Ngày 7/5 tại Hà Nội, ông Bùi Văn Kiên – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành các dự án giải tỏa công suất Nhà máy điện (NMĐ) Nhơn Trạch 3 và 4 đã chủ trì cuộc họp rà soát tiến độ thực hiện các dự án truyền tải liên quan.
![]() |
Hình ảnh tại buổi làm việc |
Cụm dự án này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo truyền tải công suất từ NMĐ Nhơn Trạch 3 và 4, tăng cường liên kết lưới điện khu vực phía Nam, nhất là tại tỉnh Đồng Nai. Khi hoàn thành, các dự án sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và tăng nguồn thu cho địa phương.
Tại cuộc họp, đại diện Ban QLDA Truyền tải điện (NPTPMB) – đơn vị phụ trách dự án đường dây 220kV Nhơn Trạch 3 – rẽ Mỹ Xuân – Cát Lái cho biết công trình đang trong giai đoạn thi công móng, dựng cột. Tuy nhiên, dự án gặp vướng mắc do chưa có đơn giá đất và phương án bồi thường. Mục tiêu hoàn thành vào quý II/2025.
Đại diện Ban QLDA các công trình điện miền Nam (SPMB) báo cáo, dự án đường dây 500kV Nhơn Trạch 4 – rẽ Phú Mỹ – Nhà Bè đã đóng điện cuối năm 2024. Trong khi đó, dự án đường dây 220kV Nhơn Trạch 3 – TBA 500kV Long Thành (gồm 87 vị trí móng) đang thi công với 44 vị trí đã hoàn tất đúc móng, 11 trụ đã dựng. Dự án dự kiến hoàn thành quý IV/2025 nhưng đang vướng pháp lý về bồi thường và xác minh nguồn gốc đất.
Dự án đường dây 220kV TBA 500kV Long Thành – Khu Công nghệ cao đang làm thủ tục khởi công quý IV/2026, đóng điện quý IV/2027. Riêng dự án Trạm biến áp 220kV KCN Nhơn Trạch đang triển khai thi công nhưng cũng chậm do chưa có quyết định phương án bồi thường, dù đã có đơn giá đất.
![]() |
“Vượt nắng, thắng mưa”, đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải điện cho nhà máy 1,4 tỷ USD sắp vận hành |
Lãnh đạo EVNNPT ghi nhận nỗ lực của các đơn vị trên trong thời gian qua, đồng thời yêu cầu tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương, xử lý dứt điểm các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công cuốn chiếu để kịp tiến độ phát điện thương mại Nhơn Trạch 3 trong tháng 6/2025 và Nhơn Trạch 4 vào tháng 8/2025.
Nhơn Trạch 3 và 4 là dự án sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên tại Việt Nam với tổng mức đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD, công suất thiết kế 1.624MW, đóng vai trò thiết yếu trong việc cung ứng điện cho khu vực phía Nam.