spot_img
21 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánVì sao Chứng khoán FTS ngó lơ 'bầu sữa' 31.000 tỷ đồng...

Vì sao Chứng khoán FTS ngó lơ ‘bầu sữa’ 31.000 tỷ đồng của Tập đoàn FPT?

Đây là thắc mắc được cổ đông Chứng khoán FPT (FPTS) nêu ra tại ĐHCĐ kết thúc chiều ngày 1/4.

Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức chiều 1/4/2025, CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) trình và được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với doanh thu 1.000 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 500 tỷ đồng, giảm 2,5% và là mức thấp nhất trong vòng bốn năm qua.

Ban lãnh đạo đánh giá bối cảnh năm 2025 tiếp tục đối mặt nhiều yếu tố bất định. Kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng tương đương năm 2024, ở mức 2,8-3,3%. Tuy nhiên, chính sách của chính quyền Donald Trump nếu tái nhiệm, biến động tỷ giá USD/VND và áp lực lạm phát trong nước có thể tác động đáng kể tới tâm lý nhà đầu tư.

Với thị trường chứng khoán trong nước, dù hệ thống giao dịch mới KRX nhiều khả năng vận hành trong năm nay, nhưng FPTS cho rằng chưa thể kỳ vọng những đột phá rõ rệt khi chưa có sản phẩm mới đi kèm, trong khi nguồn cung cổ phiếu niêm yết cũng không cải thiện nhiều. Các công ty chứng khoán tiếp tục cạnh tranh bằng các chương trình giảm phí và lãi suất margin để giữ chân nhà đầu tư.

Giữa bối cảnh kinh doanh thận trọng, FPTS vẫn duy trì chính sách cổ tức đều đặn. Đại hội đã thông qua phương án chi gần 153 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5%, thực hiện trong quý II/2025. Đồng thời, công ty cũng sẽ phát hành gần 30,6 triệu cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 10:1) và gần 10 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp để bổ sung vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ.

Vì sao Chứng khoán FTS ngó lơ 'bầu sữa' 31.000 tỷ đồng của Tập đoàn FPT?
Phương án phân phối lợi nhuận năm 2024 (Nguồn FPTS)

Một trong những điểm nóng tại đại hội là câu hỏi của cổ đông về việc FPTS vẫn đi vay từ ngân hàng với lãi suất cao, dù Tập đoàn FPT – công ty mẹ – đang sở hữu lượng tiền mặt khổng lồ hơn 31.000 tỷ đồng. Cổ đông thắc mắc: “Lý do tôi tin tưởng FPTS là có Tập đoàn FPT đứng sau hỗ trợ, nhưng nhìn thấy vay tiền như vậy, tôi thắc mắc là tại sao FPTS không tận dụng nguồn tiền từ Tập đoàn FPT mà phải đi vay VIB với lãi suất cao hơn?”.

Phúc đáp, Tổng Giám đốc Nguyễn Điệp Tùng cho biết: “Con số 1.750 tỷ đồng là hạn mức mới thay thế cho hạn mức cũ, không thể cộng dồn như vậy”.

Ông Tùng cũng thẳng thắn bác bỏ kỳ vọng dựa dẫm vào công ty mẹ: “Con số mấy ngàn tỷ của FPT trên tài khoản không kỳ hạn không có nghĩa sẽ luôn nằm ở đó”, đồng thời nhấn mạnh: “FPT và FPTS là hai pháp nhân riêng, mỗi đơn vị đều có kế hoạch tài chính riêng của mình. Nếu như các công ty con mà chỉ trông đợi vào ‘bầu sữa’ của Tập đoàn mẹ thì cũng không thể tồn tại được”.

Theo CEO FPTS, việc hợp tác giữa hai bên phải trên nguyên tắc cùng có lợi: “Bất kỳ doanh nghiệp nào ra đời mà chỉ trông đợi vào sự hỗ trợ của Tập đoàn mẹ, cổ đông lớn… tôi không nghĩ các đơn vị như vậy có thể tồn tại, phát triển tốt trên thị trường. Việc hợp tác trước tiên phải là ‘win-win’, có lợi giữa cả hai bên”.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật