spot_img
29 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánSabeco (SAB) giữa ngã ba áp lực: Tốn gần 2.000 đồng để...

Sabeco (SAB) giữa ngã ba áp lực: Tốn gần 2.000 đồng để bán 1 lít bia

150 năm lịch sử là niềm tự hào, nhưng trong bối cảnh thị trường thay đổi, đối thủ áp lực và chính sách siết chặt, Sabeco buộc phải thích nghi. Cuộc chơi không còn là “bán nhiều” mà là “bán hiệu quả” – nơi từng đồng quảng cáo, từng lít bia sản xuất và tiêu thụ cần được tính toán sát sao.

Sabeco bước sang tuổi thứ 150

Năm 2025 đánh dấu cột mốc đặc biệt trong lịch sử ngành bia Việt Nam: Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB) chính thức tròn 150 năm hình thành và phát triển – từ một xưởng sản xuất nước đá nhỏ tại Sài Gòn đến một “đế chế bia” tầm cỡ khu vực.

Hành trình ấy bắt đầu từ năm 1875, khi sĩ quan hải quân người Pháp Victor Larue đến định cư tại Sài Gòn (nay là TP. HCM) và thành lập một trong những cơ sở sản xuất nước đá đầu tiên tại khu vực, nhằm phục vụ nhu cầu giải nhiệt trong khí hậu nhiệt đới. Cơ sở ban đầu này tọa lạc tại đường Hai Bà Trưng – nơi sau này trở thành “điểm khởi đầu” của Sabeco.

Đến năm 1908, sau khi đơn xin xây dựng nhà máy bia được phê duyệt, Toàn quyền Pháp tại Đông Dương đã cho phép Larue triển khai nhà máy sản xuất bia và nước đá tại Chợ Lớn. Theo nghị định ban hành ngày 24/3/1909, việc hình thành hạ tầng sản xuất bia chính thức được công nhận, đặt nền móng cho thương hiệu Sabeco như ngày nay.

Sabeco (SAB) giữa ngã ba áp lực: Tốn gần 2.000 đồng để bán 1 lít bia
Nguồn: Báo cáo thường niên 2024 của SAB

Trải qua hàng thế kỷ thăng trầm, Sabeco hiện là một trong những doanh nghiệp có lịch sử lâu đời nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, với tổng tài sản đạt hơn 31.600 tỷ đồng tính đến cuối quý I/2025, doanh thu thường niên tỷ USD và lợi nhuận sau thuế dao động từ 3.500–5.500 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2024, Sabeco sở hữu 26 nhà máy bia, mạng lưới phân phối phủ khắp cả nước với hơn 200.000 điểm bán hàng.

Cột mốc thay đổi lớn nhất đến vào cuối năm 2017 khi Thaibev – tập đoàn đồ uống lớn từ Thái Lan – chi gần 5 tỷ USD để mua 53,59% cổ phần Sabeco từ Bộ Công Thương. Thương vụ thoái vốn này đã đưa Sabeco bước sang một kỷ nguyên mới với tâm thế và khát vọng bứt phá.

Cuộc chiến thị phần và bài toán chi phí

Tại Hội nghị tổng kết năm 2017, Tổng Giám đốc Sabeco khi đó – ông Nguyễn Thành Nam – cho biết, năm 2017 cả nước tiêu thụ hơn 4 tỷ lít bia trong đó sản lượng tiêu thụ của Sabeco chiếm tới 1,786 tỷ lít”, giúp doanh nghiệp giữ vững ngôi vương thị phần bia Việt với trên 40%. Cũng trong năm đó, Sabeco chi 1.221 tỷ đồng cho quảng cáo và tiếp thị, tính trung bình 684 đồng/lít bia tiêu thụ.

Đến năm 2024, việc nâng sở hữu tại công ty con Sabibeco giúp Sabeco tăng công suất 25,4%, đạt 3,01 tỷ lít/năm, chính thức vượt Heineken về quy mô sản xuất. Lượng tiêu thụ thực tế được FPTS dự báo là khoảng 1,54 tỷ lít. Theo ước tính này đồng thời xét trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 khi Sabeco đã chi 2.509 tỷ đồng cho quảng cáo và khuyến mãi năm 2024 (năm 2023 ở mức 2.813,9 tỷ) thì chi phí quảng cáo, tiếp thị trung bình của SAB đã tăng lên mức 1.629 đồng/lít tiêu thụ – gấp hơn 2 lần so với năm 2017.

Sabeco (SAB) giữa ngã ba áp lực: Tốn gần 2.000 đồng để bán 1 lít bia

Tại Đại hội cổ đông thường niên ngày 24/4/2025, trước câu hỏi từ cổ đông về chiến lược tiếp thị, đại diện Sabeco cho biết: “Trọng tâm của chúng tôi là cố gắng cắt giảm chi phí quảng cáo – khuyến mại trên mỗi lít bia. Các hoạt động quảng cáo nhưng mang lại giá trị thấp sẽ nằm cuối trong danh sách ưu tiên… Tuy nhiên, nếu đối thủ của chúng tôi tăng cường đầu tư, chúng tôi cũng phải gia tăng mức đầu tư tương đồng để đảm bảo tính cạnh tranh”.

Còn thêm gánh nặng về thuế

Không chỉ áp lực cạnh tranh làm tăng chi phí, thuế cũng là câu chuyện khiến bức tranh lợi nhuận của Sabeco những những gần đây gặp khó. Năm 2024, công ty nộp gần 12.700 tỷ đồng tiền thuế, trong đó chi tới 9.255 tỷ đồng cho thuế tiêu thụ đặc biệt và gần 2.000 tỷ đồng thuế VAT – đều tăng so với năm trước.

Đáng chú ý, doanh nghiệp còn đối mặt với tác động kép từ Nghị định 100 (năm 2019) và Nghị định 168 (năm 2024) – hai chính sách kiểm soát nghiêm ngặt việc sử dụng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông. Cùng lúc, đề xuất lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đến 100% vào năm 2030 đang đặt ra thách thức to lớn với toàn ngành.

Sabeco (SAB) giữa ngã ba áp lực: Tốn gần 2.000 đồng để bán 1 lít bia
Nguồn: Báo cáo thường niên 2024 của SAB

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 11/2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình bày hai phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm bia, trong đó:

– Phương án 1: Tăng từ 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% từ 2026–2030.

– Phương án 2: Tăng từ 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% từ 2026–2030.

Chính phủ nghiêng về phương án 2, dự kiến có tác dụng giảm khả năng chi trả đối với các sản phẩm rượu, bia mạnh hơn, tác động tốt hơn trong việc giảm tỷ lệ sử dụng và giảm các tác hại liên quan do việc lạm dụng rượu, bia gây ra”.

Dễ thấy 150 năm lịch sử là niềm tự hào, nhưng trong bối cảnh thị trường thay đổi, đối thủ áp lực và chính sách siết chặt, Sabeco buộc phải thích nghi. Cuộc chơi không còn là “bán nhiều” mà là “bán hiệu quả” – nơi từng đồng quảng cáo, từng lít bia sản xuất và tiêu thụ cần được tính toán sát sao.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật