Trong phiên VN-Index tăng hơn 12 điểm lên mức 1.223,35 điểm, nhóm cổ phiếu họ Vin với mức tăng trên 3,9% trở thành nhân tố dẫn dắt nhịp phục hồi của thị trường. Trong số này, VIC tăng trần lên mức 62.700 đồng; khớp lệnh 8,7 triệu đơn vị.
Sắc tím của cổ phiếu VIC xuất hiện trong ngày Tập đoàn Vingroup tổ chức ĐHCĐ thường niên 2025 tại Hà Nội. Tại đây, bên cạnh các chỉ tiêu về kinh doanh trong năm 2025 và giai đoạn tới, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cùng ban lãnh đạo cũng dành thời gian để trải lòng với cổ đông.
Cổ phiếu VIC – Cuộc chơi của niềm tin bền vững
Tại Đại hội, khi được hỏi: “Nên chọn cổ phiếu VIC hay vàng?”, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup không né tránh mà chia sẻ thẳng thắn: “Giữa vàng và VIC thì chọn VIC là đúng rồi, chắc chắn với nỗ lực của cả tập thể, làm việc ngày đêm quyết liệt, mạnh mẽ sáng tạo thì từng bước giá trị tạo ra, đẳng cấp được công nhận. Tương lai chắc chắn sẽ có. Nhưng như đi tàu, có lúc sóng gió, nếu vội nhảy xuống biển thì khó bơi tiếp. Tôi tin cổ đông trung thành, dài hạn sẽ có lợi ích mong muốn”.
Lời chia sẻ thể hiện sự kiên định và tinh thần đồng hành giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư. Trong bối cảnh VIC – đặc biệt là VinFast – đang dẫn đầu ngành ô tô điện Việt Nam, nhưng cũng đối diện nhiều thách thức, ông Vượng kêu gọi cổ đông giữ vững niềm tin vào con đường dài hạn thay vì chạy theo các biến động ngắn hạn.
Giữa vàng – biểu tượng an toàn – và VIC – đại diện cho khát vọng, lựa chọn giờ đây mang ý nghĩa niềm tin dài hạn.
Chiến lược “3 hóa” – 3 hạt nhân
Năm 2024, Vingroup ghi nhận doanh thu thuần 189.068 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.276 tỷ đồng – tăng lần lượt 17,1% và 156,6% so với năm trước. Trong đó, VinFast bàn giao gần 88.000 xe, dẫn đầu thị phần ô tô tại Việt Nam. Dải sản phẩm đa dạng, cùng hệ sinh thái khép kín giúp hãng xe điện này tiếp tục mở rộng tại các thị trường như Indonesia, Philippines, Ấn Độ.
Ở mảng bất động sản, Vinhomes duy trì vị thế dẫn đầu, bàn giao hàng chục nghìn sản phẩm. Doanh số chưa bàn giao đạt hơn 94.000 tỷ đồng – nền tảng cho giai đoạn tới. Mảng du lịch – giải trí cũng ghi nhận dấu ấn khi Vinpearl vào Top 3 thương hiệu mạnh Đông Nam Á.
Năm 2025, Vingroup hướng tới chiến lược “3 hóa”: Hạt nhân hóa – Chuẩn hóa – Đơn giản hóa. Tập đoàn đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 300.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 10.000 tỷ. Ba trụ cột chiến lược tiếp tục được xác định là: Sản xuất xe điện (VinFast), bất động sản nhà ở và du lịch nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí.
![]() |
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng dành nhiều thời gian trả lời các thắc mắc của cổ đông |
“Tất cả cho VinFast – tất cả cho chiến thắng”
Liên quan đến mảng xe – một trong ba hạt nhân quan trọng của Vingroup, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết, năm 2025 VinFast đặt mục tiêu bán hơn 200.000 xe trong nước, chiếm 40% thị phần – mức cao nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. “Nếu đạt được mức thị phần này thì VinFast cũng sẽ đạt điểm hòa vốn”, ông nói.
VinFast tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới như Indonesia, Philippines và Ấn Độ, nơi có gần 1,9 tỷ dân. Hai nhà máy tại đây dự kiến vận hành trong năm nay.
Năm 2024, VinFast bàn giao 97.400 ô tô và xe buýt điện, cùng 71.000 xe máy điện. Hãng hiện có hệ sinh thái với 150.000 cổng sạc, 269 showroom và 111 xưởng dịch vụ tại Việt Nam.
“VinFast không chỉ là một dự án kinh doanh mà còn là sứ mệnh cống hiến…”, ông Vượng khẳng định. “Tất cả cho VinFast, tất cả cho chiến thắng” là khẩu hiệu xuyên suốt được ông nhấn mạnh nhiều lần.
Vinpearl sắp tái xuất chứng trường
Vinpearl – đơn vị du lịch nghỉ dưỡng và giải trí thuộc Vingroup – tiếp tục duy trì vai trò dẫn đầu trong lĩnh vực khách sạn, sân golf và công viên giải trí tại Việt Nam. Năm 2025, công ty định hướng mở rộng ra các thị trường quốc tế như Ấn Độ, Trung Đông và Đông Nam Á, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào vận hành.
Tại Đại hội, lãnh đạo Vingroup cho biết Vinpearl đang hoàn tất thủ tục niêm yết và dự kiến sẽ niêm yết sàn HoSE trong tháng 5. Công ty có vốn điều lệ gần 17.933 tỷ đồng, tương ứng 1,8 tỷ cổ phiếu. Trước đó, Vinpearl từng niêm yết năm 2008, sau đó sáp nhập vào Vingroup cuối năm 2011.
Năm nay, Vinpearl đặt mục tiêu doanh thu 14.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.700 tỷ đồng. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục đa dạng hóa thị trường, khai thác thế mạnh MICE và phát triển du lịch đa thế hệ với chuỗi khách sạn, sân golf, công viên giải trí mới.
Tiến công mạnh mẽ vào mảng năng lượng xanh
Vingroup xác định sẽ tham gia mạnh vào lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng xanh, trong bối cảnh Việt Nam thiếu hụt nguồn điện.
Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng đưa ra ba lý do: Thứ nhất, nhiều ý kiến cho rằng điện năng lượng tại Việt Nam chưa thật sự “xanh”. Thứ hai, lo ngại tình trạng thiếu điện sẽ trầm trọng hơn khi xe điện phát triển. Thứ ba, Nhà nước đang kêu gọi doanh nghiệp nội tham gia các dự án quy mô lớn.
“Là một tập đoàn lớn, chúng tôi phải có trách nhiệm, và khi đã làm thì phải làm lớn”, ông Vượng nhấn mạnh.
![]() |
Cổ đông đặt câu hỏi tại ĐHCĐ thường niên Vingroup năm 2025 |
Về hạ tầng năng lượng, vị tỷ phú cho biết Vingroup sẽ chọn phương án huy động vốn có chi phí tối ưu, với cơ cấu dự kiến: 50% vốn EPC, 35% vay ngân hàng và 15% vốn tự có. Đây là bước đi chiến lược hướng đến đảm bảo nguồn cung ổn định và bền vững.
Trả lời cổ đông về nguồn vốn đầu tư cho khu đô thị Cần Giờ – có thể lên đến hơn 10 tỷ USD – Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết: “Báo cáo gửi cổ đông có nêu rõ các kế hoạch chi tiết, rất thách thức nhưng chúng tôi quyết tâm đạt và vượt… Biện pháp lớn nhất là cày ngày, cày đêm, nỗ lực sáng tạo, quyết liệt – đó là khác biệt của Vingroup”.
Về đầu tư, Vingroup sẽ bán buôn và bán trước cho các nhà đầu tư đầu tiên. “Chúng ta có rất nhiều đối tác từ Nhật Bản, Singapore, đặc biệt là trong nước… Quan điểm của tôi là an toàn là bạn. Cơ hội thì nhiều, nhưng phải tồn tại được để nắm bắt”.
Câu chuyện thoái vốn VinBrain, VinAI có trách nhiệm
Tại Đại hội, ông Phạm Nhật Vượng đã chia sẻ lý do thoái vốn khỏi VinBrain và VinAI.
“Lý do đầu tiên là khi chúng tôi bán cho Nvidia và Qualcomm đều có điều kiện kép là họ phải cam kết đầu tư và phát triển mạnh ở Việt Nam… mở trung tâm nghiên cứu và dùng người Việt”, ông Vượng nói.
VinBrain đã được chuyển nhượng cho Nvidia, còn VinAI (nay là Movian AI) được bán 65% cho Qualcomm. “Câu chuyện vài trăm triệu USD không phải điều Vingroup quan tâm… Chúng ta tạo ra để thúc đẩy phát triển”.
Vị tỷ phú cũng cho biết đã lập quỹ đầu tư mạo hiểm 150 triệu USD để rót vốn vào các startup công nghệ: “Quan trọng nhất là phải có tương lai… Vingroup có thể được hoặc không nhưng đất nước sẽ được… Càng có nhiều cơ hội thất bại, sau này càng có cơ hội thành công”.