spot_img
21 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánVingroup (VIC) đề xuất tự chi tiền nghiên cứu tàu điện ngầm...

Vingroup (VIC) đề xuất tự chi tiền nghiên cứu tàu điện ngầm nối TP. HCM với siêu đô thị lấn biển 8,5 tỷ USD, Chủ tịch TP. HCM nói gì?

Vingroup (VIC) muốn tự bỏ chi phí để nghiên cứu tuyến metro nối trung tâm TP. HCM với huyện Cần Giờ theo định hướng chỉ đạo của Thủ tướng.

Sau ý kiến của Thủ tướng tại hội nghị công bố quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra ngày 4/1, TP. HCM đã làm việc với Tập đoàn Vingroup (VIC) về đề xuất xây tuyến tàu điện nối trung tâm thành phố với Cần Giờ. Phía nhà đầu tư mong muốn tự chi tiền nghiên cứu làm tuyến metro này. Theo Vingroup, tuyến metro mới sẽ đảm bảo sự kết nối giữa Cần Giờ với khu vực trung tâm, đưa huyện đảo trở thành trung tâm phát triển mới của TP. HCM. Mặt khác, việc kết hợp giữa đầu tư tuyến đường sắt đô thị với việc đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ sẽ đảm bảo sự đồng bộ giữa các hệ thống kỹ thuật.

Vingroup (VIC) đề xuất tự chi tiền nghiên cứu tàu điện ngầm nối TP. HCM với siêu đô thị lấn biển 8,5 tỷ USD, Chủ tịch TP. HCM nói gì?
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. HCM (Ảnh: Hữu Khoa – Báo Dân trí)

Theo Báo Dân trí, trong cuộc gặp gỡ báo chí dịp Tết Ất Tỵ, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố sẽ huy động nguồn lực xã hội cho các dự án lớn, đặc biệt là trong bối cảnh cần ít nhất 4,4 triệu tỷ đồng để đầu tư các dự án từ nay đến năm 2030, nhằm đạt mức tăng trưởng kinh tế 2 con số.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, sau hội nghị công bố quy hoạch, TP. HCM đã làm việc với Vingroup và thống nhất nhiều nội dung quan trọng về định hướng xây dựng tuyến metro nối khu trung tâm với huyện Cần Giờ. Trong đó, nhà đầu tư sẽ chi kinh phí cho khâu nghiên cứu, các cơ quan của thành phố sẽ phối hợp, hỗ trợ trong suốt quá trình, cập nhật dự án vào các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu để tạo điều kiện thuận lợi nhất.

“Không chỉ Vingroup đối với dự án này mà thành phố cũng phối hợp cùng các nhà đầu tư khác ở nhiều dự án. Sau khi công bố quy hoạch, hoàn thiện các quy hoạch khác, chúng tôi rất khuyến khích các nhà đầu tư đề xuất tham gia các dự án lớn”, Chủ tịch UBND TP. HCM nói.

Vingroup (VIC) đề xuất tự chi tiền nghiên cứu tàu điện ngầm nối TP. HCM với siêu đô thị lấn biển 8,5 tỷ USD, Chủ tịch TP. HCM nói gì?
Phối cảnh dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Ảnh: Portcoast)

Cách thức thực hiện đối với các dự án được nhà đầu tư đề xuất là TP. HCM đồng hành, hỗ trợ tích cực, cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục để các đơn vị có thể triển khai nhanh nhất. Lãnh đạo TP. HCM cho rằng, với cách làm này, địa phương sẽ có nguồn lực lớn đổ vào dự án, tạo ra những đóng góp ấn tượng để đạt chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Để huy động nguồn lực ngoài ngân sách, TP. HCM cũng tính toán các phương án, cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển. Trong đó, địa phương cũng xem xét việc phát hành trái phiếu, tạo thêm chính sách mới để thu hút nguồn lực kiều hối.

“Vừa rồi, HFIC (Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP. HCM) đã có cơ chế phối hợp với một ngân hàng để cho dự án vay. HFIC bỏ ra 2 đồng ngân sách, phía ngân hàng bỏ 8 đồng còn lại. Những cơ chế thu hút nguồn vốn như vậy sẽ được phát huy thời gian tới”, ông Phan Văn Mãi chia sẻ.

Chia sẻ thêm về các dự án lớn tại huyện Cần Giờ, ông Phan Văn Mãi cho biết, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ mang tính chiến lược, đóng góp cho sự phát triển không chỉ của TP. HCM mà cả khu vực và cả nước. Sau khi đi vào hoạt động, cảng Cần Giờ sẽ cùng cảng Cái Mép hình thành cụm cảng trung chuyển quốc tế, khẳng định vị trí Việt Nam trên bản đồ cảng biển toàn cầu.

Được biết, huyện Cần Giờ là nơi triển khai siêu dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, do CTCP Đô thị Du lịch Cần Giờ – công ty con của Tập đoàn Vingroup – làm chủ đầu tư. Dự án được quy hoạch tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh với quy mô dân số tối đa hơn 228.000 người. Khu đô thị có tổng diện tích 2.870ha (tương đương 28,7km2) và tổng vốn đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng (khoảng 8,56 tỷ USD). Theo quy hoạch được phê duyệt, dự án được chia thành 4 phân khu chức năng gồm khu A, B, C và D-E, tích hợp nhiều tiện ích hiện đại như quảng trường, sân golf, resort, sân vận động, cùng tòa tháp biểu tượng cao 108 tầng.

Chủ tịch TP. HCM cũng thông tin rằng thành phố đang làm việc với Bộ Giao thông Vận tải để chuẩn bị hồ sơ cho đề án phát triển đường sắt đô thị, dự kiến trình Quốc hội vào giữa năm nay. Các tuyến metro sẽ được triển khai theo nhóm thay vì theo từng tuyến riêng lẻ, với mục tiêu hoàn thành 335km metro trong 10 năm tới.

Đối với tuyến metro số 1, Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết việc vận hành sẽ được hoàn thiện trong thời gian tới, đảm bảo an toàn cao nhất. Thành phố cũng tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan đến thanh toán cho nhà thầu và các yêu cầu từ các bên liên quan.

Theo kế hoạch phát triển hệ thống đường sắt đô thị, TP. HCM sẽ bổ sung thêm 2 tuyến đường sắt mới và hoàn thành 355km metro vào năm 2035, thay vì 183km như kế hoạch trước đó. Mục tiêu dài hạn là hoàn thành toàn bộ 510km hệ thống metro vào năm 2045.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật