Thép giá rẻ của Trung Quốc bị bao vây nhiều phía, Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn
Trong phân tích mới đây, VNDirect Research đánh giá giá thép Trung Quốc sẽ tiếp tục sụt giảm trong năm 2025. Lý do, tại thị trường Trung Quốc, khả năng Chính phủ tiếp tục bơm tiền vào lĩnh vực bất động sản (ngành tiêu thụ nhiều thép nhất) để tìm kiếm động lực tăng trưởng kinh tế là thấp.
Dẫn chứng cụ thể, giá nhà ở Trung Quốc tăng vọt trong nhiều thập kỷ rồi giảm trong 3 năm qua khiến VNDirect Research liên tưởng đến vấn đề của thị trường bất động sản Nhật Bản 30 năm trước.
Thận trọng “vỡ bong bóng” bất động sản tại Trung Quốc (VNDirect Research tổng hợp) |
Giá bất động sản Nhật Bản tăng gấp 5 lần giai đoạn 1980 – 1990 rồi giảm mạnh trong 25 năm tiếp theo cho đến khoảng năm 2014. Bong bóng bất động sản ở Nhật Bản bắt đầu từ năm 1980 khi khu vực doanh nghiệp tư nhân tăng vay nợ để đầu tư vào bất động sản thương mại, thể hiện qua tỷ lệ thâm hụt tài chính ròng tăng cao so với GDP danh nghĩa. Sau khi bong bóng vỡ năm 1990, cả hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản đều thực hiện các biện pháp giảm đòn bẩy quyết liệt thông qua trả nợ, thể hiện qua việc thặng dư tài chính ròng giảm trong 25 năm. Ngay cả khi BOJ hạ lãi suất xuống 0%, niềm tin của người tiêu dùng và khu vực tư nhân vẫn không cải thiện, dẫn đến tiêu dùng ở mức thấp. Chính phủ Nhật Bản buộc phải vay lượng lớn nợ để chi tiêu công nhằm ngăn kinh tế rơi vào suy thoái. Lưu ý rằng Nhật Bản không gặp phải vấn đề già hóa dân số cho đến những năm 2000.
Ở Trung Quốc, khu vực hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân đã bắt đầu giảm đòn bẩy từ năm 2015. Chính phủ Trung Quốc đã bù đắp bằng cách vay nợ để đầu tư mạnh vào năng lượng mặt trời, xe điện, nhà máy thép và cơ sở hạ tầng công cộng. Do đó, nền kinh tế Trung Quốc và ngành bất động sản vẫn tăng trưởng mạnh cho đến khoảng năm 2021, khi các nhà phát triển bất động sản sụp đổ do các quy định thắt chặt nợ, để lại nhiều công trình xây dựng dang dở. Điều này khiến khu vực hộ gia đình, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, phải cắt giảm chi tiêu và tập trung trả nợ.
Hiện tại, hàng chục triệu đơn vị nhà ở tại Trung Quốc không bán được và nhiều căn hộ bị bỏ hoang. Chính phủ Trung Quốc không chỉ phải đối mặt với niềm tin người tiêu dùng suy giảm mà còn với tình trạng dân số già hóa và các căng thẳng thương mại gia tăng từ các nền kinh tế phát triển. Cho đến nay, các giải pháp như hạ lãi suất, giảm tiền đặt cọc, bơm thêm hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ từ vay nợ hoặc yêu cầu chính quyền địa phương mua lại các căn nhà tồn kho vẫn chưa mang lại tác động đáng kể nào.
Do đó, nếu Chính phủ Trung Quốc không mở rộng chính sách tài khóa thông qua việc gia tăng vay nợ để đầu tư vào các dự án sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế, nền kinh tế nước này đứng trước nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tương tự như Nhật Bản đã trải qua nhiều thập kỷ trước.
Ảnh minh họa |
Tại thị trường quốc tế, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu gần đây rằng ông sẽ áp thuế suất 25% lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, đồng thời áp thêm 10% thuế lên hàng hóa từ Trung Quốc.
Trong năm 2023, Mỹ nhập khẩu 25,6 triệu tấn thép, với 3 nguồn cung ứng lớn nhất là Canada, Mexico và Brazil. Cùng lúc đó, việc cả hai chính quyền ông Joe Biden và Donald Trump cáo buộc các nước này đóng vai trò trung chuyển thép giá rẻ từ Trung Quốc sang Mỹ cho thấy đây là quan điểm nhất quán của Washington.
Nếu việc áp thuế xảy ra, VNDirect Research cho rằng các nhà sản xuất thép Trung Quốc sẽ giảm xuất khẩu sang Canada, Mexico và Mỹ, đồng thời chuyển dịch lượng thép này khỏi khu vực Bắc Mỹ và Mỹ Latinh đến các thị trường như ASEAN và Ấn Độ, nơi nhu cầu tiêu thụ thép nội địa vẫn tăng trưởng vững chắc.
Nếu không có thêm biện pháp bảo hộ từ Chính phủ, lượng thép nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng, gây áp lực lớn lên thị trường trong nước.
Thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng bằng lần kể từ sau Covid-19 |
Doanh nghiệp nội địa ‘nín thở’ chờ cơ chế
Thép Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của Chính phủ Việt Nam, khi Bộ Công Thương đang điều tra tôn mạ để quyết định liệu có áp thuế chống bán phá giá đối với một số loại thép mạ kẽm từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Nếu áp dụng, tất cả các nhà sản xuất thép mạ kẽm sẽ là bên hưởng lợi, bao gồm Hoa Sen, Hòa Phát, Nam Kim và Tôn Đông Á.
VNDirect Research cho rằng khả năng này là rất cao, vì Việt Nam đang dư cung tôn mạ, và cơ quan phòng vệ thương mại Việt Nam đã từng áp dụng thuế tự vệ và thuế chống bán phá giá đối với tôn mạ nhập khẩu vào năm 2016, trong bối cảnh khủng hoảng thép của Trung Quốc.
Ảnh minh họa |
Bộ Công Thương cũng đang điều tra thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ một số công ty Trung Quốc và Ấn Độ, và kết quả có thể mất từ 3 – 5 tháng để hoàn tất. Theo quan sát, tất cả các vụ điều tra thép trước đây đều kết luận với việc áp thuế chống bán phá giá, nhưng tác động sẽ khác nhau tùy vào thời điểm và quy mô áp thuế. Tuy nhiên, trường hợp này không đơn giản vì Việt Nam hiện đang thiếu nguồn cung thép HRC trong nước.
Nếu áp thuế lên thép HRC nhập khẩu, điều này có thể chỉ bắt đầu khi dự án Hòa Phát Dung Quất 2 đi vào hoạt động, nhằm bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung HRC trong nước. Tuy nhiên, thuế sẽ chỉ áp dụng cho một số mã có phạm vi giá thấp hơn nhiều so với giá trong nước hoặc ở mức khối lượng vượt quá mức nhập khẩu cụ thể do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Dự án Dung Quất 2 có quy mô 280ha với tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng. Sản phẩm đầu ra của nhà máy này là thép HRC chất lượng cao, phục vụ sản xuất ô tô, các sản phẩm như vỏ đồ hộp, đồ gia dụng, kết cấu thép… với công suất 5,6 triệu tấn thép/năm. Vào tháng 12, dự án đã khai lò vận hành thử nghiệm và dự kiến sẽ vận hành chính thức vào đầu năm 2025.