabeco sở hữu danh mục phong phú hơn so với nhiều đối thủ cùng ngành, bao gồm 8 dòng bia, 6 loại rượu và 5 sản phẩm nước giải khát. Các sản phẩm này đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, từ dòng bia bình dân như Bia 333, Saigon Lager đến dòng cao cấp như Saigon Gold, góp gia tăng lợi thế cạnh tranh cho Sabeco trên thị trường.
Dù vậy, trước những thách thức tiềm ẩn từ Nghị định mới cùng với xu hướng tiêu dùng thay đổi, Sabeco cần có những chiến lược táo bạo để giữ vững vị thế trên thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện tại.