spot_img
22 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánVinpearl (VPL) trở lại sàn, đẩy mạnh sân chơi dư địa tỷ...

Vinpearl (VPL) trở lại sàn, đẩy mạnh sân chơi dư địa tỷ USD

Chỉ sau chưa đầy hai tuần trở lại sàn HoSE, Vinpearl đã bứt tốc với mức tăng vốn hóa gần 34.000 tỷ đồng, rút ngắn khoảng cách với Hòa Phát xuống còn 2.000 tỷ.
Vinpearl (VPL) trở lại sàn, đẩy mạnh sân chơi dư địa tỷ USD
Vinpearl là một trong những nhà phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam

Sáng 13/5, gần 1,79 tỷ cổ phiếu VPL của CTCP Vinpearl chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE), đánh dấu sự trở lại sàn chứng khoán sau nhiều năm hoạt động dưới sở hữu của Tập đoàn Vingroup. Đây là trường hợp tái niêm yết hiếm hoi trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trước đó chỉ có cổ phiếu BBT của Bông Bạch Tuyết thực hiện điều tương tự.

Với giá tham chiếu 71.300 đồng/cp, Vinpearl được định giá gần 128.000 tỷ đồng, xếp thứ 12 về vốn hóa trên HoSE. Sau 9 phiên giao dịch, cổ phiếu VPL đã tăng hơn 26%, đóng cửa phiên 23/5 tại 90.300 đồng/cp. Có thời điểm mã này đạt đỉnh 104.500 đồng, nâng vốn hóa Vinpearl lên xấp xỉ 162.000 tỷ đồng (tương đương 6,3 tỷ USD), lọt vào nhóm 11 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, ngay sau Hòa Phát.

Vinpearl hiện là doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Công ty đang vận hành 48 cơ sở tại 18 tỉnh thành, bao gồm 31 khách sạn và khu nghỉ dưỡng với hơn 16.100 phòng, cùng chuỗi sản phẩm giải trí như công viên chủ đề, sân golf, công viên nước, học viện cưỡi ngựa và công viên bán hoang dã. Từ năm 2022, Vinpearl đã hợp tác với Melia và Marriott để quốc tế hóa hoạt động vận hành tại 23 cơ sở.

Bên cạnh hệ thống lưu trú, mảng công viên giải trí đang nổi lên như trụ cột tăng trưởng độc lập. Theo SSI Research, biên EBITDA của mảng này đạt 60–70%, vượt xa mức trung bình 35% của các đối thủ khu vực như Oriental Land (Tokyo Disneyland), giúp rút ngắn thời gian hoàn vốn xuống chỉ 1–2 năm.

Thị trường công viên giải trí Việt Nam được dự báo tăng trưởng hơn 60% trong giai đoạn 2023–2028, từ quy mô 1,6 tỷ USD lên 2,5 tỷ USD. Năm 2024, các công viên của Vinpearl đón gần 7 triệu lượt khách. VinWonders chiếm 35% thị phần tại các thành phố du lịch trọng điểm, trong khi mảng sân golf cũng giữ khoảng 31% thị phần tại các địa phương như Hải Phòng, Đà Nẵng – Hội An, Nha Trang và Phú Quốc.

Điểm khác biệt của Vinpearl là khả năng triển khai mô hình “one stop destination” – tích hợp khách sạn, giải trí, hội nghị, sân golf. Nhờ đó, doanh nghiệp không chỉ tối ưu tài sản mà còn giữ chân khách, gia tăng chi tiêu trên mỗi lượt lưu trú. Đặc biệt, công viên giải trí còn hút lượng lớn khách vãng lai – nhóm không sử dụng dịch vụ lưu trú nhưng tạo nguồn thu đáng kể, giúp giảm sự phụ thuộc vào tệp khách sạn truyền thống.

Trong quý I/2025, Vinpearl ghi nhận doanh thu 2.435 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ nhờ công suất phòng trung bình đạt 72%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 90 tỷ đồng, do áp lực chi phí khấu hao và lãi vay cao – đặc trưng của ngành nghỉ dưỡng cần vốn đầu tư lớn.

Năm 2025, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu đạt 14.150 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.750 tỷ đồng – giảm nhẹ so với năm trước do kế hoạch đầu tư mở rộng. Trong đó, hai dự án chủ lực đóng góp lợi nhuận là VinWonders Phú Quốc (phân khu Hy Lạp) và Vinpearl Phú Quý, đã hoàn tất pháp lý và đưa vào khai thác.

Tính đến cuối quý I/2025, tổng tài sản của Vinpearl đạt hơn 78.000 tỷ đồng, trong đó tài sản cố định chiếm khoảng 35.400 tỷ. Vốn chủ sở hữu đạt 35.586 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối xấp xỉ 3.161 tỷ đồng. Dư nợ tài chính trên 12.000 tỷ đồng, phần lớn là nợ dài hạn.

Sự trở lại của Vinpearl trên sàn chứng khoán không chỉ mở rộng quy mô tiếp cận vốn, mà còn khẳng định vị thế của một doanh nghiệp nghỉ dưỡng – giải trí tích hợp hàng đầu tại thị trường nội địa, trong bối cảnh nhu cầu du lịch – trải nghiệm ngày càng tăng cao sau đại dịch.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật