Tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 diễn ra ngày 10/7, ông Nguyễn Hoài Nam – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có những chia sẻ đáng chú ý liên quan đến hoạt động xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là mặt hàng tôm.
Ngay phần phát biểu mở đầu, ông Nam cho biết ngành tôm Việt Nam đang chịu mức thuế chống bán phá giá (CBPG) từ Mỹ lên tới 35,29% – mức cao bất thường so với những lần rà soát trước đó. Trước tình hình này, VASEP đã gửi hai văn bản đến Chính phủ và các cơ quan hoạch định chính sách, đề nghị có giải pháp hỗ trợ cụ thể. Ông Nam nhấn mạnh, nếu không có động thái ngoại giao cấp cao, nguy cơ mất đơn hàng, sụt giảm thị phần và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng triệu lao động trong ngành là hoàn toàn có thể xảy ra.
“Hiện họ (phía Mỹ) không tiếp nhận hồ sơ của chúng ta”, ông Nam chia sẻ. “Điều đó đồng nghĩa với việc các tài liệu vốn rất đầy đủ, minh bạch và có số liệu rõ ràng sẽ không được xem xét. Không xem thì chúng ta sẽ bị chấm điểm thấp. Chúng tôi rất mong Chính phủ có văn bản gửi phía Mỹ, đề nghị họ tiếp nhận hồ sơ”.
![]() |
Ông Nguyễn Hoài Nam – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) phát biểu tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 |
Trước đó, vào rạng sáng ngày 7/6/2025 (giờ Việt Nam), Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả sơ bộ của đợt rà soát hành chính lần thứ 19 (POR19) đối với lệnh áp thuế CBPG với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh từ Việt Nam trong giai đoạn từ 1/2/2023 đến 31/1/2024.
Theo kết quả, Công ty TNHH Thông Thuận (bao gồm cả Thông Thuận Cam Ranh) được xác định không bán phá giá và được áp thuế 0%. Tuy nhiên, CTCP Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) lại bị áp mức thuế sơ bộ lên tới 35,29%, mức cao bất thường so với các kỳ rà soát trước. Mức thuế này cũng được áp dụng cho 22 doanh nghiệp khác thuộc diện hưởng thuế riêng biệt nhưng không phải là bị đơn bắt buộc, thay vì áp dụng mức trung bình gia quyền từ hai bị đơn bắt buộc như thông lệ các năm trước.
Theo VASEP, đây là lần đầu tiên trong suốt 19 năm tham gia các kỳ rà soát hành chính vụ kiện CBPG với mặt hàng tôm, doanh nghiệp Việt Nam bị áp mức thuế sơ bộ hai con số. Hiệp hội cũng dẫn lại trường hợp kỳ POR12, khi DOC từng tính sai mức thuế sơ bộ 25,76% cho FIMEX và sau đó điều chỉnh về 4,58% trong kết quả cuối cùng – cho thấy khả năng có sai sót trong đợt tính toán lần này là hoàn toàn có cơ sở.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, lãnh đạo CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) cho biết doanh nghiệp đang kỳ vọng kết luận cuối cùng của kỳ rà soát (dự kiến công bố vào tháng 12/2025) sẽ điều chỉnh mức thuế về mức thấp hơn. Trường hợp được hoàn thuế, FMC có thể hoàn nhập khoản trích dự phòng đã ghi nhận trong năm 2023, giúp cải thiện đáng kể lợi nhuận. Ngược lại, nếu kết quả không thuận lợi, doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh lại báo cáo tài chính theo mức thuế cụ thể được xác định.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) là tổ chức tự nguyện của các doanh nghiệp hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Thành lập từ năm 1998, đến cuối quý I/2025, VASEP đã quy tụ hơn 320 doanh nghiệp thành viên trên cả nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn như Vĩnh Hoàn (VHC), Nam Việt (ANV), Sao Ta (FMC), I.D.I Seafood (IDI)… Các hội viên VASEP hiện đóng góp hơn 83% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.