Ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố lệnh tạm hoãn áp thuế 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong vòng 90 ngày. Động thái này được xem là “khoảng dừng” chiến lược, mở ra cơ hội cho hai bên rà soát lại các chính sách thương mại và thúc đẩy đối thoại. Ngay sau đó, phía Việt Nam đã chỉ đạo Đoàn đàm phán cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng phương án làm việc với Hoa Kỳ, theo tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Trong thời gian 90 ngày tạm hoãn thuế, đặc biệt trước thềm cuộc đàm phán chính thức diễn ra hôm nay (7/5), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) đã gửi kiến nghị tới Bộ Thương mại và Chính phủ Hoa Kỳ, đề xuất xem xét lại các chính sách thương mại hiện hành đối với Việt Nam. AmCham cho rằng giai đoạn tạm hoãn này là thời điểm vàng để Hiệp hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp nhằm xác định và tháo gỡ các rào cản thương mại quan trọng.
Phát biểu tại Hội thảo “Thuế đối ứng của Hoa Kỳ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra vừa qua, bà Nguyễn Việt Hà, đại diện AmCham Hà Nội nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã có những động thái kịp thời và chủ động trong xử lý vấn đề, dù thời gian chuẩn bị rất ngắn. Để ứng phó hiệu quả với bối cảnh hiện tại, AmCham khuyến nghị cần tập trung vào 2 trọng điểm: thúc đẩy các cuộc đàm phán cấp cao với Hoa Kỳ và đồng thời đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước”.
Về tiến trình đàm phán, tổ chức đánh giá cao 2 giải pháp trọng yếu mà Việt Nam đang triển khai, bao gồm thu hẹp thặng dư thương mại với Hoa Kỳ và gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ thị trường này. Hai hướng đi này có tính chất bổ trợ cho nhau, trong bối cảnh chênh lệch thương mại vẫn còn đáng kể và cần được điều chỉnh từng bước.
Một vấn đề được phía Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm hiện nay là xuất xứ hàng hóa. Theo đó, Washington lo ngại việc Việt Nam sử dụng nguyên liệu từ các nước thứ ba và tái xuất khẩu sang các thị trường khác, có thể khiến sản phẩm bị nghi ngờ gian lận xuất xứ. Do đó, phía Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước cần chủ động đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu, giảm phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất.
Liên quan đến vấn đề xuất xứ hàng hóa, Bộ Công Thương mới đây đã thu hồi quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) từ các đơn vị ủy quyền, tập trung đầu mối cấp C/O về một mối duy nhất. Đồng thời, Bộ đẩy mạnh số hóa quy trình thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và siết chặt kiểm soát gian lận xuất xứ. Đây được xem là bước đi quan trọng trong việc nâng cao tính minh bạch, hiện đại hóa công tác quản lý, ngăn chặn hành vi chuyển tải bất hợp pháp, giúp Việt Nam gỡ bỏ rào cản thương mại, đồng thời mở ra cơ hội mới trong đàm phán thỏa thuận song phương với Mỹ.
![]() |
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hanoi) Nguyễn Việt Hà |
Ngoài ra, các rào cản phi thuế quan vẫn đang là điểm nghẽn lớn trong quá trình đàm phán thương mại song phương. Theo đánh giá trong báo cáo mới đây của AmCham, đây là phần kéo dài và phức tạp nhất trong toàn bộ tiến trình đàm phán giữa hai nước. Thêm vào đó, các thủ tục cấp phép, yêu cầu chứng nhận cũng đang gây nhiều khó khăn, đặc biệt với doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị công nghệ cao. Nhiều sản phẩm dù đã được quốc tế công nhận nhưng lại gặp vướng mắc tại Việt Nam do yêu cầu kỹ thuật phức tạp và hạn chế về năng lực kiểm định trong nước.
Đây được xem là một trong những trở ngại kỹ thuật quan trọng mà Việt Nam cần sớm tháo gỡ, không chỉ để phục vụ mục tiêu đàm phán với Hoa Kỳ mà còn để tạo lập môi trường thương mại minh bạch, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nội địa. Việc cải thiện các rào cản kỹ thuật và thuế quan sẽ là chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Tiếp nối các nỗ lực ngoại giao và đối thoại chính sách, từ ngày 16 – 18/5 tới đây, lãnh đạo AmCham và phái đoàn Hoa Kỳ sẽ có cuộc gặp tại Đà Nẵng. Sự kiện là dịp để hai bên tiếp tục thảo luận chuyên sâu về thuế quan, thương mại và các sáng kiến nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương Việt – Mỹ trong giai đoạn mới.