Tuần này, có 20 doanh nghiệp thông báo chốt quyền để trả cổ tức , trong đó 19 công ty trả cổ tức bằng tiền, 1 doanh nghiệp phát hành thêm.
Đua nhau chốt lời
Ông Trần Văn An – anh trai ông Trần Văn Dai, thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) – đã bán ra toàn bộ 147.900 cổ phiếu HAG để giảm sở hữu về 0% vốn điều lệ. Giao dịch được thực hiện vào ngày 9/12. Đáng lưu ý, gần đây cổ phiếu HAG đã bật tăng gần 23%, từ 10.150 đồng lên 12.450 đồng/cổ phiếu.
Ông Phan Quốc Thắng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã chứng khoán: SIP) – đăng ký bán 150.000 cổ phiếu SIP để giảm sở hữu về 0,45% vốn điều lệ. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 18/12 đến ngày 16/1/2025.
Trước đó, ông Bạch Vân Nhạn – thành viên Hội đồng quản trị – vừa bán 30.000 cổ phiếu SIP để giảm sở hữu về 0,31% vốn điều lệ. Giao dịch được thực hiện từ ngày 11/11 – 9/12. Gần đây, cổ phiếu SIP có nhịp bật tăng gần 21%, từ 69.270 đồng lên 83.500 đồng/cổ phiếu.
Từ ngày 11/11 – 6/12, bà Nguyễn Thị Nhi – ủy viên Hội đồng quản trị Công ty CP Ống thép Việt Đức VG PIPE (mã chứng khoán: VGS) – bán được gần 774.000 cổ phiếu VGS trong tổng số hơn 1,5 triệu cổ phiếu đăng ký. Lý do không bán được hết vì giá chưa đạt kỳ vọng.
Sau giao dịch, bà Nhi giảm tỷ lệ sở hữu tại VGS xuống còn 3,09% vốn, tương đương 1,73 triệu cổ phần. Ước tính, bà Nhi thu về hơn 25 tỷ đồng cho giao dịch trên.
Từ ngày 6/9, bà Nhi nghỉ việc tại công ty và thôi giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc VGS kiêm người công bố thông tin và người phụ trách quản trị công ty. Sau đó, bà Nhi cũng xin từ nhiệm vai trò Thành viên Hội đồng quản trị VGS nhiệm kỳ 2022 – 2026 từ ngày 30/9 vì lý do cá nhân. Tuy nhiên, do đại hội cổ đông chưa thông qua, bà Nhi hiện vẫn là ủy viên Hội đồng quản trị VGS.
Đến đầu tháng 10, bà Nhi đăng ký bán 632.000 cổ phiếu nhằm mục đích giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Tuy nhiên, hết thời gian đăng ký (4/10 – 1/11), bà đã bán 633.000 cổ phiếu và mua lại 3.000 cổ phiếu vì đặt nhầm lệnh mua bán.
Kết thúc giao dịch trên, bà Nhi tiếp tục đăng ký bán 1,5 triệu cổ phiếu VGS trong thời gian từ 11/11 – 6/12 nhưng chỉ mới bán được hơn 50% số cổ phần đăng ký. Sau 2 lần bán, bà Nhi có thể thu về 40 tỷ đồng.
Vì sao cổ phiếu TTL tăng trần liên tục?
Tổng công ty Thăng Long (mã chứng khoán: TTL) vừa có văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) giải trình về việc giá cổ phiếu TTL tăng trần 5 phiên liên tiếp. Theo TTL, việc cổ phiếu tăng giá là diễn biến khách quan theo cung cầu thị trường. Các quyết định giao dịch cổ phiếu TTL của nhà đầu tư không nằm trong phạm vi kiểm soát của tổng công ty.
Tổng Công ty Thăng Long khẳng định mọi hoạt động của công ty vẫn diễn ra bình thường, không có gì biến động. Công ty cũng không có có bất kỳ tác động nào gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Cổ phiếu TTL tăng trần sau tin Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ tổ chức phiên đấu giá bán 10,5 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 25% vốn điều lệ TTL vào ngày 26/12. Giá khởi điểm cả lô gần 223 tỷ đồng, bình quân hơn 21.200 đồng/cổ phiếu.
Công ty CP City Auto (mã chứng khoán: CTF) thông qua chủ trương mua 11,88 triệu cổ phiếu của Công ty CP VW Tân Thuận, tương ứng sẽ sở hữu lên tới 99% vốn điều lệ sau giao dịch.
VW Tân Thuận được thành lập ngày 28/6/2023, là một trong những đại lý lớn nhất của thương hiệu Volkswagen tại Việt Nam. Ngược lại, City Auto trước đó chủ yếu phân phối các dòng xe phổ thông như Ford và Hyundai.
Ngày 20/12 tới, Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer – mã chứng khoán: MCH) sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 95% bằng tiền. Với hơn 724 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Masan Consumer sẽ chi gần 7.000 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức lần này.
Phần lớn số tiền sẽ chảy vào túi công ty mẹ Masan Consumer Holdings với tỷ lệ chi phối lên đến 92,37%. Trước đó, Masan Consumer đã chi khoảng 19.000 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền năm 2023 với tỷ lệ 268%.