Ngành bán dẫn giữ vai trò then chốt trong sản xuất thiết bị điện tử hiện đại, nhờ cung cấp các linh kiện cốt lõi như bộ vi xử lý, bộ nhớ và thiết bị lưu trữ. Theo báo cáo mới nhất của Gartner, doanh thu toàn cầu của ngành này trong năm 2025 dự kiến đạt 705 tỷ USD.
Trong chuỗi cung ứng bán dẫn, đất hiếm là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu. Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), xe điện và Internet vạn vật (IoT)… đang khiến nhu cầu đất hiếm tăng vọt trên toàn cầu. Theo dự báo của Project Blue – công ty tư vấn hàng đầu về khoáng sản, giá trị thị trường đất hiếm sẽ tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ tới, đạt khoảng 21 tỷ USD vào năm 2033.
![]() |
Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới |
Mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam còn “bỏ ngỏ” khai thác
Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trữ lượng đất hiếm toàn cầu hiện đạt khoảng 130 triệu tấn, trong đó Việt Nam nắm giữ tới 22 triệu tấn – đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc (44 triệu tấn). Sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào, nhiều doanh nghiệp Việt cũng đã quan tâm tới việc khai thác và chế biến loại khoáng sản chiến lược này.
Một trong những cái tên đáng chú ý là Tổng Công ty Khoáng sản TKV (Vimico – mã: KSV), đơn vị đang nắm giữ quyền khai thác mỏ đất hiếm Đông Pao. Mỏ này nằm tại xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, có diện tích gần 133ha và trữ lượng địa chất quy khô hơn 11,3 triệu tấn, chiếm hơn một nửa tổng trữ lượng đất hiếm của Việt Nam.
Từ năm 2014, quyền khai thác mỏ Đông Pao được giao cho CTCP Đất hiếm Lai Châu – Vimico (Lavreco), trong đó KSV nắm 56% cổ phần. Thời hạn khai thác là 30 năm. Tuy nhiên, kể từ khi được cấp phép đến nay, Lavreco vẫn chưa triển khai khai thác thực tế, mà chủ yếu mới dừng lại ở việc quản lý và bảo vệ mỏ do khó khăn về công nghệ chế biến, thu xếp vốn và một số vướng mắc khác.
Theo báo cáo tổng kết năm 2024 của KSV, Lavreco ghi nhận khoản lỗ hơn 42 tỷ đồng. Cuối năm 2024, công ty này còn bị cưỡng chế thu hồi nợ thuế hơn 140 tỷ đồng bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, do đã quá hạn nộp thuế trên 90 ngày.
![]() |
Hòa Phát từ chối khai thác đất hiếm |
Hòa Phát (HPG) chưa có kế hoạch tham gia
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG), ông Trần Đình Long đã nêu rõ quan điểm của doanh nghiệp đối với lĩnh vực đất hiếm.
“Hiện tại, Hòa Phát không có kế hoạch tham gia vào sản xuất hay khai thác đất hiếm trong ngắn hạn. Mặc dù Việt Nam có tiềm năng lớn, nhưng lĩnh vực này vẫn còn ‘biến tính và nhỏ’, chưa phù hợp với chính sách phát triển của chúng tôi.
Hòa Phát đang tập trung vào các ngành hàng lớn và thô như thép – lĩnh vực cốt lõi mà chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới. Do đó, Hòa Phát không tham gia vào chuỗi giá trị đất hiếm”, ông Long chia sẻ.