VN-Index sáng 22/4 dao động trong biên độ hẹp và không xuất hiện nhiều tín hiệu của một phiên biến động mạnh. Tuy nhiên, sau giờ nghỉ trưa, chứng khoán đảo chiều đột ngột khi áp lực xả hàng từ nhóm vốn hóa lớn lan rộng.
Lúc 13h30, chỉ số đại diện cho sàn TP HCM mất 69 điểm, thủng hàng loạt mốc tâm lý quan trọng, về dưới 1.140 điểm. Thị trường bị bao trùm bởi sắc đỏ khi có 500 cổ phiếu giảm, trong đó gần 100 mã nằm sàn.
Lý giải với VnExpress về hiện tượng giảm điểm đột ngột, ông Lê Đức Anh, chuyên gia phân tích tại Công ty cổ phần Đầu tư FinSuccess, nói có thể do tin tức không mấy khả quan về đàm phán thương mại liên quan thuế đối ứng của Mỹ với một số đối tác, trong đó cuộc đàm phán Mỹ – Thái Lan bị hoãn chưa rõ lý do.
Ngoài ra, thông tin Mỹ đánh thuế pin mặt trời của các nhà sản xuất Trung Quốc đặt tại Đông Nam Á, cũng ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư. Các diễn biến này diễn ra trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư đang rất yếu sau cú điều chỉnh mạnh 2 tuần trước, nên kích hoạt đợt bán tháo mạnh ở tất cả ngành nghề.
- Nhà đầu tư đang quan sát bảng điện tại một công ty chứng khoán ở quận 1, TP HCM. Ảnh: An Khương
Nhìn từ phản ứng thị trường, chuyên gia phân tích độc lập Huỳnh Hoàng Phương cho rằng động thái bán tháo hàng loạt ngay khi xuất hiện tin tức xấu đã phản ánh rủi ro về thuế quan vẫn chưa dứt hẳn trong tâm lý nhà đầu tư. Sau đợt phục hồi vừa rồi, định giá thị trường đã không còn trong vùng giá rẻ như trước, đồng nghĩa thị trường chưa “sẵn sàng” nếu có rủi ro.
Điều này dẫn đến kịch bản mỗi khi xuất hiện tin tức nhạy cảm, thị trường lập tức phản ứng ngay mà không cần phân tích liệu nó có tạo ra xu hướng xấu hay không. Vì nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đang trong tâm lý tiêu cực, họ sẵn sàng “bán đuổi”.
“Thị trường đang ở trong giai đoạn chỉ phản ứng theo tin tức mà không cần xác thực”, ông Phương nói.
Tuy nhiên, nhịp giảm đột ngột cũng kích thích dòng tiền mua. Chỉ sau 10 phút kể từ cú “sập”, nhiều cổ phiếu thoát giá sàn giúp VN-Index thu hẹp biên độ giảm. Càng về cuối phiên, chỉ số hồi phục mạnh về gần tham chiếu trước khi đóng cửa tại 1.197 điểm, giảm chưa đến 10 điểm.
Theo nhóm phân tích từ Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), lực cầu bắt đáy nửa cuối phiên chiều đã hấp thụ gần như toàn bộ lượng cung hoảng loạn bán tháo. Thanh khoản cả phiên vọt lên hơn 34.100 tỷ đồng, cao hơn gần 63% so với mức bình quân 20 phiên.
Ông Huỳnh Hoàng Phương cho rằng cú điều chỉnh giúp nhiều cổ phiếu hạ về mức hấp dẫn hơn. Điều này thu hút dòng tiền khi nhu cầu gom hàng của nhiều người đứng ngoài thị trường vẫn rất lớn. Trước đó trong phiên phục hồi 10/4, VN-Index tăng tới 74 điểm, hàng trăm cổ phiếu tím trần, nhưng “trắng” bên bán.
Thêm vào đó, số dư tiền gửi của khách hàng tại các công ty chứng khoán tăng trở lại, đạt 96.550 tỷ đồng tính tới hết quý I, theo thống kê của nền tảng nghiên cứu và phân tích thị trường Findicator. Mức này tăng khoảng 24.000 tỷ so với đầu năm, cũng cho thấy nhiều người trong tâm thế sẵn sàng mua vào. Ngoài ra, dư nợ margin ước tính đạt hơn 280.000 tỷ đồng, tăng 30.000 tỷ so với đầu năm.
Nhóm phân tích CSI nhìn ở góc độ kỹ thuật và thấy rằng VN-Index hình thành mẫu hình nến đảo chiều Hammer, tức là báo hiệu xu hướng giảm giá sẽ chững lại. Các chuyên gia đánh giá tín hiệu đảo chiều sau phiên hôm nay tích cực và khả năng lớn “đảo chiều thật để quay trở lại xu hướng tăng giá”.
CSI kỳ vọng VN-Index sẽ quay lại xu hướng tăng điểm và hướng tới mốc kháng cự 1.270-1.300 điểm trong thời gian tới.
- Nhà đầu tư đang quan sát bảng điện tại một công ty chứng khoán ở quận 1, TP HCM. Ảnh: An Khương
- Định giá P/E của VN-Index đang thấp hơn mức trung vị 5 năm qua. Đồ họa: Findicator
Ông Huỳnh Hoàng Phương cho rằng thị trường sẽ còn biến động mạnh theo tin tức, ít nhất đến đầu quý III. Do đó, nhà đầu tư không nên đặt cược quá lớn vào một kịch bản tăng hay giảm mà cần chuẩn bị cho mọi sự biến động. Chuyên gia này khuyên nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức họ có thể chấp nhận được rủi ro.
Ông Lê Đức Anh của FinSuccess cho rằng trong giai đoạn này, định giá thị trường sẽ là “mỏ neo”. P/E (giá thị trường trên giá trị sổ sách) đang neo ở 1,54 lần, thấp hơn so với mức trung vị 5 năm qua (khoảng 1,85 lần). FinSuccess khuyến nghị nhà đầu tư nên đầu tư dựa trên sự phân hóa của thị trường theo mức độ ảnh hưởng của các ngành nghề với thuế đối ứng của Mỹ.
Ở nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp như xuất khẩu, khu công nghiệp, cảng biển… giá cổ phiếu giảm 30-40% và rất nhạy với thông tin từ đàm phán sắp tới. Do sự bất định trên, biến động của nhóm này khá cao, nhà đầu tư nên thận trọng. Tuy nhiên, biến động này cũng là cơ hội để họ tìm được những cổ phiếu tốt ở mức chiết khấu cao.
Còn với nhóm doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc rất ít như ngân hàng, bán lẻ, đầu tư công… giá cổ phiếu đã hồi phục nhiều sau giai đoạn khủng hoảng. Hiện nay, nhiều mã ngân hàng chỉ còn giảm 5-7%, hay bán lẻ, thép cũng phục hồi đáng kể. Nhà đầu tư cần phân tích, đánh giá về định giá cũng như tiềm năng trước khi xuống tiền, tránh trường hợp bị tác động tâm lý.
Tất Đạt