spot_img
31 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánTrước ngày trở lại sàn chứng khoán, Vinpearl làm ăn ra sao?

Trước ngày trở lại sàn chứng khoán, Vinpearl làm ăn ra sao?

Vinpearl từng niêm yết trên HoSE vào năm 2008 rồi hủy vào năm 2011 do hợp nhất với Vincom, hình thành lên Tập đoàn Vingroup ngày nay. Trước ngày trở lại, công ty liên tục báo lãi, vốn chủ sở hữu cũng tăng trưởng thần tốc theo cấp số nhân.

Ngày 15/11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận đã hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng của CTCP Vinpearl. Đây là bước tiến quan trọng để doanh nghiệp này chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán. Điều này nằm trong kế hoạch đã được lãnh đạo Vingroup thông tin tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 diễn ra hồi tháng 4 vừa qua.

CTCP Vinpearl có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại Đảo Hòn Tre, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Lĩnh vực hoạt động chính là đầu tư, xây dựng và kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn. Tại thời điểm ngày 30/9, Vingroup (HoSE: VIC) sở hữu 85,55% cổ phần của doanh nghiệp.

Vinpearl – doanh nghiệp lớn một thời trên HoSE

Theo tìm hiểu, tiền thân của Vinpearl là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Du lịch, Thương mại và Dịch vụ Hòn Tre, được thành lập vào năm 2001 và đổi tên thành Vinpearl vào năm 2006. Năm 2008, Vinpearl niêm yết trên HoSE với mã VPL, nhưng đến ngày 26/12/2011, công ty chính thức hủy niêm yết.

Lý do hủy niêm yết là Vinpearl sáp nhập vào CTCP Vincom (HoSE: VIC) để hình thành Tập đoàn Vingroup như ngày nay. Sau sáp nhập, Vinpearl được tổ chức lại thành công ty TNHH một thành viên do Vincom sở hữu 100% vốn. Tại thời điểm ngày 26/10/2011, Vinpearl có vốn điều lệ 2.055 tỷ đồng và vốn hóa đạt 16.132 tỷ đồng. Trong khi đó, Vincom là công ty bất động sản có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam lúc bấy giờ, với vốn hóa 35.986 tỷ đồng và vốn điều lệ 3.911 tỷ đồng.

Về phương án sáp nhập, cổ phiếu VPL được định giá 134.725 đồng, còn VIC là 167.523 đồng. Cổ đông nắm giữ 1 cổ phiếu VPL sẽ được đổi sang 0,77 cổ phiếu VIC. Sau thương vụ này, Vincom đổi tên thành Tập đoàn Vingroup và tăng vốn điều lệ lên 5.494 tỷ đồng vào đầu năm 2012.

Trước ngày trở lại sàn chứng khoán, Vinpearl làm ăn ra sao?
Bức tranh tài chính của Vinpearl giai đoạn niêm yết năm 2008 – 2011

Vinpearl bây giờ làm ăn ra sao?

Theo thông tin từ website, Vinpearl giới thiệu mình là thương hiệu dịch vụ du lịch – nghỉ dưỡng – giải trí lớn nhất Việt Nam. Với 21 năm không ngừng phát triển, công ty hiện sở hữu, vận hành và quản lý 30 cơ sở khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại 17 tỉnh, thành trên toàn quốc. Công suất phòng đạt hơn 15.900 phòng khách sạn và biệt thự, cùng 3 công viên chủ đề, 2 khu vui chơi giải trí, 2 công viên bảo tồn và chăm sóc động vật bán hoang dã, 4 sân golf. Vinpearl dự kiến tiếp tục mở rộng quy mô trong nước và quốc tế trong thời gian tới.

Trước khi trở thành công ty đại chúng, cuối tháng 11/2023, Tập đoàn Vingroup đã tách CTCP Vinpearl và thành lập một công ty con mới trên cơ sở tách doanh nghiệp. Công ty mới mang tên CTCP Thương mại và Kinh doanh Ngọc Việt, với vốn điều lệ dự kiến 20.420 tỷ đồng, do Vingroup nắm giữ trên 99,96% cổ phần. Sau đó, công ty này được sáp nhập vào CTCP Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart vào ngày 22/4/2024 nhằm phục vụ mục đích tái cấu trúc nội bộ, tinh gọn hệ thống doanh nghiệp.

Trước ngày trở lại sàn chứng khoán, Vinpearl làm ăn ra sao?
Nguồn: Tổng hợp

Về kết quả kinh doanh, Vinpearl từng chịu lỗ nặng trong đại dịch Covid-19 với mức lỗ 9.570 tỷ đồng năm 2020 và 9.459 tỷ đồng năm 2021. Tuy nhiên, công ty đã có lợi nhuận trở lại vào năm 2022 với 4.229 tỷ đồng. Sang năm 2023, lợi nhuận đạt 671 tỷ đồng, và trong 6 tháng đầu năm 2024, Vinpearl báo lãi 2.579 tỷ đồng, gấp gần 4 lần lợi nhuận cả năm 2023.

Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu của Vinpearl tăng mạnh trong 5 năm qua. Cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu chỉ đạt 610 tỷ đồng, nhưng đến ngày 30/6/2024 đã tăng lên 31.513 tỷ đồng, gấp gần 52 lần. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, vốn chủ sở hữu đã tăng thêm 18.196 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6/2024, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của Vinpearl giảm từ 2,31 lần xuống 1,15 lần; dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu giảm từ 0,94 lần xuống 0,35 lần. Như vậy, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp khoảng 36.240 tỷ đồng, trong đó nợ trái phiếu chiếm 11.030 tỷ đồng.

Hiện tại, hệ sinh thái Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có 4 công ty niêm yết tại Việt Nam, gồm: Tập đoàn Vingroup (VIC) với vốn hóa 155.050 tỷ đồng; CTCP Vinhomes (VHM), 175.263 tỷ đồng; CTCP Vincom Retail (VRE), 41.356 tỷ đồng; và CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEF), 30.621 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty con VinFast (VFS) niêm yết trên sàn Nasdaq, Mỹ, đạt vốn hóa 9,38 tỷ USD (tương đương 238.158 tỷ đồng) tính đến ngày 15/11/2024.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật