Tại Hội nghị Nhà đầu tư thường niên của VinaCapital, ông Michael Kokalari, CFA Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% trong cả năm 2024 và 2025.
Tiêu dùng chiếm hơn 60% nền kinh tế Việt Nam (so với khoảng 25% cho sản xuất), nên tiêu dùng mạnh mẽ hơn sẽ dễ dàng bù đắp cho sự tăng trưởng xuất khẩu/sản xuất chậm hơn mức dự báo vào năm tới. Chính phủ cho biết sẽ tăng cường đầu tư đáng kể cho cơ sở hạ tầng vào năm 2025, và kỳ vọng rằng việc này cũng sẽ làm người tiêu dùng cảm thấy tự tin hơn để tăng chi tiêu.
Chuyên gia Vinacapital kỳ vọng Chính phủ sẽ thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng và thực hiện các bước quan trọng để hồi phục thị trường bất động sản vào năm 2025. Việc tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, chiếm khoảng 5-6% GDP, không đủ để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hoặc củng cố niềm tin tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc kết hợp với tiến độ nhanh hơn của các dự án hạ tầng như sân bay mới của TP.HCM và đường vành đai mới tại Hà Nội có thể khiến người tiêu dùng cảm thấy tự tin hơn trong chi tiêu nhờ “hiệu ứng tài sản” liên quan đến bất động sản mà phần lớn người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu ở Việt Nam sở hữu.
Tăng trưởng EPS doanh nghiệm niêm yết sẽ đạt 23% vào năm 2025
Sự chuyển dịch tăng trưởng GDP của Việt Nam từ việc được thúc đẩy bởi các yếu tố bên ngoài trong năm 2024 sang các yếu tố nội tại vào năm 2025 sẽ có lợi cho thị trường chứng khoán, vì phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam được sản xuất bởi các công ty FDI không được niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước.
Vì điều này cùng với nhiều lý do khác, VinaCapital dự báo tăng trưởng EPS của VN-Index (VNI) sẽ tăng từ 18% trong năm 2024 lên 23% vào năm 2025.
Bên cạnh đó, chất lượng lợi nhuận tại Việt Nam rất cao, thể hiện qua tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của toàn thị trường dự kiến khoảng 16% vào năm tới, mặc dù tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ khoảng 24%.
Cả hai chỉ số này đều ở mức khả quan so với các thị trường chứng khoán mới nổi trong khu vực (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines). ROE của các thị trường này dao động từ khoảng 10-14% (trong khu vực Châu Á, chỉ có Ấn Độ có mức ROE tương đương với Việt Nam), trong khi tỷ lệ D/E ròng của các thị trường này dao động từ 50-100%.
Hơn nữa, mức định giá P/E dự phóng khoảng 10x của Việt Nam thấp hơn khoảng 25% so với các thị trường cùng khu vực và Vinacapital kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận CAGR 17% trong giai đoạn 2023-2025 so với mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 3-13% của bốn quốc gia cùng khu vực.
“Định giá P/E 10.1x của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng rất thấp so với mức lịch sử. Thị trường chỉ giao dịch ở mức định giá thấp như thế này một lần trong 10 năm qua, vào thời kỳ COVID”, báo cáo Vinacapital nêu rõ.
Chất xúc tác giúp thị trường thu hút dòng vốn ngoại thời gian tới
Mặc dù có nhiều yếu tố tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam như đã đề cập ở trên, song các nhà đầu tư nước ngoài đã bán tới 2,6 tỷ USD cổ phiếu Việt Nam vào cuối tháng 9, một phần do lo ngại về sự kiện chuyển giao chính trị của Việt Nam và tỷ giá đồng VND.
Vấn đề trên cơ bản đã được giải quyết và việc cắt giảm lãi suất của Fed có thể tạo áp lực lên giá trị của đồng USD, điều này thường có lợi cho các thị trường mới nổi.
Ngoài ra, gần đây có một số tiến triển trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi bởi FTSE, nhờ các biện pháp mới của Chính phủ giúp hệ thống tài chính hoạt động gần hơn với các chuẩn mực quốc tế.
Theo chuyên gia Vinacapital, tất cả các yếu tố này có khả năng là chất xúc tác thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại thị trường chứng khoán vào năm tới.