Ảnh minh họa |
Chứng khoán ACB cập nhật nội dung thảo luận Hội thảo nhà đầu tư Vingroup 2024. Đối với VinFast, doanh nghiệp dự kiến đạt điểm hòa vốn gộp vào năm 2024 và điểm hòa vốn EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) vào năm 2026.
Trước đó, trong tháng 11/2024, VinFast đã công bố kết quả tài chính chưa kiểm toán quý III/2024 với kết quả kinh doanh khả quan. Cụ thể, công ty đã bàn giao tổng cộng 21.912 xe điện, tăng 66% so với quý II/2024 và tăng 115% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng doanh thu đạt 12.326 tỷ đồng, đánh dấu mức tăng 42,2% so với quý II/2024 và 49,3% so với cùng kỳ năm 2023. Công ty ghi nhận lỗ gộp 2.957 tỷ đồng trong kỳ, giảm 45,6% so với quý II/2024. Biên lợi nhuận gộp cải thiện còn âm 24%, từ mức âm 62,7% trong quý trước và âm 27% cùng kỳ năm 2023. Lỗ ròng ở mức 13.251 tỷ đồng, giảm đáng kể 29,4% so với quý II/2024 và giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 10 tháng của năm 2024, VinFast đã bàn giao 51.000 xe điện, hoàn thành 63% kế hoạch năm là 80.000 xe điện. VinFast kỳ vọng sẽ về đích, chủ yếu nhờ vào việc bàn giao các mẫu xe VF 3 và VF 5.
Đối với việc xây dựng nhà máy, mới đây, Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư cho dự án xây dựng Nhà máy sản xuất ô tô điện của Vingroup (công ty mẹ của VinFast). Dự án được triển khai trên diện tích hơn 36ha thuộc đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp trung tâm Khu kinh tế Vũng Áng, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Với tổng mức đầu tư 7.300 tỷ đồng, nhà máy được thiết kế với công suất 400.000 xe/năm và dự kiến hoàn thành xây dựng cơ bản, đưa vào vận hành từ tháng 6/2026.
Đối với các nhà máy CKD tại Indonesia và Ấn Độ, với vốn đầu tư giai đoạn 1 từ 150 – 200 triệu USD mỗi nhà máy, công suất 50.000 xe điện/năm, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2025. Lợi thế về chi phí lắp ráp xe điện tại các quốc gia này chủ yếu đến từ ưu đãi thuế.