Theo báo cáo nhận định mới cập nhật, SGI Capital cho biết thị trường chứng khoán toàn cầu tháng 6/2025 tiếp tục phục hồi sau cú sốc thuế quan tháng 4, trong đó Việt Nam cũng có mức tăng tương đối 3,26%.
Sau cú sốc tâm lý, tác động trực tiếp của chính sách thuế đối ứng của Mỹ lên TTCK thực tế là khá hạn chế khi tỷ trọng doanh nghiệp niêm yết xuất khẩu hàng vào Mỹ rất thấp và bản thân các doanh nghiệp này cũng không bi quan về triển vọng cạnh tranh và xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam.
SGI Capital tin rằng thị trường đã vượt qua cú sốc và nỗi sợ về thuế quan Mỹ để hướng sự chú ý tới các tiêu điểm tiếp theo sẽ xảy ra trong nửa cuối năm như triển vọng nâng hạng và sự lan tỏa và tăng tốc của tăng trưởng.
Mặt khác, SGI nhận thấy dòng vốn ngoại đã trở lại Việt Nam rất mạnh mẽ trong các phiên đầu tháng 7, phần nào đồng pha với việc mua ròng tại các quốc gia ASEAN khác. Nỗi lo sợ mức thuế cao lên hàng xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ là rào cản cuối cùng của dòng vốn ngoại đã được gỡ bỏ.
“Mức định giá hấp dẫn với triển vọng Việt Nam được FTSE nâng hạng ngày một rõ ràng hơn cùng với tốc độ tăng trưởng cao đang giúp Việt Nam có sức hút đặc biệt với dòng vốn ngoại sau khi bị bán ròng kỷ lục 8 tỷ USD trong suốt 4 năm qua“, đội ngũ phân tích cho hay.
SGI nhận định, sau những đợt tăng nóng của giá bất động sản, giá vàng và cả Crypto, chứng khoán là kênh tài sản lớn duy nhất còn lại vẫn đang rẻ và nằm dưới đỉnh 2022. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã có doanh thu, lợi nhuận vượt đỉnh 2022 với triển vọng tăng trưởng tiếp tục mạnh mẽ và mức trả cổ tức tiền mặt vượt xa lợi tức cho thuê BĐS và có thể so sánh với kênh tiền gửi.
Tổng kết lại, SGI cho rằng TTCK Việt Nam đã có sự hồi phục hợp lý trong tương quan mức thuế mà Mỹ và Việt Nam đạt được thỏa thuận. Trong ngắn hạn, thị trường sẽ chịu áp lực chốt lời khi mức tăng trở nên quá nóng dưới tác động của dòng vốn ngoại.
Tuy nhiên, mức định giá còn ở vùng hợp lý cùng với nhiều lực đẩy cả ngắn, trung và dài hạn sẽ giúp TTCK Việt Nam duy trì xu hướng tăng và có cơ hội vượt lên biên trên của kênh định giá khi chính thức được nâng hạng vào cuối năm nay hoặc đầu 2026.
Tỷ giá có thể đã đi qua giai đoạn căng thẳng nhất
Về thuế đối ứng, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia đầu tiên chốt được thỏa thuận thương mại với Mỹ. Sẽ còn nhiều chi tiết cần được thương lượng cụ thể như tỷ lệ xuất xứ và chi tiết mức thuế theo ngành.
Tuy nhiên, việc sớm đạt được thỏa thuận giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, dù là nội địa hay FDI, chủ động tính toán điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, từ đó giúp vòng quay kinh doanh và đầu tư vận hành trở lại. Thực tế cho thấy FDI đăng ký nửa đầu 2025 tiếp tục đạt kỷ lục và giải ngân tăng 8,1% so với cùng kỳ.
Thị trường tài chính vừa qua có những lo ngại liên quan tới việc SBV hút ròng tín phiếu và tỷ giá liên tục phá đỉnh ngược chiều với xu hướng của USD Index. Trong báo cáo trước đó, SGI Capital cho rằng SBV hoàn toàn chủ động nâng tỷ giá trung tâm để hỗ trợ trung hòa tác động của thuế quan và việc hút ròng T-bill trong một vài phiên cuối tháng 6 chỉ nhằm mục đích cân đối lại thanh khoản ngắn hạn quá dư thừa.

Chênh lệch giữa tỷ giá VND/USD so với các quốc gia Đông Nam Á lên tới quanh 5% – 8% đủ tạo bộ đệm cho doanh nghiệp xuất khẩu cạnh tranh. Với xu hướng giảm của USD Index và khung thuế quan đã xác định, tỷ giá có thể đã đi qua giai đoạn căng thẳng nhất của năm nay.
Ngoài ra, tín dụng ngân hàng đã bứt tốc tăng trưởng trong 6 tháng, giúp ngân hàng gia tăng mạnh doanh thu và trung hòa ảnh hưởng của NIM co hẹp. Thách thức của hệ thống ngân hàng trong trung và dài hạn vẫn là khả năng tăng trưởng vốn huy động đủ nhanh để phục vụ tăng trưởng tín dụng 16-18% mà không đẩy mặt bằng lãi suất lên cao.
Sự ấm lại của thị trường bất động sản, khả năng huy động vốn nước ngoài cho các đại dự án hạ tầng, đồng thời với sự cải thiện của dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp sẽ hỗ trợ cho tỷ giá ổn định và hỗ trợ thanh khoản hệ thống.
Dự báo FED sắp hạ lãi suất mạnh
Liên quan tới vấn đề lãi suất thực tại Mỹ đang ở mức cao, thị trường tài chính đang cho rằng FED sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9/2025 khi các biến số về thuế quan và tác động lên lạm phát đã rõ nét, điều đáng quan tâm là tốc độ hạ lãi suất trong 12 tháng tới.

Cùng với việc chủ tịch hiện tại của FED sẽ rời nhiệm sở 5/2026, thị trường kỳ vọng chủ tịch mới của FED sẽ hạ lãi suất về 3% ở cuối 2026. Trong bối cảnh lãi suất hạ dần rõ nét trong khi nước Mỹ tiếp tục bị thâm hụt cả về thương mại lẫn ngân sách, USD Index đang suy yếu nhanh và sự suy yếu mang tính cấu trúc này có thể kéo dài tạo môi trường thuận lợi giúp các quốc gia mới nổi nhận được dòng tiền đầu tư.
Theo quan sát của SGI Capital, khi đồng USD suy yếu, dòng vốn FII đã quay trở lại mua ròng ở các thị trường ngoài Mỹ, đảo ngược xu hướng rút ròng về Mỹ diễn ra trong suốt 3 năm qua khi USD mạnh và lãi suất Mỹ neo cao. Tâm điểm thuế quan đang dần đi qua, nhường sự chú ý cho các đợt hạ lãi suất sắp tới của FED. Thị trường toàn cầu có thể đi vào một giai đoạn bình ổn với xu hướng lãi suất giảm và tỷ giá ổn định, tạo điều kiện cho dòng tiền đầu tư lan tỏa tới các thị trường mới nổi và cận biên.