Theo số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán (VSD), tài khoản nhà đầu tư vào cuối tháng 5 đạt gần 7,94 triệu (riêng số lượng nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm 7,87 triệu tài khoản). Đây là số lượng cao nhất từ trước tới nay và là tháng thứ 6 liên tiếp tài khoản chứng khoán tăng không ngừng.
So với tháng trước, thị trường đón thêm 132.220 tài khoản. Trung bình mỗi ngày, chứng khoán ghi nhận khoảng 4.265 tài khoản cá nhân và tổ chức mới gia nhập.
Số lượng tài khoản nhà đầu tư chứng khoán tăng kỷ lục khi VN-Index đang ở vùng đỉnh của khoảng ba tháng gần đây, cũng như tương đương mức giá cao nhất hồi tháng 8/2022. Trong tháng 5, chỉ số này đã tăng 4,3% lên khu vực 1.280 điểm. Tính chung từ đầu năm đến nay, thị trường đã tích lũy 11,7% – gần tương đương mức tăng của cả năm 2023.
Nhiều người tham gia thị trường hơn giúp thanh khoản sàn HoSE duy trì mức cao. Tổng giá trị giao dịch mỗi phiên từ tháng 3 đến nay đa phần duy trì trên 20.000 tỷ đồng, có lúc vượt 40.000 tỷ.
Nhà đầu tư trong nước đông đảo được xem là lực đối kháng trước xu hướng dòng tiền tiêu cực từ khối ngoại. Từ đầu năm đến nay, nước ngoài bán ròng liên tục, nhiều phiên xả hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu. Tuy nhiên cá nhân trong nước luôn hấp thụ tốt, tạo bệ đỡ để thị trường không chuyển biến quá tiêu cực.
Năm nay, chứng khoán được nhiều bên phân tích đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn khi nền kinh tế chung đang phục hồi, lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện. Đa số đều chung quan điểm rằng nếu đầu tư với chu kỳ ít nhất 2-3 năm, cổ phiếu có nhiều dư địa để mang lại hiệu quả đầu tư tốt.
Trong trung hạn, nhóm phân tích Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng VN-Index có thể duy trì tích lũy trong kênh rộng 1.180-1.200 điểm đến 1.300 điểm, mở rộng lên 1.320 điểm. Trong đó 1.200 điểm là vùng giá cao nhất năm 2018, còn 1.300-1.320 điểm là vùng giá cao nhất tháng 6 và tháng 8/2022. Điểm cân bằng của kênh tích lũy trung hạn là vùng 1.245 -1.255 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023.
Tất Đạt