11h30: Áp lực điều chỉnh gia tăng quanh mốc 1.500 điểm khiến VN-Index lùi về mức 1.494, giảm hơn 2 điểm. Sắc đỏ chiếm ưu thế với 374 mã giảm so với 324 mã tăng. Thanh khoản trên HoSE đạt hơn 18.200 tỷ đồng, tương đương 744 triệu đơn vị giao dịch.
Nhóm tài chính ghi nhận áp lực chốt lời, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu chứng khoán như SHS (-3,6%), SSI (-2,7%), FTS (-2,6%), VCI (-2,3%), VND (-2,1%), HCM (-1,2%)… Cổ phiếu ngân hàng cũng chịu sức ép điều chỉnh, với CTG (-0,6%), MBB (-1,1%), TCB (-2,2%)… Ở chiều ngược lại, EVF của Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) tăng mạnh 5,8% sau khi công bố kết quả kinh doanh quý II/2025 tích cực.
Nhóm bất động sản có diễn biến phân hóa. Trong khi các cổ phiếu đầu ngành như VHM, NVL, DXG, PDR, NLG điều chỉnh 1 – 2% thì nhóm vốn hóa nhỏ như QCG, HQC thu hẹp đà tăng so với nhịp hưng phấn đầu phiên.
Cổ phiếu ngành điện tiếp tục duy trì đà tăng, nổi bật với GEX (+3,7%), NT2 (+2,7%), REE (+1,8%), GEG (+1,2%)… Ngược lại, GEE giảm sàn sau chuỗi tăng nóng. Nhóm thép duy trì sắc xanh trên diện rộng, song mức tăng bị thu hẹp do áp lực bán cuối phiên sáng. Một số mã đáng chú ý gồm HSG (+1,2%), NKG (+1%).
Khối ngoại bán ròng khoảng 72 tỷ đồng, tập trung vào VIX (90 tỷ đồng), FPT (65 tỷ đồng), VCI (54 tỷ đồng). Ở chiều mua, khối này giải ngân vào các mã ngân hàng như VPB, SHB.
9h45: Thị trường mở cửa phiên đầu tuần trong trạng thái hưng phấn với gap tăng 11 điểm, đưa VN-Index lên mức 1.508 điểm. Tuy nhiên, áp lực chốt lời tại nhóm ngân hàng và chứng khoán đã khiến chỉ số thu hẹp đà tăng, chốt phiên sáng ở mức 1.504 điểm, tương ứng tăng hơn 7 điểm.
Nhóm VN30 tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, nổi bật là HPG với mức tăng 4%, đóng góp 1,9 điểm cho chỉ số. Theo sau là FPT (+1,9%), VJC (+1,2%) và MBB (+0,9%). Ở chiều ngược lại, một số mã như BVH, SSI, VHM, VRE chịu áp lực điều chỉnh.
Xét theo nhóm ngành, đà tăng của HPG lan tỏa tích cực sang cổ phiếu thép. Nhiều mã ghi nhận mức tăng mạnh như NKG (+3,1%), HSG (+2,8%), GDA (+2%), TIS (+3,7%), VGS (+2,8%)… Bên cạnh đó, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) đang đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ kiện chống bán phá giá thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc, kỳ vọng sẽ sớm đưa ra kết luận để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước như HSG, NKG, HPG…
Nhóm tài chính ghi nhận sự phân hóa rõ rệt. Một số cổ phiếu chịu áp lực điều chỉnh như SSI, VCI, SHS, HCM, STB… trong khi VIX nối dài chuỗi tăng với mức tăng 2% sau khi công bố kết quả kinh doanh quý II/2025 tích cực.
Đáng chú ý, cổ phiếu EVF của Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) vọt tăng trần lên 13.050 đồng/cp, xác lập mức giá cao nhất kể từ giữa tháng 7/2024. Động lực đến từ kết quả kinh doanh quý II/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 292,5 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, EVNFinance ghi nhận 598,1 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 62% kế hoạch năm. Doanh nghiệp này cũng đang sở hữu các chỉ số hiệu quả ấn tượng như tỷ lệ nợ xấu 0,7%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu 179,5%, CIR ở mức 15,8% – thuộc nhóm dẫn đầu ngành tài chính.
Trở lại diễn biến thị trường, nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ tiếp tục thu hút dòng tiền với nhiều mã bật tăng mạnh như QCG (+3,3%), HQC (+3,3%), EVG (+3%), D2D (+5%)… Ngược lại, LDG giảm sàn sau chuỗi tăng nóng, còn các mã lớn như VHM, VRE giảm quanh 1%, trong khi NVL và CEO đứng giá.