Xanh SM vừa công bố ký kết hợp tác với chín đối tác chiến lược tại Indonesia, trong đó nổi bật là sự hợp tác toàn diện với CTCP Hàng không Vietjet (Mã VJC), hãng hàng không thế hệ mới với mạng bay phủ khắp châu Á – Thái Bình Dương. Đây được xem là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao trải nghiệm di chuyển, quảng bá du lịch và thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam, Indonesia và toàn khu vực.
Hợp tác chiến lược mang tính đột phá
Sự kết hợp giữa Vietjet và Xanh SM không chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ di chuyển hiện đại mà còn mang tính chiến lược, khi hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Với mạng bay rộng khắp của Vietjet kết hợp cùng các phương tiện di chuyển điện của Xanh SM, hành khách sẽ trải nghiệm hệ sinh thái dịch vụ liền mạch, từ di chuyển nội đô bằng ô tô và xe máy điện đến các hành trình quốc tế.
Theo khuôn khổ hợp tác, hành khách hạ cánh tại các sân bay sẽ được sử dụng phương tiện di chuyển điện do Xanh SM cung cấp. Giải pháp này không chỉ mang đến sự tiện lợi mà còn giảm đáng kể tác động môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển xanh toàn cầu.
Báo cáo thường niên năm 2023 của Vietjet cho thấy hãng đã thực hiện gần 133.000 chuyến bay, phục vụ 25,3 triệu lượt khách, tăng lần lượt 14% và 23% so với năm trước. Với hàng trăm đường bay kết nối các điểm đến trong nước và quốc tế, Vietjet đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.
Nguồn: BCTN 2023 của Vietjet Air |
Mở rộng hiện diện tại Indonesia
Indonesia, thị trường chiến lược của Vietjet và Xanh SM, được kỳ vọng hưởng lợi lớn từ sự hợp tác này. Đây là quốc gia Đông Nam Á có dân số hơn 270 triệu người (đông thứ 4 thế giới sau Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ) và tiềm năng phát triển xe điện lớn, khi Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu 20% lượng ô tô sản xuất là xe điện vào năm 2025.
Trước đó, Tập đoàn Vingroup – công ty mẹ của Xanh SM – đã tích cực mở rộng sự hiện diện tại Indonesia thông qua VinFast. Hãng đã giới thiệu nhiều mẫu xe điện như VF 8 và VF e34 tại các sự kiện lớn, đồng thời xây dựng hệ sinh thái xe điện gồm trạm sạc và dịch vụ hậu mãi. VinFast cũng đang xem xét đầu tư nhà máy sản xuất tại Indonesia để tận dụng lợi thế chi phí thấp và nguồn cung nickel dồi dào.
Hợp tác giữa Vietjet và Xanh SM góp phần hiện thực hóa cam kết phát triển bền vững. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), ngành hàng không hiện chiếm khoảng 2% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Việc ứng dụng các phương tiện di chuyển bằng điện sẽ giúp giảm đáng kể khí thải, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của Vietjet và Xanh SM trong xu hướng phát triển xanh.
Trước đó ngày 18/10, Xanh SM kết hợp cùng Vietjet triển khai tính năng đặt thêm dịch vụ taxi đón sân bay Xanh SM x VJA kèm theo vé máy bay. Với sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và mạng lưới dịch vụ rộng khắp, Vietjet và Xanh SM được kỳ vọng sẽ dẫn dắt xu hướng di chuyển xanh, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.