spot_img
18 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánPhương Tây vội vã sắp xếp lại chuỗi cung ứng kim loại...

Phương Tây vội vã sắp xếp lại chuỗi cung ứng kim loại làm chip

Các công ty phương Tây tất bật tìm nguồn cung thay thế và tự gia tăng sản xuất sau khi Trung Quốc cấm xuất khẩu 3 kim loại làm chip.

Đổ lỗi cho lệnh hạn chế xuất khẩu antimony của Bắc Kinh hồi tháng 8, công ty hóa chất và hàng tiêu dùng Henkel (Đức) tháng trước tuyên bố phải dừng giao 4 loại keo dán và chất bôi trơn dùng trong sản xuất ôtô vì lý do bất khả kháng.

Henkel sử dụng antimony để sản xuất các sản phẩm keo dán mang nhãn hiệu Bonderite và Teroson, từng mang lại doanh thu 11,4 tỷ USD vào năm ngoái. “Chúng tôi đã được các nhà cung cấp thông báo rằng việc nhập khẩu các nguyên liệu thô này bị trì hoãn cho đến khi chính phủ Trung Quốc chấp nhận cấp phép”, lá thư do lãnh đạo Henkel gửi khách hàng hôm 9/11 nêu.

Trung Quốc là nước sản xuất antimony lớn nhất thế giới và thống trị sản xuất nhiều kim loại sản xuất chip khác. Năm ngoái, Bắc Kinh đã hạn chế xuất khẩu gallium và germanium – được sử dụng cho chất bán dẫn, pin mặt trời và vũ khí – cũng như một số loại than chì – thành phần chính trong pin xe điện.

Trong thư, Henkel nói không thể dự đoán tình hình sẽ kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, diễn biến mới đây còn nghiêm trọng hơn. Hôm 3/12, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo cấm xuất khẩu sản phẩm liên quan đến chất bán dẫn, gồm gallium, germanium và antimony sang Mỹ với lý do an ninh.

Động thái đưa ra sau khi Washington lần thứ 3 trong ba năm tung biện pháp kìm hãm sản xuất chip của Trung Quốc, gồm hạn chế xuất khẩu sang 140 công ty nước này trong các ngành đầu tư và sản xuất công cụ bán dẫn.

  • Một cơ sở của Henkel tại Mỹ. Ảnh: Henkel

Bản thân Henkel cũng có nhà máy tại Michigan. Nói với Reuter, họ cho biết đang nỗ lực hỗ trợ khách hàng và tìm nguồn cung thay thế. “Chúng tôi hiện theo dõi rất chặt chẽ tình hình cung ứng antimony toàn cầu và đặt mục tiêu khôi phục các giải pháp để đáp ứng đơn đặt hàng”, phía công ty nêu.

Antimony vốn khan hiếm nhưng lại thiết yếu với các thiết bị quân sự như đạn dược, tên lửa hồng ngoại, vũ khí hạt nhân và kính nhìn ban đêm. Theo nhà cung cấp thông tin thị trường Argus, giá kim loại này đã tăng gần 230% năm nay, lên khoảng 39.000 USD một tấn tại thị trường giao ngay ở Rotterdam.

Với việc Bắc Kinh đi từ hạn chế đến cấm xuất khẩu, các công ty phương Tây giờ phải vội vã tìm cách giảm phụ thuộc. Ví dụ, công ty khai khoáng Perpetua Resources đang phát triển một mỏ antimony ở Idaho bằng tài trợ từ chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, khai thác mỏ mới có thể mất nhiều năm, khiến các doanh nghiệp như Henkel phải gấp rút tìm giải pháp thay thế, vốn thường đắt đỏ hơn. “Xin lưu ý rằng chúng tôi đang liên lạc chặt chẽ với các nhà cung cấp và sử dụng mọi biện pháp hợp lý về mặt thương mại để tận dụng chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm giải quyết tình huống này và hỗ trợ khách hàng của chúng tôi”, Henkel nhắn khách hàng.

Trong khi đó, một số công ty khai thác và chế biến khoáng sản phương Tây bắt đầu tăng sản xuất. United States Antimony – công ty chế biến kim loại duy nhất tại Bắc Mỹ, lập kế hoạch nâng sản lượng tại nhà máy luyện kim Montana, nơi đang hoạt động ở mức 50% công suất.

“Quyết định tăng sản lượng chủ yếu thúc đẩy bởi giá antimony ở Rotterdam tăng gấp ba lần”, Chủ tịch công ty Gary Evans nói. Theo ông, các hạn chế của Trung Quốc “đã tạo ra nhu cầu lớn hơn đáng kể” đối với các sản phẩm của công ty.

United States Antimony đang đàm phán để tìm nguồn cung thay thế từ 4 quốc gia khác và một nhà cung cấp trong nước sớm nhất là vào tháng 12. Bản thân họ cũng có mỏ ở Montana, nơi đã bị dừng hoạt động vào năm 1983 do nhập khẩu antimony rẻ hơn và các biện pháp hạn chế về môi trường hiện đã ngăn chặn việc khai thác.

  • Một cơ sở của Henkel tại Mỹ. Ảnh: Henkel
  • Mỏ Zeolite của United States Antimony ở Idaho. Zeoliten là một nhóm khoáng chất công nghiệp bao gồm các aluminosilicat ngậm nước, chứa các cation (một loại ion mang điện tích dương) như calcium, sodium, ammonium, các kim loại nặng khác nhau và kali trong mạng tinh thể của chúng. Ảnh: USAC

Mark Jensen, CEO ReElement Technologies – công ty con chuyên tái chế và tinh chế đất hiếm thuộc American Resources – cho biết lệnh cấm của Trung Quốc khiến họ nhận được ít nhất 10 cuộc gọi tuần này chào mời mua germanium từ các công ty khai thác mỏ tại Mỹ.

Ông cho biết trước đây các lô hàng này thường được gửi đến Trung Quốc để xử lý nhờ chi phí lao động thấp hơn và các tiêu chuẩn môi trường khác biệt. “Chúng tôi đã liên hệ với các nhà cung cấp tại Mỹ để họ bán các sản phẩm này thay vì gửi sang Trung Quốc, vì giờ đây chúng tôi là một giải pháp thay thế”, Jensen nói.

Hay như Teck Resources (Canada) sản xuất germanium từ mỏ kẽm Red Dog ở Alaska và là nhà cung cấp duy nhất kim loại này tại Bắc Mỹ. Công ty cho biết đang nghiên cứu việc tăng sản lượng sau khi Trung Quốc chặn xuất khẩu sang Mỹ.

Ngoài 3 kim loại Trung Quốc cấm xuất khẩu sang Mỹ mới đây, than chì cũng bị hạn chế từ tháng 10/2023. Nhờ vậy, đơn hàng của Northern Graphite – nhà sản xuất than chì dạng vảy tự nhiên (natural flake graphite) duy nhất Bắc Mỹ trụ sở ở Ottawa (Canada) – tăng 50%.

Tổng giám đốc điều hành Hugues Jacquemin nói khi lệnh kiểm soát xuất khẩu hiệu lực năm ngoái, nhu cầu đã tăng vọt. “Chúng tôi bắt đầu nâng công suất”, ông nói. Ngoài các mỏ đang hoạt động tại Lac des Iles (Quebec, Canada), công ty ông đang phát triển các dự án ở Namibia và Ontario để bổ sung sản lượng.

Trung Quốc siết chặt xuất khẩu dẫn đến sự tăng vọt giá của nhiều khoáng sản chiến lược. Theo Neo Performance Materials – công ty chuyên sản xuất gallium thông qua tái chế phế liệu sản xuất trụ sở tại Toronto – giá gallium ngoài Trung Quốc trong nửa đầu 2024 cao hơn từ 30% đến 40% so với cùng kỳ 2023.

Ngay tại Trung Quốc, các hạn chế đã buộc một số doanh nghiệp nhỏ phải rút lui khỏi thị trường. Hai nhà giao dịch germanium ở nước này đã từ bỏ xuất khẩu vì không thể xin giấy phép, do các khách hàng nước ngoài không sẵn sàng cung cấp thông tin chi tiết về người sử dụng cuối cùng hoặc vì họ đến từ Mỹ.

Từ trước khi Bắc Kinh ra lệnh cấm, không có lô hàng germanium hay gallium nào của Trung Quốc được vận chuyển đến Mỹ năm nay tính đến tháng 10. Cùng kỳ 2023, Mỹ là thị trường thu mua lớn thứ 4 và 5 của hai kim loại này.

Với người sử dụng đầu cuối, các hạn chế của Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguồn cung. Maxime Picat, Giám đốc mua hàng nhà sản xuất ôtô Stellantis nói rằng cần có nhiều biện pháp để giảm rủi ro. “Nếu công ty bạn chỉ dựa vào một giải pháp như tất cả nhà cung cấp pin đều từ Trung Quốc hoặc Hàn Quốc thì bạn đang gặp rủi ro”, ông nói.

Phiên An (theo Reuters)

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật