Vang bóng một thời
Trong giai đoạn thập niên 1980 – 1990, nhắc đến mì gói, đa số người tiêu dùng đều nghĩ ngay đến Miliket với biểu tượng hai con tôm. Đây là thương hiệu của Công ty CP Lương thực Thực phẩm Colusa-Miliket – doanh nghiệp được thành lập và chuyển đổi sang mô hình cổ phần từ năm 2006, có trụ sở tại TP Thủ Đức, TPHCM. Thời ấy, mì Miliket được coi là món ngon, có giá không hề rẻ, từ 500 – 1.500 đồng/gói. Đến những năm 1990, khi kinh tế khấm khá hơn, mì Miliket trở nên phổ biến với mỗi gia đình. Từng có giai đoạn, thương hiệu này chiếm tới 90% thị phần mì ăn liền tại Việt Nam.
Mì ăn liền là thức ăn yêu thích của trẻ con, những người thế hệ 7X, 8X. Mì tôm Miliket dường như góp mặt thường xuyên trong mỗi gia đình. Hình ảnh hai con tôm chụm đầu vào nhau in trên bìa giấy xi – măng màu vàng như một ký ức khó quên của mỗi người. Thế nhưng đến năm 2000, sóng gió của “Vua mì gói” bắt đầu ập đến khi hàng loạt thương hiệu trong và ngoài nước xuất hiện. Giai đoạn 2000 – 2003, trong nước có trên 50 nhà sản xuất mì ăn liền. Với nguồn lực mạnh, các tay đua đến sau liên tục quảng bá hình ảnh, tiếp thị bán hàng khiến Miliket dần tụt hạng. Có lúc, tưởng chừng như người ta đã quên mất sự hiện diện của “Vua mì gói” một thời.
Còn trong lĩnh vực mỹ phẩm, những phụ nữ ở Sài Gòn trước năm 1975 có lẽ không ai không biết tới mỹ phẩm Thorakao. Thorakao mang ý nghĩa dùng kem sẽ tỏa sáng như thiên thần. Thời bấy giờ, hai ưu điểm của Thorakao là chất lượng tốt và giá phải chăng, cộng thêm thị trường ít đối thủ cạnh tranh nên các sản phẩm của hãng nhanh chóng nức tiếng ở Sài thành.
Nhắc lại thời hoàng kim , ông Huỳnh Kỳ Trân – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Mỹ phẩm Lan Hảo (Thorakao) bồi hồi: “Giai đoạn ấy, sản phẩm của Thorakao bán rất chạy, có lúc không kịp sản xuất. Ngày đó, khi các hãng khác xài hộp thiếc, gói lá… thì Thorakao đã có hộp sứ trắng, bên trên là nắp nhựa phải gọi là đẹp nhất lúc bấy giờ”. Sản phẩm không chỉ có nhiều khách hàng là đại lý phân phối mà còn “làm mưa, làm gió” tại nhiều quốc gia trong khu vực. Công ty mở rộng thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia, Lào, Mỹ, Úc…
Tuy nhiên, do chỉ chú tâm vào chất lượng, có lúc Thorakao gần như mất tất cả. Đầu những năm 1990, đất nước chính thức mở cửa. Mỹ phẩm ngoại đổ bộ vào thị trường Việt. Nhiều tiền, nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là chiến lược marketing hiện đại, mỹ phẩm ngoại đã dần đánh bật Thorakao ra khỏi các kệ trưng bày.
Thích ứng với thời cuộc
Ông Huỳnh Kỳ Trân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Mỹ phẩm Lan Hảo nói rằng, năm 2013, một thương hiệu ngoại đã ngỏ lời mua lại Thorakao với giá 30 triệu USD và bị ông từ chối. “Gia đình tôi luôn kiên định là dù thế nào cũng phải cố gắng giữ gìn nghề gia truyền, xem đó là tài sản quý để lại cho các con thay vì bán đi để dành tiền cho chúng”, ông Trân chia sẻ.
Để duy trì và phát triển thương hiệu, Thorakao tìm hướng đi mới. Đó là chủ động nguồn nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên và không phải nhập khẩu như nghệ, bồ kết, gừng, chanh, bưởi, nha đam… Nhờ vậy, sản phẩm hợp với cơ địa của nhiều người. Đặc biệt, giá thành rất mềm nhưng chất lượng luôn phải đạt “điểm 10”. Thorakao tập trung nhiều hơn vào thị trường ngách là nông thôn, học sinh, sinh viên, công nhân… Doanh nghiệp mở rộng bán hàng đa kênh, giao hàng tận nơi đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Trong xu hướng thế giới ủng hộ sống xanh, Thorakao đã nhìn thấy cơ hội trở lại của mình bởi sản phẩm của công ty hiện nay đến từ thiên nhiên là chủ yếu. Vì vậy, Thorakao đã bắt tay vào việc cho ra mắt những dòng sản phẩm mới, nắm bắt xu hướng tiêu dùng xanh.
“Từng nhận được lời đề nghị mua lại hay hợp tác thương hiệu với giá trị rất lớn từ những tập đoàn nước ngoài nhưng Ban lãnh đạo công ty từ chối, quyết tâm giữ thương hiệu Việt. Đến hôm nay, Colusa-Miliket vẫn chưa bao giờ thấy nuối tiếc về quyết định khi đó dù đã có những giai đoạn cực kỳ khó khăn”
Phó tổng Giám đốc Công ty Colusa-Miliket
Nguyễn Anh Tuấn
Đưa chúng tôi đi tham quan dây chuyền sản xuất mì gói được ứng dụng công nghệ hiện đại, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó tổng Giám đốc Công ty CP Lương thực Thực phẩm Colusa-Miliket tâm sự, dù có trải qua bao thăng trầm, hương vị và chất lượng của “mì 2 con tôm” vẫn luôn ổn định và là tiêu chí hàng đầu cho thành công của doanh nghiệp. Chính sự mộc mạc, bền bỉ của Miliket tạo nên dấu ấn riêng, đặc trưng giúp nhận diện và ghi nhớ thương hiệu.
Theo ông Tuấn, thương hiệu có tuổi đời hơn 50 năm Colusa-Miliket tồn tại đến hôm nay nhờ không ngừng đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững và tái cơ cấu nhằm thích nghi. “Thời hoàng kim đã qua, mùi vị thăng trầm đã nếm đủ. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Những khó khăn đó đã trở thành động lực giúp chúng tôi có sức sống mãnh liệt hơn”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Minh chứng cho điều đó, Công ty Colusa-Miliket đã đầu tư chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tiên phong trong việc xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, quản lý môi trường; ứng dụng công nghệ mới Plasma vào quy trình sản xuất, nâng cao hệ thống an toàn thực phẩm… đáp ứng các tiêu chí phù hợp để xuất khẩu sang các thị trường quốc tế. “Vua mì gói” liên tục giữ vững thương hiệu vàng TPHCM, thương hiệu quốc gia, Hàng Việt Nam chất lượng cao… do người tiêu dùng bình chọn nhiều năm liền.
Không tập trung quá nhiều vào quảng cáo, marketing trên các phương tiện truyền thông, Công ty Colusa-Miliket thường xuyên đưa sản phẩm tới các hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, tham gia chương trình Hàng Việt về nông thôn và phân phối sản phẩm tới các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, đại lý… Nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, bên cạnh mì ăn liền, Miliket phát triển thêm nhiều sản phẩm khác từ gạo, như phở, hủ tiếu, bún, miến, cháo ăn liền… và các mặt hàng gia vị như tương ớt, bột canh…. Nhờ đổi mới sáng tạo cùng hướng đi riêng, Miliket đã “phủ sóng” trở lại từ Nam chí Bắc, trong các siêu thị, quán ăn và trong bếp của nhiều gia đình. Sản phẩm có mặt tại hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), để hồi sinh lại thương hiệu Việt “vang bóng một thời”, Nhà nước đã có những gói giải pháp hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp Việt. Đó là chương trình “Thương hiệu quốc gia Việt Nam”, nâng cao ý thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò quan trọng của thương hiệu trong việc gia tăng giá trị cho sản phẩm, cũng như giá trị của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giúp khơi dậy trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam.