spot_img
25 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánVinalines (VIMC) gặt quả ngọt sau 10 năm tái cấu trúc: Lãi...

Vinalines (VIMC) gặt quả ngọt sau 10 năm tái cấu trúc: Lãi gần 11.400 tỷ, hết lỗ lũy kế

Việc tạo ra 11.400 tỷ đồng lợi nhuận sau gần 9 năm đã giúp ông lớn ngành hàng hải VIMC (tên cũ Vinalines) chính thức hết lỗ lũy kế.

Tổng CTCP Hàng hải Việt Nam – VIMC, tên cũ là Vinalines (Mã MVN – UPCoM), ông lớn ngành hàng hải đang có 34 doanh nghiệp thành viên, tiếp tục ghi nhận những kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý III và 9 tháng năm 2024.

Cụ thể, trong quý III, VIMC ghi nhận doanh thu gần 4.100 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận khác tăng gần 85 lần lên mức 437 tỷ, góp phần đẩy lợi nhuận sau thuế tăng 63% lên 603 tỷ. Lũy kế 9 tháng, công ty đạt lợi nhuận sau thuế 2.243 tỷ đồng, cao hơn 1.000 tỷ so với cùng kỳ năm 2023.

Bốn năm trước, Vinalines từng có bước chuyển mình quan trọng khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, ngày 18/8/2020. Quyết định cổ phần hóa công ty mẹ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2018, kết thúc quá trình nhiều năm nỗ lực của Vinalines, nay là VIMC.

Việc đổi tên thành VIMC cũng mang ý nghĩa đặc biệt. Tên “Vinalines” từng gắn liền với nhiều sự kiện kém may mắn, do đó lãnh đạo Tổng Công ty đã chọn thay đổi nhận diện thương hiệu với hy vọng cải thiện hình ảnh và mở ra giai đoạn phát triển mới.

Kết quả kinh doanh sau cổ phần hóa của VIMC đã có nhiều khởi sắc. Năm 2021, công ty đạt lợi nhuận sau thuế gần 3.200 tỷ đồng, biên lãi ròng cải thiện từ 2,1% (năm 2020) lên 24%. Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột và lạm phát toàn cầu, lợi nhuận giai đoạn 2022-2023 của VIMC giảm xuống còn 2.541 tỷ và 1.702 tỷ đồng.

Vinalines (VIMC) gặt quả ngọt sau 10 năm tái cấu trúc: Lãi gần 11.400 tỷ, hết lỗ lũy kế
Tình hình kinh doanh của VIMC những năm gần đây

Nhờ tạo ra gần 11.400 tỷ đồng lãi sau thuế kể từ năm 2016 tới nay, VIMC đã hết xóa hết lỗ lũy kế vào quý I/2024, lợi nhuận chưa phân phối lần đầu chuyển dương sau một thập kỷ (mức 60 tỷ đồng).

Trên bảng cân đối kế toán, thời điểm cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của VIMC tăng lên xấp xỉ 30.000 tỷ đồng, trong đó lượng tiền mặt, tương đương tiền và tiền gửi tiếp tục dồi dào với gần 9.700 tỷ. Nợ vay tài chính chỉ ở mức 3.260 tỷ đồng, chiếm 11% nguồn vốn. Lợi nhuận thặng dư tăng lên gần mức 590 tỷ. Đây là tiền đề để VIMC triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ theo kế hoạch của ĐHCĐ năm 2024. Theo đó, công ty sẽ ưu tiên phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và các đối tác chiến lược, đồng thời giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống 65%.

Song song với các hoạt động chính, VIMC cũng đang thực hiện tái cơ cấu bằng cách thoái vốn tại 9 doanh nghiệp trong năm 2024 nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MVN tăng trần trong phiên 8/11, đạt 38.100 đồng/cổ phiếu. Khối lượng khớp lệnh gấp 9 lần trung bình 20 phiên, đạt gần 60.000 đơn vị. Đây là phiên tăng thứ ba liên tiếp của MVN (+31%), qua đó thiết lập đỉnh cao nhất trong 2 tháng.

Hồi cuối tháng 6/2024, MVN từng trải qua chuỗi tăng giá mạnh mẽ với mức tăng 300%, chạm mốc 82.000 đồng trước khi chịu áp lực chốt lời và giảm hơn 50% từ đỉnh. Thời điểm đó, VIMC áp sát Top 20 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường với khoảng 75.000-80.000 tỷ đồng, tương đương nhiều tên tuổi lớn như BSR, HVN hay SAB.

Tổng CTCP Hàng hải Việt Nam hiện có 34 doanh nghiệp thành viên, trong đó sở hữu cổ phần của 16 doanh nghiệp cảng biển, quản lý khai thác hơn 13.000m cầu bến (chiếm tỷ trọng 30% tổng chiều dài cầu bến quốc gia). Một số cảng trọng điểm của cả nước có thể kể đến như cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng và cảng Quy Nhơn.

Được biết, đội tàu của VIMC hiện đang chiếm tới 25% tổng dung tích đội tàu trong cả nước, trong đó có những loại tàu hàng rời cỡ lớn đến 73.000 DWT, hàng năm chuyên chở 60% hàng hóa xuất và nhập khẩu vào Việt Nam.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật