spot_img
27 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánP-Notes - dòng tiền đang ồ ạt gom hàng nghìn tỷ đồng...

P-Notes – dòng tiền đang ồ ạt gom hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam?

Giá trị mua ròng của khối ngoại trên HOSE đã xấp xỉ 9.300 tỷ đồng chỉ sau hơn 1 tuần.

Sau những thăng trầm đầu năm, VN-Index đang trình diễn một màn “hồi sinh” ngoạn mục kể từ đáy. Chỉ số chính tăng một mạch 4 phiên liên tiếp, vượt qua ngưỡng quan trọng 1.400 điểm và hiện đã chạm tới mức 1.431,32 điểm.

Bên cạnh giao dịch sôi động của nhà đầu tư trong nước khi tâm lý được cởi trói, một trong những yếu tố đóng góp cho đà tăng của thị trường thời gian qua là sự trở lại của khối ngoại. Động thái mua ròng trở lại của khối ngoại được bắt đầu từ 30/6 và tính từ thời điểm đó đến hết phiên 9/7 giá trị mua ròng đã xấp xỉ 9.300 tỷ đồng chỉ sau hơn 1 tuần.

P-Notes - dòng tiền đang ồ ạt gom hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam?- Ảnh 1.

Dòng vốn ngoại đang ồ ạt chảy vào gom tiền mua ròng cổ phiếu Việt Nam, diễn biến dòng vốn từ các quỹ ETF lại cho thấy động thái trái chiều khi vẫn đang rút ròng.

Cụ thể, thống kê từ đầu tháng 7/2025 tới nay, dòng tiền chủ yếu bị rút ròng bởi các quỹ ngoại như VanEck và Fubon FTSE lần lượt rút ròng 4,2 triệu USD và 4,6 triệu USD. Đồng thời các quỹ nội cũng ghi nhận xu hướng rút ròng như E1VFVN30 (-1,6 triệu USD), ngược lại FUEVFVND chỉ vừa được hút tiền trở lại trong 1-2 phiên gần đây.

P-Notes - dòng tiền đang ồ ạt gom hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam?- Ảnh 2.

Vậy phần khối ngoại mua ròng khớp lệnh đến từ đâu?

“Dấu chân” của một nhóm khối ngoại trên TTCK

Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Phân tích, Khối Khách hàng Cá nhân của Maybank Investment Bank (MSVN) nhận định có một số biểu hiện cho thấy P-notes đóng góp quan trọng trong lực mua ròng của khối ngoại thời gian gần đây.

Participatory Notes hay còn gọi là P-Notes là một loại công cụ tài chính phái sinh được gọi là chứng chỉ tham gia đầu tư, được các tổ chức đầu tư phát hành dành riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Để phát hành P-Notes, các định chế tài chính lớn thường tích lũy một số lượng cổ phiếu đủ lớn, bao gồm các cổ phiếu lớn, có thanh khoản tốt, hoạt động hiệu quả và mang tính đại diện cho thị trường để lập thành một danh mục. Trên danh mục đó, các tổ chức tài chính này sẽ phát hành P-Notes cho các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư vào thị trường chứng khoán của nước sở tại.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, về bản chất thì đây là công cụ được các định chế nước ngoài phát hành, dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài. P‑Notes có đặc tính giao dịch quyết liệt và thường tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, thanh khoản cao.

Có nhiều lý do để lượng mua vào thông qua P-Notes tăng lên mà theo ông Lâm nghĩ có thể liên quan bao gồm các nhà đầu tư nước ngoài mới, có thể cần thời gian để thiết lập tài khoản đầu tư tại Việt Nam nhưng muốn có vị thế sớm ở hiện tại. Dòng tiền đến từ các thị trường mà sản phẩm này có tính ưu việt hơn để sử dụng. Một số yếu tố nội tại cũng ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam như giới hạn room ngoại, thiếu hàng hóa chất lượng, sụt giảm số lượng IPO và vắng bóng doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn lên sàn trong giai đoạn này.

Dù hiểu theo cách nào, ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng việc khối ngoại nói chung (trong đó có dòng tiền đến từ sản phẩm P-notes) quay trở lại mua ròng, nên được nhìn nhận dưới góc độ tích cực.

“Tăng trưởng kinh tế tốt, những tín hiệu tích cực từ đàm phán thuế quan Việt Nam – Hoa Kỳ, cùng với đó là kỳ vọng nâng hạng thị trường kích thích dòng vốn ngoại có thể đang “đón đầu” cơ hội. Dòng vốn nước ngoài có thể tăng tốc trong nửa cuối năm 2025. Ngoài kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất, đồng USD đã suy yếu khoảng 10% tính đến hiện tại phản ánh lo ngại tăng trưởng chậm lại và rủi ro tài chính gia tăng tại Mỹ”, ông Lâm cho hay.

Giám đốc Maybank Investment Bank cũng lưu ý thêm, P‑Notes có đặc tính “vào – ra nhanh và mạnh” và thường tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, thanh khoản cao.

Khối ngoại mạnh tay gom hàng khi giấc mơ “nâng hạng” sát ngày thành hiện thực

Động thái mua ròng của nhà đầu tư ngoại diễn ra khi thị trường chứng khoán Việt Nam đứng trước bước ngoặt lịch sử mang tên nâng hạng lên thị trường mới nổi. Câu chuyện này đã được nhắc đến suốt nhiều năm, song giai đoạn hiện tại Việt Nam đang thực sự tiến gần hơn bao giờ hết đến mục tiêu đó.

Thống kê từ số liệu quá khứ, Chứng khoán BIDV (BSC) đã chỉ ra đặc điểm đáng chú ý của diễn biến dòng vốn ngoại tại một số thị trường châu Á trước thềm nâng hạng. Đó là việc NĐTNN thường tham gia vào thị trường trước khi thông tin nâng hạng được công bố một khoảng thời gian dài, thay vì chờ đợi đến thời điểm công bố.

Cụ thể, đối với thời điểm ra thông báo “Chấp thuận nâng hạng” (gọi là T0), hoạt động mua ròng của NĐTNN thường diễn ra trước đó từ 4- 5 tháng. Đồng thời khối ngoại cũng mua ròng nhiều hơn vào tháng có kết quả công bố và giảm dần trong vòng 1 tháng sau đó.

Đối với thời điểm diễn ra quá trình “Chuyển đổi nâng hạng” (gọi là T1), dòng tiền ngoại cũng sẽ mua ròng mạnh mẽ khoảng 4-5 tháng trước khi diễn ra quá trình chuyển đổi và có xu hướng mua ròng trong chính thời gian chuyển đổi kéo dài tới 1 tháng liền sau. Tiếp khoảng thời gian này, khối ngoại sẽ quay đầu bán ròng trong vòng 1-2 tháng trước khi mua ròng trở lại nhưng giá trị không đáng kể.

P-Notes - dòng tiền đang ồ ạt gom hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam?- Ảnh 3.

Hiện Việt Nam đang nằm trong danh sách theo dõi để được xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary Emerging market) trong báo cáo phân loại thị trường các quốc gia tháng 3/2025 của FTSE Russell. Đợt công bố tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 9/2025.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật