Kết thúc phiên của năm 2024, chỉ số Vn-Index đạt gần 1.267 điểm, tăng 12,1%. Thị trường cũng ghi nhận xu hướng các quỹ mở có mức sinh lời cao hơn ngưỡng tăng bình quân của chứng khoán, nếu lấy VN-Index làm tham chiếu.
Thống kê của VnExpress cho thấy, thị trường có khoảng 19 quỹ mở cổ phiếu đạt hiệu suất từ 10% trở lên, cao hơn mức tăng của Vn-Index. Quỹ mở là quỹ đại chúng mà chứng chỉ quỹ đã chào bán ra công chúng phải được mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư. Thời gian hoạt động, quy mô vốn của quỹ mở không bị giới hạn, mà phụ thuộc vào tình hình hoạt động và khả năng huy động vốn của công ty quản lý quỹ. Lợi nhuận của nhà đầu tư được xác định bằng chênh lệnh giữa giá mua và bán.
Dẫn đầu về hiệu suất là Quỹ đầu tư cổ phiếu Kinh tế hiện đại (VMEEF) của VinaCapital với mức tăng 32,78% trong năm qua. Quỹ này đầu tư chủ yếu vào các cổ phiếu có triển vọng tốt về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong dài hạn. Theo báo cáo tháng 11, tài sản ròng đạt 1.475 tỷ đồng. Gần 36% vốn được rót vào ngành ngân hàng, theo sau là công nghệ thông tin, nổi bật là các mã ACB, VCB, FOX, FPT, BVH…
Tiếp theo là Quỹ đầu tư Lợi thế cạnh tranh bền vững (SSISCA) của Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM), với hiệu suất 32,02%. Quỹ này tăng trưởng qua việc chủ động và linh hoạt đầu tư vào cổ phiếu của các công ty có lợi thế cạnh trạnh bền vững, cũng như tài sản có thu nhập cố định. Ngoài ngân hàng và công nghệ, bất động sản cũng là nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao trong số vốn 768,6 tỷ đồng của quỹ. Dẫn đầu danh mục là các mã FPT, ACB, CTG, HPG, TCB…
Xếp thứ ba cũng là đại diện đến từ SSIAM – Quỹ đầu tư Tăng trưởng dài hạn Việt Nam (VLGF) với hiệu suất 28,05%. Quỹ tập trung vào cổ phiếu chất lượng của các công ty có quản trị tốt, triển vọng tăng trưởng dài hạn. Gần 30% số vốn đặt vào các mã ngân hàng, 14% cho công nghệ thông tin khi họ đã quản lý tài sản ròng gần 4.630 tỷ đồng.
Hai quỹ cổ phiếu xếp vị trí thứ 4 và 5 đều thuộc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), lần lượt là VCBF-BCF (27,04%) và VCBF-MGF (26,36%). Điểm chung của cả hai là phân bổ số vốn lớn nhất cho các cổ phiếu ngân hàng, nhưng VCBF-BCF có xu hướng ưa chuộng thêm các mã công nghệ, còn VCBF-MGF lại chọn bất động sản.
Ngoài ra, thị trường còn ghi nhận các quỹ như BVPF, DCDS, VEOF, MAGEF, VASAF và MAFEQI cũng có hiệu suất trên 20%. Đây đều là các quỹ đầu tư cổ phiếu thuộc quản lý của các công ty lớn như Bảo Việt Fund, Dragon Capital, Mirea Asset hay Manulife Investment Việt Nam.
Ở nửa cuối năm, thị trường đón nhận thêm một số quỹ mở mới ra mắt như VDEF của VinaCapital, VCBF-AIF của VCBF, hay TCGF của Công ty Quản lý quỹ Thành Công (TCAM)…
try{try{for(const iframe of document.querySelectorAll(“iframe[data-src]”)){iframe.removeAttribute(“sandbox”);iframe.setAttribute(“src”,iframe.getAttribute(“data-src”));}}catch(e){}}catch(e){console.log(“error_replace_script”,e);}
Nhiều quỹ mở có hiệu suất cao hơn hẳn VN-Index dù năm qua, thị trường biến động theo xu hướng sideway up (vừa tích lũy và tăng) trong vùng 1.200-1.300 điểm, không ít nhà đầu tư có hiệu suất âm, thậm chí “cháy” tài khoản.
Ông Phan Hoàng Quân, Trưởng phòng Phát triển kinh doanh của Công ty Quản lý quỹ Thành Công, cho biết mục tiêu quỹ mở là tìm kiếm cơ hội đầu tư mang lại lợi nhuận vượt trội và quản trị rủi ro trên thị trường. Vì vậy, đội ngũ quản lý sẽ thực thi chiến lược đầu tư có chọn lọc, tập trung tỷ trọng lớn vào các cổ phiếu đầu ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt với danh mục 20-40 mã.
Ngoài ra, quỹ còn chủ động thực hiện kế hoạch quản trị rủi ro với việc thay đổi tỷ trọng giữa cổ phiếu và tiền mặt theo từng thời điểm, nhằm tối ưu hiệu quả đầu tư và phòng ngừa biến động của thị trường.
“Danh mục cổ phiếu của quỹ mở sẽ có tỷ trọng ngành và cổ phiếu khác với VN-Index – chỉ số đại diện cho 468 mã trên sàn HoSE với hơn một nửa thuộc nhóm ngân hàng và bất động sản. Kết hợp với việc quản trị rủi ro tốt, quỹ mở thường có hiệu suất đầu tư cao hơn trung bình VN-Index”, ông nói.
Như vậy, quản trị rủi ro là một trong những yếu tố quan trọng giúp đầu tư đạt hiệu suất cao. Ông Quân cho biết đối với TCGF – quỹ mở cổ phiếu vừa ra mắt vào cuối tháng 10/2024 – quản trị rủi ro được thực hiện từ việc đánh giá cẩn trọng các yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước đến phân tích chi tiết báo cáo tài chính doanh nghiệp. Việc này giúp họ tìm ra các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn (1-3 năm) và định giá hấp dẫn. Sau đó, quỹ sẽ thực hiện chiến lược phân bổ vốn khi có định giá phù hợp và nắm giữ trung – dài hạn, bỏ qua biến động ngắn hạn.
Ngoài ra, quỹ này còn thực hiện giám sát danh mục đầu tư, cập nhật phân tích và tái cân bằng danh mục định kỳ, liên tục khi có những thay đổi lớn về vĩ mô nền kinh tế hay hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đang nắm giữ. Đội ngũ quản lý cũng dành tỷ trọng nhỏ nguồn vốn cho hoạt động trading ngắn hạn (chiến lược đầu tư chứng khoán dưới 1 năm), nhằm tối ưu lợi nhuận và quản trị danh mục tốt hơn.
Theo chuyên gia, nhà đầu tư cá nhân có thể áp dụng chiến lược nắm giữ trung và dài hạn các doanh nghiệp tiềm năng đầu ngành và bỏ qua biến động ngắn hạn. Họ cũng có thể kết hợp giám sát danh mục đầu tư, tái cân bằng danh mục định kỳ để hướng đến hiệu suất đầu tư cao.
Với những ai không có thời gian và kiến thức chuyên môn để thực hiện các chiến lược trên, nên cân nhắc sử dụng dịch vụ của các đơn vị chuyên nghiệp để tăng tối đa xác suất đạt hiệu suất cao trong đầu tư. Đặc biệt với nhà đầu tư mới tham gia thị trường, chuyên gia khuyến nghị nên tham gia thông qua việc mua chứng chỉ quỹ mở.
Tất Đạt