spot_img
27 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánTương lai bất định của xe điện dưới thời Trump

Tương lai bất định của xe điện dưới thời Trump

Ngoài quan hệ gần gũi Elon Musk, ông Trump không thân thiện với ngành xe điện và đe dọa cắt ưu đãi thuế, rút trợ cấp sản xuất lĩnh vực này.

Quý III/2024, doanh số bán xe điện tại Mỹ đạt kỷ lục về doanh số lẫn thị phần. Khoảng 346.309 chiếc được bán ra, tăng 11% so với cùng kỳ 2023. Thị phần xe điện đạt 8,9%, cao nhất từng ghi nhận, theo hãng thông tin thị trường ôtô Kelley Blue Book.

Stephanie Valdez Streaty, Giám đốc thông tin ngành xe hơi tại Cox Automotive cho biết tăng trưởng một phần được thúc đẩy bởi các ưu đãi và giảm giá. “Khi nhiều mẫu có giá phải chăng hơn ra mắt và hạ tầng cải thiện, mức độ tiếp nhận xe điện sẽ tăng những năm tới”, ông nói.

Bốn năm qua, Tổng thống Joe Biden tích cực thúc đẩy xe điện với các khoản ưu đãi thuế lớn, lên tới 7.500 USD khi mua xe mới và 4.000 USD cho ôtô cũ. Nhờ đó, tỷ lệ đăng ký ôtô điện tăng từ 1% vào năm 2019 lên 7% vào 2024.

Tuy nhiên, việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống, tương lai của ngành xe điện tại Mỹ khó đoán hơn. Không lấy xe điện làm chủ đề trọng tâm trong chiến dịch của mình nhưng ông nhiều lần chỉ trích chúng, cáo buộc rằng ý định cấm xe chạy xăng là sai lầm.

Trump bác bỏ lợi ích môi trường của xe điện, cho rằng chúng mở đường cho sự thống trị sản xuất của Trung Quốc, đẩy các hãng ôtô Mỹ đến bờ vực phá sản và tạo ra tình trạng thất nghiệp hàng loạt cho lao động phổ thông.

Vì vậy, ông cho biết sẽ bắt đầu hủy bỏ các quy định về phương tiện của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) và Bộ Giao thông Vận tải ngay sau khi nhậm chức. Trump cũng cân nhắc giảm hoặc bỏ ưu đãi cho xe điện.

Những thay đổi này có thể giúp các nhà sản xuất ôtô truyền thống, nhưng đặt ra câu hỏi về tương lai của hàng tỷ USD đầu tư vào pin và xe điện, theo Reuters.

  • Tesla Model Y xuất xưởng tại Gruenheide, Đức ngày 22/3/2022. Reuters

Le Monde dự đoán ông Trump còn có khả năng thách thức chương trình đầu tư công trị giá 7,5 tỷ USD về đẩy nhanh xây dựng mạng lưới 500.000 trạm sạc tại Mỹ. Các khoản trợ cấp cho những nhà sản xuất thiết bị giúp họ thích ứng với chuyển đổi sang xe điện cũng có nguy cơ bị cắt giảm.

Ngoài ra, một số thành viên đảng Cộng hòa trong quốc hội đã tuyên bố ý định chấm dứt quyền của California và 17 bang khác trong áp đặt các tiêu chuẩn môi trường cao hơn với các nhà sản xuất ôtô so với quy định liên bang. Theo khảo sát của Gallup công bố vào tháng 4/2023, có đến 71% người theo đảng Cộng hòa từ chối cân nhắc mua xe điện, so với 17% của đảng Dân chủ.

Hiệp hội Giao thông không phát thải (Zero Emission Transportation Association), gồm Tesla, Rivian, Lucid và nhà sản xuất pin LG, hôm 6/11 cho biết sẵn sàng làm việc với Trump. “Bốn năm tới là thời điểm quan trọng để đảm bảo các công nghệ cho xe điện được phát triển và triển khai bởi người lao động trong các nhà máy Mỹ một cách lâu dài”, hiệp hội nhấn mạnh.

  • Tesla Model Y xuất xưởng tại Gruenheide, Đức ngày 22/3/2022. Reuters
  • CEO Tesla Elon Musk (phải) phát biểu trên sân khấu khi tham gia cùng ông Donald Trump trong một cuộc vận động tranh cử tại thành phố Butler, bang Pennsylvania, ngày 5/10. Ảnh: AFP

Nhưng tương lai không hoàn toàn xám xịt với ngành xe điện. Cổ phiếu Tesla đóng cửa tăng gần 15% hôm 6/11 khi các nhà đầu tư đặt cược rằng công ty của Elon Musk sẽ hưởng lợi từ mối quan hệ gần gũi với Trump.

Rõ ràng, ông Trump sẽ không chấp nhận mục tiêu của người tiền nhiệm là một nửa doanh số bán ôtô tại Mỹ thuộc về xe điện vào 2030. Tuy nhiên, việc Elon Musk đóng góp hào phóng cho chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Cộng hòa, tương lai của xe điện không hoàn toàn vô vọng trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump, theo Le Monde.

“Tôi ủng hộ xe điện. Tôi phải vậy, vì Elon đã ủng hộ tôi rất mạnh mẽ”, Trump thẳng thắn. Tesla chiếm gần một nửa thị phần xe điện tại Mỹ, hãng đã nhận được 2,8 tỷ USD viện trợ của chính phủ kể từ khi thành lập vào 2003 và thu lợi lớn từ việc bán tín chỉ carbon. Do đó, chắc chắn Musk không muốn thị trường bị kìm hãm.

Hơn thế, Musk cũng đang tìm cách tiến xa hơn trong lĩnh vực xe tự lái và dự kiến ra mắt “Cybercab” – taxi tự lái vào 2027. Tham vọng này đòi hỏi nới lỏng các quy định về giấy phép hoạt động, hiện được cấp theo từng trường hợp ở địa phương. Trong tương lai, CEO của Tesla muốn có một quy định cấp liên bang.

Một trọng tâm khác của chính quyền Trump là sản xuất tại Mỹ. Ông đã đe dọa áp thuế 100% với Stellantis (sở hữu các thương hiệu Jeep, Dodge, RAM) nếu hãng chuyển hoạt động sang Mexico. Ông có ý định duy trì, thậm chí tăng các hàng rào thuế quan mà đảng Dân chủ đã thiết lập với mức thuế 100% lên xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Trump cũng cân nhắc mở rộng mức thuế này với các loại pin xe điện “made in China”.

Các quyết định này nguy cơ làm tăng chi phí ôtô điện sản xuất tại Mỹ, theo Mark Williams, Chủ tịch công ty tư vấn dịch vụ về chọn địa điểm và phát triển dự án Strategic Development Group. “Nếu loại Trung Quốc khỏi hệ thống sản xuất linh kiện và phụ tùng cung ứng cho các nhà sản xuất ôtô và không có Mexico hoặc một quốc gia khác thay thế, tôi không biết chúng ta có thể làm được bao nhiêu việc tại Mỹ”, ông nói.

Ngoài ra, các động thái ngăn chặn xe điện Trung Quốc cứng rắn hơn của Trump còn gián tiếp tạo nguy cơ xe của nước này tràn sang châu Âu để tìm đầu ra. Còn với kịch bản trả đũa từ Bắc Kinh thì bản thân Musk cũng chịu thiệt, bởi Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của Tesla.

Phiên An (Reuters, Le Monde)

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật