Ngày 5/7, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và Đồng minh (OPEC+) thống nhất tăng sản lượng dầu thô thêm 548.000 thùng một ngày, áp dụng trong tháng 8.
Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến của các nước Nga, Saudi Arabia, Algeria, Iraq, Kazakhstan, Kuwait, Oman và UAE. Kế hoạch tăng trong tháng 8 lớn hơn dự báo của giới phân tích là 411.000 thùng một ngày – vốn được áp dụng vài tháng trước đó. Theo tính toán của Reuters, tính chung 5 tháng qua, riêng mức tăng sản xuất của OPEC+ là 1,9 triệu thùng một ngày.
Trong thông báo, OPEC+ giải thích rằng quyết định của họ dựa trên “triển vọng kinh tế toàn cầu ổn định và các yếu tố thị trường tích cực, thể hiện qua tồn kho dầu thấp”. Lý do tương tự cũng được sử dụng trong các cuộc họp trước.
- Bên ngoài trụ sở OPEC+ tại Vienna (Áo). Ảnh: Reuters
Tổ chức này ghìm sản xuất từ cuối năm 2022, nhằm ngăn dư cung trên thị trường khiến giá giảm, gây thiệt hại cho các nước thành viên vốn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Tuy nhiên, kế hoạch này không phát huy nhiều tác dụng. Cho đến đầu năm nay, nhóm này cắt giảm 5,86 triệu thùng một ngày, tương đương 5,7% nhu cầu toàn cầu. Từ tháng 4, sản xuất của OPEC+ mới dần tăng lên.
Đến tháng 5, OPEC+ đẩy nhanh tốc độ, bất chấp nguồn cung tăng gây sức ép lên giá dầu. Saudi Arabia và Nga – hai quốc gia dẫn đầu nhóm – muốn trừng phạt các thành viên sản xuất vượt hạn ngạch, đồng thời giành lại thị phần trên thị trường. OPEC+ hiện cung cấp khoảng một nửa lượng dầu toàn cầu.
Hồi tháng 4, giá dầu thô có thời điểm xuống thấp nhất 4 năm, khi về dưới 60 USD một thùng. Nguyên nhân là OPEC+ công bố mức tăng sản xuất tháng 5 cao gấp 3 lần kế hoạch ban đầu.
Đến tháng 6, giá dầu thô tăng trở lại do nhu cầu sử dụng tăng cao vào mùa hè và xung đột Israel – Iran. Hiện tại, giá dầu Brent là 68,3 USD một thùng, còn dầu thô Mỹ WTI 66,5 USD một thùng.
Hà Thu (theo Reuters, CNBC)