CTCP Vinpearl vừa công bố Nghị quyết HĐQT thông qua hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu với kế hoạch dự kiến thu về hơn 5.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch đưa ra cuối tháng 11, Vinpearl sẽ chào bán hơn 70 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 1.000:40.673 cho cổ đông hiện hữu với giá 71.350 đồng/cp. Nếu thực hiện thương vụ thành công, vốn điều lệ của Vinpearl sẽ tăng lên 17.933 tỷ đồng.
Với phương án như trên, dự kiến Vinpearl sẽ thu về hơn 5.000 tỷ đồng từ đợt chào bán, chủ yếu để nhận chuyển nhượng cổ phần của một số đơn vị từ Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) và trả nợ, lãi vay.
Cụ thể, số tiền này được dùng để góp vốn vào CTCP Vinwonders Nha Trang để đầu tư vào dự án công viên văn hóa Vinwonders Nha Trang (990 tỷ đồng); nhận chuyển nhượng 99,992% vốn của CTCP Vinpearl Cửa Hội (chủ đầu tư dự án khu vui chơi giải trí Cửa Hội) từ Vingroup (1.855 tỷ đồng); thanh toán nợ vay và chi phí liên quan đến khoản vay (1.658 tỷ đồng); nhận chuyển nhượng tầng 1 và từ tầng 5 đến tầng 9 hạng mục trung tâm thương mại – khách sạn của dự án khu trung tâm thương mại khách sạn và nhà ở thương mại shophouse Hà Giang (khách sạn Sheraton Hà Giang) từ Vingroup (495 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động (2,8 tỷ đồng).
Vinwonders Nha Trang (Nguồn: Vinpearl) |
Theo kế hoạch ban đầu, phương án tăng vốn được thực hiện vào quý IV/2024 hoặc quý I/2025, ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận. Kế hoạch tăng vốn được Vinpearl đưa ra trước thời điểm công ty sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Thông tin về thương vụ niêm yết tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực khách sạn nghỉ dưỡng này đã được xác nhận trước đó tại Đại hội cổ đông và một số sự kiện gặp mặt nhà đầu tư của Vingroup.
Trước đó, ngày 15/11, UBCKNN đã có công văn xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng của Vinpearl. Công ty có trụ sở tại Đảo Hòn Tre, phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, và được thành lập từ tháng 7/2006, với lần cấp đăng ký thay đổi gần nhất vào ngày 15/3. Cổ đông lớn duy nhất của Vinpearl là Vingroup với tỷ lệ sở hữu 85,51%. Với mức nắm giữ này, dự kiến VIC sẽ chi ra gần 4.300 tỷ đồng cho đợt phát hành vừa nêu trên của Vinpearl trong kịch bản quyền mua không bị chuyển nhượng cho bên khác.
Theo thông tin từ website, Vinpearl là thương hiệu dịch vụ du lịch – nghỉ dưỡng – giải trí lớn nhất Việt Nam. Với 21 năm không ngừng phát triển, công ty hiện sở hữu, vận hành và quản lý 30 cơ sở khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại 17 tỉnh, thành trên toàn quốc. Công suất phòng đạt hơn 15.900 phòng khách sạn và biệt thự, cùng 3 công viên chủ đề, 2 khu vui chơi giải trí, 2 công viên bảo tồn và chăm sóc động vật bán hoang dã, 4 sân golf. Vinpearl dự kiến tiếp tục mở rộng quy mô trong nước và quốc tế trong thời gian tới. Trước khi trở thành công ty đại chúng, cuối tháng 11/2023, Tập đoàn Vingroup đã tách CTCP Vinpearl và thành lập một công ty con mới trên cơ sở tách doanh nghiệp. Công ty mới mang tên CTCP Thương mại và Kinh doanh Ngọc Việt, với vốn điều lệ dự kiến 20.420 tỷ đồng, do Vingroup nắm giữ trên 99,96% cổ phần. Sau đó, công ty này được sáp nhập vào CTCP Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart vào ngày 22/4/2024 nhằm phục vụ mục đích tái cấu trúc nội bộ, tinh gọn hệ thống doanh nghiệp.
Hiện tại, hệ sinh thái Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có 4 công ty niêm yết tại Việt Nam, gồm: Tập đoàn Vingroup (VIC) với vốn hóa 155.050 tỷ đồng; CTCP Vinhomes (VHM), 175.263 tỷ đồng; CTCP Vincom Retail (VRE), 41.356 tỷ đồng; và CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEF), 30.621 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty con VinFast (VFS) niêm yết trên sàn Nasdaq, Mỹ, đạt vốn hóa 9,38 tỷ USD (tương đương 238.158 tỷ đồng) tính đến ngày 15/11/2024.