Sau thời gian dài bán ròng triền miên, dòng tiền từ khối ngoại đang “ồ ạt” trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây. Tính từ đầu tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 9.200 tỷ đồng trên HoSE. Đây là giai đoạn dòng tiền ngoại đổ vào cổ phiếu Việt Nam quyết liệt nhất trong gần 3 năm trở lại đây.

Dòng tiền ngoại trở lại khi triển vọng nâng hạng đang rõ ràng hơn bao giờ hết. Theo nhiều nhận định, dòng vốn ngoại thường đến sớm trước thời điểm nâng hạng khoảng 4-5 tháng. Nếu lộ trình diễn ra đúng kỳ vọng, chứng khoán Việt Nam có thể được FTSE nâng hạng vào cuối năm nay. Như vậy, giai đoạn này có thể xem là thời điểm vàng để dòng vốn ngoại đón đầu sóng nâng hạng.
Với quy mô lớn, có thể lên đến hàng nghìn tỷ mỗi phiên, dòng tiền từ khối ngoại nhiều khả năng sẽ tìm đến các cổ phiếu vốn hóa lớn và còn room ngoại. Theo dữ liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) tính đến ngày 9/7, rất nhiều cổ phiếu vốn hóa tỷ USD còn room ngoại, có thể kể đến như VCB, VIC, VHM, BID, FPT, HPG, VNM, MSN, SSI…
Một số cái tên trước đây thường xuyên kín room ngoại như FPT cũng đã hở room hơn triệu đơn vị sau giai đoạn bán ròng hồi đầu năm. Ngoài FPT, nhóm tỷ trọng lớn trong rổ VNDiamond như MWG, REE, PNJ đều đã kín room. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu ngân hàng như TCB, MBB, ACB, VIB cũng không còn dư địa đón thêm tiền ngoại.

Cần phải lưu ý rằng, nhiều cổ phiếu trong danh sách trên có room ngoại thực tế thấp hơn nhiều do lượng lớn cổ phiếu đang nằm trong tay cổ đông Nhà nước chi phối, cổ đông chiến lược, cổ đông nội bộ và người có liên quan.
Theo một báo cáo hồi đầu năm của Chứng khoán SHS, trường hợp thị trường hoặc cổ phiếu có giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, FTSE sẽ tính toán tỷ lệ cổ phiếu có thể đầu tư dựa trên giá trị nhỏ hơn giữa tỷ lệ free float và tỷ lệ FOL đó. Ngoài ra, một cổ phiếu phải còn ít nhất 20% dư địa sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài so với giới hạn FOL mới đủ tiêu chuẩn vào chỉ số.
Tương tự, báo cáo mới đây của Chứng khoán SSI cũng chỉ ra những tiêu chuẩn của FTSE đối với các cổ phiếu có thể lọt vào danh sách đầu tư, đón sóng từ các quỹ ngoại, bao gồm: (1) Vốn hóa thị trường tối thiểu 150 triệu USD, tính theo vốn hóa điều chỉnh theo free float; (2) Tỷ lệ free float tối thiểu 5%; (3) Room ngoại còn trống tối thiểu 20%; (4) Khối lượng giao dịch trung bình phải đạt ít nhất 0,05% tổng số cổ phiếu lưu hành trong 10/12 tháng trước kỳ đánh giá…
Theo đánh giá của SSI, các cổ phiếu dự kiến hưởng lợi từ việc nâng hạng, gồm: VIC, VHM, VNM, HPG, VCB, SSI, MSN, VPL, VRE, VND, VIX, VCI, SHB, MCH, GEX. Trong danh sách này, có 4 mã thuộc nhóm Vingroup, các cổ phiếu đầu ngành thép, bán lẻ – tiêu dùng, 4 công ty chứng khoán và chỉ có 2 mã ngành ngân hàng.

Ngoài câu chuyện nâng hạng, ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Phân tích, Khối Khách hàng Cá nhân của Maybank Investment Bank (MSVN), cho rằng có một số biểu hiện cho thấy P-Notes đóng góp quan trọng vào lực mua của khối ngoại. Đây là công cụ được các định chế nước ngoài phát hành, dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài. P‑Notes có đặc tính giao dịch quyết liệt và thường tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, thanh khoản cao.
Có nhiều lý do để lượng mua vào thông qua P-Notes tăng lên mà theo ông Lâm có thể liên quan bao gồm các nhà đầu tư nước ngoài mới, có thể cần thời gian để thiết lập tài khoản đầu tư tại Việt Nam nhưng muốn có vị thế sớm ở hiện tại. Dòng tiền đến từ các thị trường mà sản phẩm này có tính ưu việt hơn để sử dụng. Dù hiểu theo cách nào, ông Lâm cho rằng việc khối ngoại nói chung (trong đó có dòng tiền đến từ sản phẩm P-Notes) quay trở lại mua ròng, nên được nhìn nhận dưới góc độ tích cực.