Ngày 12/2, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia phát động chiến dịch truyền thông “Đã uống rượu bia không lái xe” và “Không giao xe cho người không đủ điều kiện”.
Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông trong việc tuân thủ pháp luật về trật tự ATGT ngay trong mùa lễ hội… Đồng thời, chiến dịch cũng nhằm tuyên truyền đến các bậc phụ huynh quản lý chặt chẽ việc sử dụng phương tiện của con em, bảo đảm chỉ giao xe khi con em đủ điều kiện theo quy định pháp luật, đủ kiến thức và kỹ năng điều khiển phương tiện một cách an toàn.
Ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tại lễ phát động chiến dịch (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân) |
Phát biểu tại lễ phát động, ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, cho biết trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua, có thể thấy TNGT được kéo giảm sâu trên cả ba tiêu chí so với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2024, đặc biệt là số vụ vi phạm quy định về nồng độ cồn cũng giảm rất sâu. Tuy nhiên, số trường hợp vi phạm nồng độ cồn còn ở mức cao, vẫn xảy ra ở nhiều nơi với trên 17.000 trường hợp, chiếm tới 30% số lượng vi phạm được cơ quan chức năng xử lý.
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam thông tin thêm, chỉ một lượng nhỏ rượu bia cũng có thể làm suy giảm khả năng lái xe và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
“Không chỉ có các mức phạt nghiêm khắc dành cho người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, mà chúng ta còn hiểu rằng mỗi vụ tai nạn giao thông đều có thể để lại những mất mát đau thương, gây ra bi kịch cho cá nhân, gia đình và cả cộng đồng”, đại diện WHO nhấn mạnh.
Việt Nam là một trong những thị trường bia sôi động nhất thế giới, đứng thứ 7 toàn cầu và thứ 3 châu Á với sản lượng tiêu thụ 4,2 tỷ lít vào năm 2023. Theo Chứng khoán Phú Hưng (PHS), 93% thị phần bia tại Việt Nam nằm trong tay 4 ông lớn: Heineken (43%), Sabeco (34%), Carlsberg (9%) và Habeco (7%).
Nguồn: PHS |
Phân khúc cao cấp và cận cao cấp được thống trị bởi Heineken, trong khi Sabeco vượt trội ở phân khúc trung cấp. Habeco tập trung vào dòng bia trung cấp và bình dân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội như Sabeco và Habeco phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu quốc tế như Heineken và Carlsberg, cùng với những thách thức từ chính sách quản lý.
Áp lực từ chính sách quản lý
Những năm gần đây, ngành bia chịu ảnh hưởng từ hàng loạt chính sách như Nghị định 100 (kiểm soát nồng độ cồn) và Nghị định 168 (tăng nặng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn từ năm 2025). Điều này buộc các doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược kinh doanh.
Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168 có hiệu lực, đặt ra thách thức lớn cho ngành bia, đặc biệt trong mùa Tết. Heineken nhanh chóng thích nghi với chiến lược giảm giá và quảng bá bia không cồn, nhắm đến khách hàng có ý thức về an toàn giao thông. Sabeco triển khai các chương trình giảm giá bia Sài Gòn Lager và kết hợp với các siêu thị lớn để trưng bày sản phẩm tại vị trí nổi bật, thu hút khách hàng bằng các gói quà Tết.
Các thương hiệu khác như Tiger và 333 Beer cũng tận dụng mùa Tết với các chương trình tặng quà giá trị như ly thủy tinh, phiếu mua hàng nhằm duy trì thị phần trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.