spot_img
13 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánNước đi mới của Đạm Cà Mau (DCM) sau động thái thúc...

Nước đi mới của Đạm Cà Mau (DCM) sau động thái thúc đẩy ngành phân bón của Chính phủ

Dự báo của AgroMonitor cho biết, tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón tại Đồng bằng Sông Cửu Long trong niên vụ Đông-Xuân lên tới 900.000 tấn các loại.

Trong 3 ngày (từ 4-6/12), thời điểm chính vụ Đông Xuân, đoàn công tác CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC – HoSE: DCM) do bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Tổng Giám đốc dẫn đầu đã đi khảo sát, tìm hiểu tình hình và làm việc với các nhà phân phối tại thị trường Tây Nam Bộ.

Theo đó, hiện đang là thời điểm quan trọng chính vụ Đông Xuân 2024-2025, nhu cầu sử dụng phân bón của bà con nông dân tăng cao. Dự báo của AgroMonitor cho biết, tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón tại Đồng bằng Sông Cửu Long trong niên vụ này khoảng gần 900.000 tấn các loại. Trong đó, riêng đạm ure chiếm khoảng 350.000 tấn, NPK chiếm khoảng 270.000 tấn, tăng nhẹ so với niên vụ trước.

Để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng không gián đoạn cho cây trồng, PVCFC duy trì vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau tối ưu với công suất 110-115% công suất thiết kế, dự kiến đến giữa niên vụ sẽ cán mốc sản lượng 11 triệu tấn ure, cùng hai nhà máy khác là NPK Cà Mau – công suất thiết kế 300.000 tấn/năm và nhà máy NPK Hàn Việt – công suất thiết kế 360.000 tấn/năm.

PVCFC cũng đã tích cực triển khai hàng loạt nội dung hướng dẫn bà con canh tác và sử dụng phân bón hợp lý ngay từ những ngày đầu mùa vụ. Các nội dung này được triển khai trên các kênh online và trực tiếp thông qua hội thảo, hội nghị nhằm giúp bà con tiếp cận nhanh chóng với thông tin mới nhất.

Nước đi mới của Đạm Cà Mau (DCM) sau động thái thúc đẩy ngành phân bón của Chính phủ
Đại diện PVCFC thăm kho hàng của nhà phân phối

Tuy nhiên, tại thời điểm này, các nhà phân phối phân bón vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức cả về mặt khách quan lẫn chủ quan như: bán lấn vùng, đạp giá, thiếu phương tiện vận chuyển… Nhân chuyến làm việc với PVCFC, các nhà phân phối đã đề xuất, kiến nghị một số chính sách hỗ trợ bán NPK như: hỗ trợ cước vận chuyển khi nhận hàng ở nhà máy, tăng cường lực kéo với các chương trình marketing, độc quyền công thức để tránh bán lấn vùng…

Đại diện PVCFC cam kết sẵn sàng đồng hành với nhà phân phối để chia sẻ lợi ích cũng như khó khăn nếu nhà phân phối thực hiện đúng tôn chỉ bán hàng của doanh nghiệp. PVCFC sẽ xem xét hỗ trợ đảm bảo lợi ích của nhà phân phối và đảm bảo cung cấp đủ sản phẩm chất lượng cao với giá cả cạnh tranh, góp phần ổn định hoạt động sản xuất, canh tác của bà con nông dân Tây Nam Bộ.

Ngay trong chiều 6/12, sau khi làm việc với các nhà phân phối Tây Nam Bộ, bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Tổng Giám đốc, cùng đoàn công tác PVCFC đã tới cảng Thành Tài (tỉnh Long An) để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giao hàng, đáp ứng nhu cầu của nhà phân phối và bà con nông dân.

Hưởng lợi lớn từ Luật thuế VAT 5% với phân bón

Chiều ngày 26/11, Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) về việc quy định thuế suất thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp và tàu khai thác thủy sản. Luật Thuế GTGT (sửa đổi) bao gồm 4 chương, 17 điều và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Nước đi mới của Đạm Cà Mau (DCM) sau động thái thúc đẩy ngành phân bón của Chính phủ
Quốc hội nghe báo cáo giải trình trước khi bấm nút

SSI Research nhận định, các doanh nghiệp phân bón nội địa sẽ có cơ hội cạnh tranh hơn so với phân bón nhập khẩu, từ đó hỗ trợ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ. Giá của phân bón nhập khẩu hiện đang thấp hơn 3-5% so với phân bón nội địa.

Trong trường hợp cạnh tranh gay gắt với phân bón nhập khẩu như trong giai đoạn 2015-2019, các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa sau khi được hoàn thuế giá trị gia tăng trên chi phí sản xuất, sẽ có thể chọn giảm giá bán trước khi cộng thêm thuế giá trị gia tăng, từ đó thu hẹp khoảng cách giá 3-5% so với hàng nhập khẩu và khuyến khích những người nông dân sử dụng phân bón nội địa.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất phân bón còn có thể yêu cầu hoàn thuế giá trị gia tăng trên chi phí sản xuất. Điều này chủ yếu sẽ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất ure và DAP (phân vô cơ hỗn hợp và có giá thành khá cao) vì những doanh nghiệp này sản xuất phân bón từ nguyên liệu tự nhiên (khí đốt tự nhiên, than, quặng phốt phát). SSI Research dự báo DPM và DCM sẽ là các cổ phiếu được hưởng lợi từ sự thay đổi này.

Sự thay đổi quy định về thuế giá trị gia tăng sẽ giúp Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau tăng thêm lợi nhuận lần lượt là 259 tỷ đồng và 200 tỷ đồng, từ đó đẩy tăng trưởng lợi nhuận năm 2025 lên 50% và 29% so với cùng kỳ.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật