spot_img
11 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánVN-Index chốt năm tăng hơn 12%

VN-Index chốt năm tăng hơn 12%

Chứng khoán kết phiên cuối năm giảm về gần 1.267 điểm, nhưng tính chung cả năm tích lũy 12,1% sau nhiều biến động.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2024, VN-Index đi dưới tham chiếu gần như cả ngày. Buổi sáng, chỉ số này không rơi quá sâu khi thanh khoản thấp. Chứng khoán tiếp tục thiếu điểm nhấn, trừ pha điều chỉnh của HDB sau phiên tăng mạnh hôm qua và mã YEG trở lại giá sàn.

Tuy nhiên trước giờ nghỉ trưa, lực bán bắt đầu dâng lên ở các mã bluechip, đưa chỉ số này về vùng điểm thấp hơn. Sang buổi chiều, thị trường gần như đi ngang quanh vùng này trước khi điều chỉnh thêm trong phiên ATC.

VN-Index đóng cửa ở mức hơn 1.266,78 điểm, giảm khoảng 5 điểm so với hôm qua. So với cuối năm ngoái, chứng khoán hiện tăng gần 137 điểm, tương đương 12,1%. Trong năm nay, VN-Index từng đạt đỉnh hơn 1.301 điểm vào giữa tháng 6, từ mức đáy gần 1.132 điểm hồi đầu năm.

Thanh khoản hôm nay không quá chênh lệch so với phiên trước, đạt hơn 11.560 tỷ đồng. Nhà đầu tư chọn đứng ngoài thị trường để tránh rủi ro trong ngày cuối năm.

Ở sàn Hà Nội, HNX-Index giảm phiên cuối năm và chốt trên 227 điểm. Trong năm nay, chỉ số này lùi gần 4 điểm. Riêng chỉ số sàn UPCoM đóng cửa tăng nhẹ lên trên 95 điểm.

Với mức tăng hơn 12%, đây là năm thị trường chứng khoán có hiệu suất (mức tăng về điểm số theo %) thấp nhất kể từ 2020, nhưng không quá xê xích so với năm ngoái. Trước đó trong năm 2020, VN-Index tích lũy gần 15% với đà phục hồi tốt trong nửa cuối năm. Sang năm 2021, chỉ số này tăng mạnh đến gần 36% với diễn biến tích cực cùng xu hướng tăng giá (uptrend) kéo dài. Tuy khởi động khá thuận lợi, chứng khoán chốt năm 2022 rất ảm đạm với mức giảm gần 33%.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBank (VPBankS), cho rằng 2024 là một năm thành công với diễn biến chung của chỉ số VN-Index. So với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực, chứng khoán Việt Nam vẫn nằm trong nhóm tăng trưởng cao, dù không quá xuất sắc như thị trường Mỹ hay Nhật Bản nhưng cao hơn nhiều quốc gia châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Indonesia hay Hàn Quốc.

“Từ diễn biến trên có thể thấy Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư tương đối hấp dẫn so với mặt bằng chung trong khu vực”, chuyên gia nhận định.

  • Nhà đầu tư đang theo dõi bảng điện tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Nhìn chung những biến động chứng khoán nằm trong dự báo của nhiều đơn vị quan sát thị trường. Tuy nhiên diễn biến của khối ngoại lại khá lệch pha, có thể xem là yếu tố gây bất ngờ trong năm nay cho giới đầu tư. Trong phiên giao dịch cuối năm, nhà đầu tư trở lại bán ròng khoảng 302 tỷ đồng sau hai phiên gom hàng.

Tính từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng hơn 90.000 tỷ đồng trên HoSE, tương đương hơn 3,5 tỷ USD – con số kỷ lục trong hơn 24 năm hoạt động của chứng khoán. Trong hơn 20 tháng qua, khối ngoại chỉ tạm dừng xả hàng duy nhất tháng 1/2024.

Với một năm chứng khoán gần như đi ngang quanh vùng 1.200-1.300 điểm, bà Nguyễn Thị Thảo Như, Giám đốc cao cấp Khách hàng cá nhân của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho rằng bài học lớn nhất với nhà đầu tư là tầm quan trọng của kỷ luật, kiên nhẫn và quản trị rủi ro. Một lưu ý khác là sự cần thiết của việc đa dạng hóa danh mục, đồng thời luôn duy trì kiến thức và sự tỉnh táo trong đầu tư.

“Năm nay đã củng cố tầm quan trọng của việc đầu tư có kế hoạch, xây dựng tư duy dài hạn và duy trì sự linh hoạt trước những thay đổi trong thị trường. Đây là những bài học không chỉ áp dụng trong 2024 mà còn cần thiết cho sự phát triển bền vững trên hành trình đầu tư lâu dài”, chuyên gia nhấn mạnh.

Tất Đạt

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật