Xét về kết quả kinh doanh, KIS kỳ vọng REE sẽ là doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng trong nhóm ngành điện.

Hình 1: Dự phóng kết quả kinh doanh quý 1/2025 của các doanh nghiệp ngành Điện (tỷ đồng, %). Nguồn: Dữ liệu công ty, Bloomberg, KIS Research
Tăng trưởng tiêu thụ điện trong Quý 1/2025 có dấu hiệu chậm lại
Theo ước tính từ EVN, sản lượng điện tiêu thụ quý 1/2025 ước đạt 73 tỷ kWh, tăng 5% so với cùng kỳ, cho thấy đà tăng trưởng nhu cầu điện có dấu hiệu chững lại. Tín hiệu này càng rõ nét khi chỉ số PMI giảm xuống 49,2 điểm – dưới ngưỡng trung bình 50 – phản ánh sự suy yếu nhẹ trong hoạt động sản xuất.

Hình 2: Tăng trưởng sản lượng điện trong quý 1 /2025 ước đạt 73 tỷ kWh, +5% n/n. Nguồn: EVN, KIS Research
Thủy điện khởi sắc nhờ câu chuyện từ La-Nina

Hình 3: Sản lượng thủy điện ghi nhận tăng trưởng ấn tượng. Nguồn: EVN, KIS Research
Trong quý 1/2025, Chứng khoán KIS ước tính sản lượng từ các nhà máy thủy điện đạt 14 tỷ kWh, tăng 32% so với mức nền thấp trong quý 1/2024. Từ đó, dẫn đến hệ số công suất (CF) được dự báo đạt 29%, tăng 8 điểm phần trăm, so với mức 21% được ghi nhận trong
Quý 1/2024. Nhờ tác động của chu kỳ La-Niña, khi lưu lượng nước tại các hồ thủy điện trên khắp cả nước trong quý 1/2025 cải thiện 17% so với cùng kỳ.

Hình 4: Lưu lượng nước tại các hồ thủy điện tăng trưởng 17% n/n. Nguồn: EVN, KIS Research
Về lợi nhuận: Mặc dù giá bán điện bình quân trong Quý 1/2025 dự báo chỉ đạt 1,307 đồng/kWh, giảm 13% n/n. Bên cạnh đó, EVN vẫn duy trì hệ số alpha cho sản lượng hợp đồng (Qc) của các nhà máy thủy điện ở mức 98%. Chứng khoán KIS kỳ vọng sản lượng tăng nhờ ảnh hưởng tích cực từ chu kỳ La-Niña kéo dài đến giữa năm 2025, cùng với nền thấp trong quý 1/2024 giúp bù đắp phần giảm giá FMP. Nhờ vậy, biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận gộp (LNG) của nhóm thủy điện dự kiến sẽ ghi nhận tăng trưởng trong Quý 1/2025.
Điện than vẫn duy trì hệ số huy động đạt mức cao
Trong Quý 1/2025, KIS ước tính sản lượng điện than ghi nhận đạt mức 41 tỷ kWh, tăng 2% n/n. Mức tăng này chủ yếu nhờ vào việc bù đắp phần thiếu hụt công suất từ thủy điện – khi nhiều nhà máy thực hiện tích nước cho mùa khô và cùng với nhu cầu tiêu thụ điện tăng trong kỳ. Nhờ đó, CF của nhóm nhiệt điện than được cải thiện, đạt 71%, tăng 6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Hình 5: Nhiệt điện than vẫn duy trì hệ số công suất đạt mức 71% trong Quý 1/2025
Về lợi nhuận: Dù sản lượng duy trì ổn định, biên LNG của nhóm nhiệt điện than trong quý 1/2025 được dự báo sẽ suy giảm. Nguyên nhân đến từ việc giá bán điện (FMP) ước giảm mạnh 13% n/n, xuống còn 1,307 đồng/kWh – chủ yếu do giá công suất (CAN) giảm sâu tới 80% n/n. Bên cạnh đó, giá than được dự báo tăng nhẹ 2% n/n, dù hệ số alpha cho sản lượng hợp đồng tăng từ 70% lên 80%. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chứng khoán KIS, mức tăng sản lượng này vẫn chưa thể bù đắp cho áp lực suy giảm biên LNG.

Hình 6: Giá than trong quý 1/2025 ước tính vẫn neo mức cao. Nguồn: Dữ liệu công ty, KIS Research
Sản lượng điện khí giảm sâu do ảnh hưởng từ hai nhà máy BOT hết hợp đồng
Theo ước tính của KIS, sản lượng nhiệt điện khí trong quý 1/2025 chỉ đạt khoảng 4.6 tỷ kWh, giảm 23% n/n. CF giảm còn 29%, thấp hơn 9 điểm phần trăm và chỉ chiếm 6% tổng công suất hệ thống. Nguyên nhân đến từ (1) việc năng lượng tái tạo gia tăng mạnh (+0,43 GW, +35% n/n), (2) nhà máy Phú Mỹ 1 tiến hành bảo trì, cùng với (3) việc Phú Mỹ 2.2 và 3 kết thúc hợp đồng BOT.
Theo KIS, giá khí trong Quý 1/2025 có thể tăng nhẹ khoảng 3% n/n do nguồn cung tiếp tục suy giảm trong tháng 2, chỉ đạt 7 triệu m³/ngày (giảm 28% n/n). Điều này buộc hệ thống phải huy động thêm các nguồn khí chi phí cao như Sao Vàng – Đại Nguyệt, tạo áp lực lên biên lợi nhuận của nhóm nhiệt điện khí.

Hình 7: Giá khí trong quý 1/2025 ước tính tiếp tục neo mức cao. Nguồn: Dữ liệu công ty, KIS Research

Hình 8: Nguồn cung khí suy giảm dẫn đến phải huy động các nguồn khí có chi phí cao. Nguồn: Dữ liệu công ty, KIS Research
Nhóm Năng lượng tái tạo tiếp tục tăng tốc trong Quý 1/2025
Trong quý 1/2025, Chứng khoán KIS ước tính sản lượng điện năng lượng tái tạo đạt khoảng 12 tỷ kWh, tăng 5% n/n, chiếm khoảng 16% tổng sản lượng điện toàn hệ thống. Mức tăng này chủ yếu nhờ EVN đã bổ sung 430 MW công suất mới vào hệ thống, tăng 35% so với cùng kỳ. Cụ thể, công suất điện mặt trời bổ sung đạt 87,3 MW (+23% n/n) và điện gió đạt 354 MW (+43% n/n).

Hình 9: Nhóm năng lượng tái tạo kỳ vọng tăng mạnh nhờ công suất mới đưa vào. Nguồn: EVN, KIS Research
REE, QTP, GEG – Những mã cổ phiếu không thể bỏ lỡ trong ngành Điện
REE: Trong Quý 1/2025, doanh thu của REE ước đạt 2,183 tỷ đồng, tăng 19% n/n, và lợi nhuận sau thế đạt 705 tỷ đồng, tăng 28% n/n. Sự tăng trưởng mạnh mẽ đến từ hiệu quả hoạt động các mảng kinh doanh chủ lực.
Trong đó, mảng điện ước đạt 1,259 tỷ đồng doanh thu (+23% n/n) và 605 tỷ đồng lợi nhuận gộp (+40% n/n), do mức nền thấp của quý 1/2024 và sự phục hồi của thủy điện trong bối cảnh chuyển sang La-Niña. Mảng cơ điện ghi nhận doanh thu 573 tỷ đồng (+4% n/n) và lợi nhuận gộp 115 tỷ đồng (+5% n/n), nhờ vào giá trị hợp đồng tồn đọng tăng mạnh (+131% n/n). Mảng bất động sản dự báo doanh thu đạt 591 tỷ đồng (+7% n/n) và lợi nhuận sau thuế 122 tỷ đồng (+11% n/n) khi kỳ vọng tỷ lệ lấp đầy cao tại Etown 6 và lợi nhuận từ dự án Light Square.

Hình 10: Dự phóng kết quả kinh doanh quý 1/2025 của REE (tỷ đồng, %). Nguồn: Dữ liệu công ty, Bloomberg, KIS Research
QTP: Chứng khoán KIS ước tính doanh thu quý 1/2025 của QTP đạt 3,132 tỷ đồng, tăng 4% n/n, nhờ sản lượng điện cải thiện. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 14% n/n, chỉ đạt 195 tỷ đồng do áp lực từ giá bán điện (FMP) ước tính giảm 13% n/n và giá than tăng 7% n/n. Dù chi phí lãi vay ước tính giảm khoảng 30 tỷ đồng mỗi Quý, tác động tích cực này chưa đủ bù đắp đà suy giảm lợi nhuận. Dù vậy, về dài hạn, KIS vẫn đánh giá cao triển vọng của QTP nhờ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ổn định hệ thống điện quốc gia.

Hình 11: Dự phóng kết quả kinh doanh quý 1/2025 của QTP (tỷ đồng, %). Nguồn: Dữ liệu công ty, Bloomberg, KIS Research
GEG: KIS đánh giá triển vọng GEG tích cực trong năm 2025, nhờ kỳ vọng sản lượng từ mảng thủy điện và năng lượng tái tạo phục hồi mạnh mẽ. Ngoài ra, dự án Tân Phú Đông 1 đã hoàn tất đàm phán giá bán điện mới và có thể mang về khoản lợi nhuận bất thường khoảng 420 tỷ đồng, dự kiến ghi nhận chậm nhất trong quý 3/2025.

Hình 12: Dự phóng kết quả kinh doanh quý 1/2025 của GEG (tỷ đồng, %). Nguồn: Dữ liệu công ty, Bloomberg, KIS Research