spot_img
31 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánNhững rào cản khi thương mại Trung Quốc, châu Âu xích lại...

Những rào cản khi thương mại Trung Quốc, châu Âu xích lại gần nhau

Châu Âu cần quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với Trung Quốc để củng cố đầu ra trước thuế quan Mỹ, nhưng đạt được điều này sẽ không đơn giản, theo giới phân tích.

Chiến dịch bảo hộ thương mại quyết liệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng với cách ông xử lý xung đột Ukraine, nguy cơ giảm cam kết an ninh đã khiến EU bắt đầu thấy có khoảng cách. Thực tế này đòi hỏi khối mở rộng các quan hệ thương mại khác, như với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – Trung Quốc.

Đầu năm nay, tại Diễn đàn Davos, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói: “Đây là cơ hội để làm sâu sắc thêm quan hệ với Bắc Kinh, và nếu có thể, mở rộng cả hợp tác thương mại lẫn đầu tư”.

Hai tháng sau, quan hệ lạnh nhạt với Washington càng khiến nhu cầu xích lại gần Bắc Kinh cấp thiết hơn. Ngoài các mặt hàng tiêu dùng giá rẻ, Trung Quốc cung cấp nhiều nguyên liệu chiến lược như lithium cho các ngành công nghiệp của khối.

Nước này cũng là thị trường lớn tiêu thụ hàng hóa châu Âu, đặc biệt xe hơi Đức, và có các khoản đầu tư đáng kể tại nhiều nước như Hungary hay Tây Ban Nha. Sự “tách rời” giữa hai nền kinh tế Mỹ – Trung cũng tạo ra nhu cầu Trung Quốc hợp tác với EU nếu không muốn mất đi thị trường tiêu dùng hàng đầu thế giới.

“Hiện EU cần Trung Quốc nhiều hơn và ngược lại”, bà Elvire Fabry, chuyên gia Viện Jacques Delors (Pháp) nhận định. Các nhà phân tích cho rằng thực tế cả Trung Quốc và EU dường như đã chủ động xích lại gần nhau hơn gần đây.

  • Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 6/4/2023. Ảnh: Reuters

Đầu tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã nói chuyện qua điện thoại. Carsten Nickel, Giám đốc điều hành tại Teneo lưu ý rằng ngôn ngữ được sử dụng trong cuộc gọi từ phía châu Âu có vẻ “nhẹ nhàng” hơn so với trước đây.

“Cả Trung Quốc và châu Âu đều không thể gánh thêm một cuộc chiến thương mại nữa bên cạnh đối đầu với Mỹ”, bà Fabry tại Viện Jacques Delors bình luận.

Đến ngày 11/4, có thông tin cho biết hai bên có kế hoạch xem xét việc thiết lập mức giá tối thiểu cho xe điện của Trung Quốc sản xuất, thay cho mức thuế của EU, theo CNBC. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi giữa tháng 2, kêu gọi một mối quan hệ cân bằng hơn.

Trung Quốc và Liên minh châu Âu khó có thể nhanh chóng trở thành đồng minh thân thiết, ngay cả khi thuế quan của Tổng thống Trump ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa nền kinh tế lớn nhất thế giới và cả hai đồng minh xuyên Đại Tây Dương.

Max Bergmann, Giám đốc Chương trình châu Âu, Nga và Âu – Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho biết hai nền kinh tế này có thể cởi mở hơn trong hợp tác, nhưng vẫn còn rào cản do xung đột liên quan đến các vấn đề thương mại. “Tiềm năng liên kết kinh tế giữa EU và Trung Quốc có hạn vì cả hai đều là nền kinh tế dựa trên xuất khẩu. Họ vốn cạnh tranh nhau, đặc biệt trong lĩnh vực ôtô và công nghệ sạch”, ông chỉ ra.

Trong lịch sử, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của EU bên cạnh Mỹ, nhưng quan hệ hai bên cũng đặc trưng bởi các cuộc điều tra và ăn miếng trả miếng về thương mại. EU cáo buộc Trung Quốc trợ cấp nhà nước để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng các ngành như xe điện, pin, thép. Năm ngoái, khu vực này đã áp thuế với xe điện của Trung Quốc.

Đáp lại, Bắc Kinh sau đó đã tiến hành các cuộc điều tra chống bán phá giá với thịt lợn, rượu mạnh xuất khẩu và điều tra chống trợ cấp sản phẩm sữa từ EU. Ngoài ra, Ian Bremmer, Chủ tịch hãng nghiên cứu Eurasia Group trụ sở tại New York (Mỹ) chỉ ra sự ngờ vực của châu Âu với Trung Quốc trong các lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, giám sát công nghệ, công nghiệp. Điều này “không biến mất khi Mỹ trở thành đối thủ”, ông nói với CNBC.

Gần đây hơn, sau mức thuế 145% Mỹ áp lên hàng Trung Quốc, có lo ngại rằng hàng giá rẻ nước này có thể dồn sang châu Âu. Bởi lẽ, việc Washington áp thuế lên thép và nhôm từ ngày 12/3, khiến các mặt hàng này từ Trung Quốc ồ ạt vào châu Âu.

Điều này dẫn đến việc Ủy ban châu Âu phải tăng cường biện pháp phòng vệ để bảo vệ ngành thép khu vực. “Chúng tôi sẵn sàng sử dụng mọi công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường chung, các nhà sản xuất và người tiêu dùng châu Âu”, Cao ủy Thương mại EU Maros Sefcovic tuyên bố hôm 7/4.

Trước Trung Quốc, EU đang thể hiện thái độ “lúc nóng, lúc lạnh”, hy vọng Bắc Kinh sớm phát đi tín hiệu cho thấy quyết tâm cân bằng cán cân thương mại giữa hai khu vực. Ngày 8/4, khi điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh đến “trách nhiệm của cả châu Âu và Trung Quốc” trong “hỗ trợ một hệ thống thương mại tự do, công bằng, đã được cải tổ, dựa trên các điều kiện cạnh tranh bình đẳng”.

Người đứng đầu EC cũng thúc giục Bắc Kinh giải quyết tình trạng chuyển hướng thương mại có thể xảy ra do thuế quan và hướng tới đàm phán. Nguồn tin cho hay ông Lý Cường đã trấn an rằng điều này sẽ không xảy ra.

Giáo sư Aurélien Saussay tại Trường Kinh tế London (Anh) cũng trấn an “tác động ròng có thể sẽ không lớn như người ta tưởng”. Ông cho rằng, cuộc chiến thương mại trực diện giữa chính quyền Trump và Trung Quốc có thể “vô tình tạo lợi thế cho EU trong xuất khẩu sang Mỹ, so với Trung Quốc”.

“Nói cách khác, vẫn có những yếu tố mang tính bù đắp”. Và nếu Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu vào châu Âu để né thuế Mỹ, EU vẫn có khả năng “phản ứng bằng cách áp dụng các biện pháp bảo hộ của riêng mình”, theo Giáo sư Saussay.

Người châu Âu cũng hiểu rằng cần có sự thận trọng nhưng họ cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm cách xây dựng một mối quan hệ cân bằng hơn với Bắc Kinh, mà không quá thân thiết. Vì dù sao, Mỹ vẫn là đồng minh quan trọng trong khi Trung Quốc từ năm 2019 được EU xếp vào nhóm “đối tác, đối thủ cạnh tranh và mang tính hệ thống”.

Washington sẽ khó có thể hài lòng khi xuất hiện một liên minh mới không cùng chí hướng. Cho đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa đưa vấn đề Trung Quốc vào các yêu cầu với châu Âu. Ông cũng không đòi hỏi EU phải cam kết điều gì, khác với người tiền nhiệm Joe Biden luôn kêu gọi châu Âu cùng kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sẽ không xảy ra, đặc biệt trước áp lực từ phe diều hâu trong đảng Cộng hòa và sự khó đoán của người sáng lập khẩu hiệu “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Phát biểu hôm 9/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói đó sẽ là một “canh bạc thất bại” của châu Âu.

Phiên An (theo Le Monde, CNBC)

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật