Trong bối cảnh nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông hiện đại ngày càng cấp thiết, đề xuất của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed về việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ người dân.
Cùng với đó, Văn phòng Chính phủ ngày hôm nay 15/5 đã ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về đề xuất đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam của Công ty VinSpeed.

VinSpeed xác định đường sắt cao tốc Bắc – Nam là dự án trọng điểm dài hạn
Chính phủ giao các Bộ đánh giá, báo cáo trước 22/5
Tại cuộc họp ngày 12/5 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, các bộ ngành đều bày tỏ sự ủng hộ ban đầu với đề xuất của VinSpeed. Trong bối cảnh Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh vai trò then chốt của kinh tế tư nhân, việc để doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực “xương sống” như giao thông đường sắt tốc độ cao là bước đi chiến lược nhằm chia sẻ gánh nặng đầu tư công và tăng hiệu quả khai thác.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ công sang tư, cũng như đề xuất những cơ chế đặc thù – chẳng hạn như vay không lãi suất trong 35 năm, thời hạn hoạt động dự án kéo dài 99 năm – cần được thẩm định kỹ và trình Quốc hội phê duyệt.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành khẩn trương hoàn tất báo cáo, đánh giá các đề xuất trước ngày 22/5. Bộ Xây dựng đóng vai trò chủ chốt tổng hợp toàn bộ ý kiến, trước khi trình lên cấp có thẩm quyền tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan khẩn trương có ý kiến, đề xuất các nội dung theo chức năng nhiệm vụ, gửi văn bản đến Bộ Xây dựng trước ngày 19/5 để Bộ này tổng hợp, báo cáo trước ngày 22/5
Đồng thời, Công ty VinSpeed cũng phải chủ động hoàn thiện hồ sơ, đưa ra bản phân tích so sánh rõ ràng giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân, nhằm chứng minh tính khả thi, hiệu quả vượt trội nếu được giao dự án.
Các nội dung như khả năng vay vốn ưu đãi, ưu đãi đầu tư, cũng như việc không tính tổng dư nợ của dự án vào dư nợ của tập đoàn mẹ – Vingroup – là điểm mấu chốt để các cơ quan như Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phải đánh giá thận trọng.
Một điểm đáng chú ý khác trong chỉ đạo của Phó Thủ tướng là yêu cầu VinSpeed xây dựng lộ trình phát triển công nghiệp đường sắt trong nước. Nếu dự án được phê duyệt, doanh nghiệp không chỉ đầu tư một tuyến đường sắt, mà còn phải đóng vai trò dẫn dắt chuỗi cung ứng công nghiệp liên quan – từ sản xuất toa tàu, linh kiện, đến đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao.
VinSpeed xác định đường sắt cao tốc Bắc – Nam là dự án dài hạn
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed vài ngày trước đã chính thức nộp hồ sơ đề xuất đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử tham gia của khu vực tư nhân vào các công trình hạ tầng chiến lược quốc gia.
Dự án có vốn đầu tư khoảng 1.562 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 61,35 tỷ USD), không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng.

Phó Thủ tướng yêu cầu Công ty VinSpeed thực hiện đúng cam kết về các nội dung đề xuất
Trong phương án tài chính, VinSpeed cam kết tự thu xếp 20% tổng vốn, tương đương khoảng 312,33 nghìn tỷ đồng (12,27 tỷ USD). Phần vốn còn lại, tương đương 80%, doanh nghiệp kiến nghị được Nhà nước cho vay không lãi suất trong thời hạn 35 năm kể từ ngày giải ngân.
Theo VinSpeed, đề xuất này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng lên ngân sách nhà nước – một giải pháp đáng cân nhắc trong bối cảnh nhiều dự án đường sắt cao tốc trên thế giới thường khó hoàn vốn và kéo dài tình trạng bù lỗ sau khi đi vào vận hành.
VinSpeed đặt mục tiêu khởi công dự án trước tháng 12/2025 và đưa toàn tuyến vào hoạt động trước tháng 12/2030. Hiện tại, doanh nghiệp đang tiến hành đàm phán với các đối tác đến từ những quốc gia có nền công nghiệp đường sắt phát triển như Nhật Bản, Đức và Trung Quốc để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đồng thời triển khai sản xuất đầu máy, toa xe, hệ thống tín hiệu và điều khiển tại Việt Nam.

VinSpeed cần nghiên cứu, có kế hoạch để xây dựng hệ thống công nghiệp đường sắt, đóng vai trò dẫn dắt để chuỗi công nghiệp đường sắt phát triển
Đồng thời, công ty cũng sẽ sớm triển khai đào tạo đội ngũ kỹ thuật nhằm làm chủ công nghệ, hướng đến xây dựng nền công nghiệp đường sắt quốc gia.
Để đảm bảo khả năng tạo nguồn thu phục vụ trả nợ cho Nhà nước, VinSpeed có kế hoạch phối hợp với Vingroup và Vinhomes để phát triển hệ thống đô thị thông minh, tích hợp đầy đủ tiện ích, tại các khu vực lân cận nhà ga theo mô hình phát triển định hướng giao thông (TOD – Transit Oriented Development).
Bà Đào Thụy Vân – Phó Tổng giám đốc VinSpeed – chia sẻ: Đây là khoảnh khắc đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Chúng tôi thực sự cảm nhận được sự đồng hành, kỳ vọng và tín nhiệm từ phía Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Dù còn nhiều thử thách, chúng tôi vẫn quyết tâm dấn thân, chủ động đề xuất dự án này. Chúng tôi cam kết hành động quyết liệt, đổi mới, tận dụng tối đa năng lực để hiện thực hóa dự án. Với kinh nghiệm điều hành và khả năng thích ứng nhanh, chúng tôi tin tưởng sẽ tạo được dòng tiền đủ để cân đối chi phí, đồng thời hoàn trả các khoản vay đúng thời hạn. Theo VinSpeed, đây sẽ là một công trình cống hiến xuyên suốt nhiều thế hệ.
Được biết, VinSpeed có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng và là một thành viên mới trong hệ sinh thái doanh nghiệp do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập. Việc đăng ký đầu tư dự án có quy mô “khủng” này một lần nữa khẳng định vai trò ngày càng rõ nét của khu vực tư nhân trong quá trình phát triển hạ tầng trọng điểm của đất nước.
Trước đó, Quốc hội đã thông qua dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam theo hình thức đầu tư công, với tổng mức đầu tư hơn 1,713 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 67,3 tỷ USD). Quốc hội quyết nghị, lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2035.