“Sell in May and go away” – câu thành ngữ tài chính nổi tiếng bắt nguồn từ London thời xưa, với phiên bản đầy đủ “Sell in May and go away; come back on St. Leger’s Day”. Ý nghĩa đơn giản là việc bán cổ phiếu vào tháng Năm sau đó rời thị trường và trở lại vào tháng Chín khi mùa đua ngựa St. Leger bắt đầu.
Lời khuyên này phản ánh nhịp sống thời Victoria và Edward, khi giới đầu tư thượng lưu rời thành phố trong mùa hè để nghỉ dưỡng ở nông thôn hoặc nước ngoài. Thị trường tài chính khi ấy chìm trong tĩnh lặng, giao dịch trầm lắng. Khi vượt Đại Tây Dương sang Mỹ, câu nói được giản lược, nhưng tinh thần thì không đổi. Phố Wall cũng chứng kiến cảnh các nhà môi giới, quản lý quỹ nghỉ hè về Hamptons, dòng tiền khan hiếm và hiệu suất đầu tư cũngkém đi. Quả thực, lịch sử từng ghi nhận “mùa hè buồn tẻ” (summer doldrums) là giai đoạn lợi nhuận chứng khoán yếu nhất trong năm ở phương Tây.
Thời thế đổi thay
Như mọi quy luật tự nhiên, thời thế đổi thay. Báo cáo mới nhất từ Chứng khoán SHS cho thấy thực tế không còn ảm đạm như xưa. Lợi suất trung bình giai đoạn này vẫn đạt khoảng 4,2%, với 74% số năm ghi nhận tăng trưởng tích cực. Toàn cầu hóa, giao dịch điện tử và sự trỗi dậy của các quỹ đầu tư xuyên biên giới đã thay đổi diện mạo thị trường. Dòng vốn giờ đây chảy không ngừng 24/7, thanh khoản được duy trì quanh năm.

Thậm chí, nếu ai cũng tin vào cụm “Sell in May”, những nhà đầu tư nhạy bén sẽ hành động sớm từ tháng Tư, điều này khiến mô típ mùa vụ bị triệt tiêu trong chính sự vận động hiệu quả của thị trường. Bên cạnh đó, yếu tố vĩ mô cũng ngày càng lấn át hiệu ứng mùa vụ. Những sự kiện như khủng hoảng tài chính 2008, đại dịch COVID-19 hay thay đổi chính sách tiền tệ có thể khiến thị trường biến động bất kể thời điểm. Chẳng hạn, mùa hè 2020 không hề ảm đạm mà ghi dấu đợt phục hồi ấn tượng nhờ các gói cứu trợ quy mô lớn.
Theo Chuyên gia SHS, nhà đầu tư cần tỉnh táo trước sự cám dỗ của chiến lược “né mùa hè”. Thống kê cho thấy những phiên tăng mạnh nhất thường xảy ra ngay sau những đợt giảm sâu. Nếu đứng ngoài thị trường vì tin vào “Sell in May” nhà đầu tư dễ bỏ lỡ cơ hội vàng.
Tựu chung lại trong bối cảnh hiện tại, câu thành ngữ “Sell in May” có lẽ chỉ mang tính hoài niệm nhiều hơn là kim chỉ nam đầu tư. Trong thời đại hiện nay, đầu tư không thể đơn giản dựa vào lịch tờ rơi hay tâm lý FOMO, mà cần phải bám sát thực tại kinh tế, chính sách vĩ mô, chu kỳ kinh doanh và triển vọng lợi nhuận. Thị trường không chờ đợi ai, vì vậy người đầu tư sáng suốt là người đọc được mạch vận động của thời đại, biết rằng không có công thức nào bất biến, chỉ có sự tỉnh thức và thích ứng không ngừng.