Trong bối cảnh chỉ số VN-Index chỉ dao động quanh 1.200-1.300 điểm, hầu hết các cổ phiếu “họ” Viettel và FPT đã lập đỉnh lịch sử trong năm 2024.
Đặc biệt, FPT với 40 lần phá đỉnh và VGI (Viettel Global) (+270%) tăng mạnh nhất, đưa vốn hoá FPT và Viettel Global từ vị trí ngoài top 10 vào top 5 doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất thị trường chứng khoán. Trong đó, Viettel Global có vốn hoá gần 290.000 tỷ đồng đứng vị trí thứ 2, chỉ sau Vietcombank, còn FPT (vốn hoá 219.600 tỷ đồng) đứng vị trí thứ 5, sau Vietcombank, Viettel Global, ACV, BIDV.
Cụ thể, trong nhóm FPT, cổ phiếu FPT Retail (FRT), FPT Telecom (FOX), FPT Online (FOC) hay Chứng khoán FPT (FTS) đều có mức tăng hàng chục % từ đầu năm. FPT Retail có thời điểm đã lọt vào danh sách tỷ USD vốn hóa trong khi FPT Telecom giữ vị thế là một trong những doanh nghiệp viễn thông lớn nhất sàn với vốn hóa 2 tỷ USD.
Trong khi đó, nhóm Viettel, ngoài Viettel Global, cổ phiếu Viettel Post (VTP) cũng ghi nhận mức tăng bằng lần. Viettel Construction (CTR) tiếp tục duy trì mức vốn hóa quanh 14.000 tỷ đồng sau khi đạt đỉnh hồi tháng 6. Cổ phiếu của Thiết kế Viettel (VTK) thậm chí còn tăng 120% từ đầu năm.
Đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ Viettel, FPT xuất phát từ kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp, kỳ vọng của giới đầu tư vào tiềm năng tăng trưởng, đặc biệt đây đều là những doanh nghiệp dự báo hưởng lợi nhờ “trend” công nghệ, AI, 5G trong tương lai.
Nhận định về đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ FPT, Viettel, ông Trần Quốc Toàn, Giám đốc Chi nhánh 2 Hội sở Mirae Asset cho rằng, nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận mức định giá cao hơn trung bình trong nhiều năm qua, dựa trên tiềm năng tăng trưởng bền vững trong tương lai.
“Các dự án chiến lược như hợp tác với Nvidia phát triển công nghệ AI, mở rộng thị trường trung tâm dữ liệu và triển khai mạng 5G đang mở ra cơ hội tăng trưởng vượt bậc cho cả nhóm Viettel và FPT, khiến dòng tiền tiếp tục đổ vào nhóm cổ phiếu này. Sự kết hợp của xu hướng toàn cầu đi cùng kết quả kinh doanh khả quan và kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ đã tạo nên cơn sóng tăng giá bền vững cho nhóm cổ phiếu họ “Viettel-FPT” trong năm qua”, chuyên gia Mirae Asset nhận định.
Tháng 4 vừa qua, Nvidia và Tập đoàn FPT thỏa thuận đầu tư 200 triệu USD để thành lập nhà máy AI Factory đầu tiên. Tháng trước, hai bên mở thêm một nhà máy AI tại Nhật Bản và dự kiến có những nhà máy mới trong thời gian tới. Theo SSI Research, FPT AI Factory có thể sẽ ghi nhận doanh thu từ 2025, ước tính khoảng 100 triệu USD với công suất 90%.
“Trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi toàn thế giới. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác chiến lược để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây thiết yếu cho các ứng dụng AI trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Nhật Bản, theo sáng kiến toàn cầu của Nvidia”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT nói.
Mảng CNTT nước ngoài cũng chính là động lực giúp FPT duy trì tăng trưởng lợi nhuận đều đặn qua các quỹ. Sau 11 tháng năm 2024, doanh thu CNTT nước ngoài của FPT đã vượt mốc 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với Viettel Global, 9 tháng đầu năm, Viettel Global lãi trước thuế hơn 6.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra. 2024 là năm bản lề đối với Viettel Global khi tổng công ty tiến những bước quan trọng trong việc xử lý các vấn đề tồn đọng và tiến đến hết lỗ lũy kế vào năm 2025. Đây được xem là bước đệm để Viettel Global sẽ có thể tính toán phương án chia cổ tức.
VGI đang hoạt động tại 9 quốc gia trên khắp châu Á, châu Phi và châu Mĩ với tổng dân số hơn 200 triệu người. Trong đó, Viettel Global đứng top 1 thị phần tại 6 thị trường chính Myanmar, Campuchia, Lào, Đông Timor, Burundi…
Trong khi đó, Viettel Construction (CTR) với vị thế TowerCo có thị phần số 1 Việt Nam được đánh giá là doanh nghiệp hưởng lợi lớn từ việc phủ sóng 5G. Trong 11 tháng vừa qua, các mảng kinh doanh cốt lõi của Viettel Construction đều ghi nhận danh thu tăng trưởng ở mức 2 chữ số. Luỹ kế 11 tháng vừa qua, Viettel Construction ước đạt hơn 11.685 tỷ đồng doanh thu và 609 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 12% và 2% so với cùng kỳ 2023. Qua đó, hoàn thành 92% kế hoạch doanh thu và 91% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Ngoài công nghệ – viễn thông, các doanh nghiệp trong nhóm FPT và Viettel đang hoạt đông trong lĩnh vực khác như FPT Retail (FRT) hay Viettel Post (VTP) cũng là những doanh nghiệp có đà tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
FPT Retail với chuỗi nhà thuốc và hệ thống tiêm chủng Long Châu đang dần hiện thực hóa tham vọng khép kín chuỗi chăm sóc sức khỏe – lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Theo SSI Research, Long Châu sẽ có 1.900 và 2.300 nhà thuốc vào cuối năm 2024-2025 và đặt mục tiêu có 100 trung tâm vaccine vào cuối năm 2024, sau đó mở 150 trung tâm vào năm 2025.
Viettel Post đang trong quá trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho các phân khúc mới và có thể bắt đầu triển khai các dịch vụ mới từ năm 2025 trở đi. 9 tháng đầu năm, Viettel Post ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 15.000 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ, vượt 14% chỉ tiêu cả năm.
Ngày 11/12, Viettel Post bắt đầu vận hành Công viên Logistics Lạng Sơn, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng logistics, phục vụ xuất, nhập khẩu truyền thống và tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa thương mại điện tử giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là bước đầu trong việc hiện thực hóa tham vọng logistics xuyên biên giới của Viettel Post.