Đà tăng bền bỉ của thị trường tiếp tục duy trì trong tuần qua, đưa. VN-Index chính thức lập đỉnh lịch sử . Chốt phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index đạt 1.531,13 điểm, tăng 33,85 điểm (tương ứng +2,26%) – mức đóng cửa cao nhất từ trước đến nay. Động lực chính đến từ thanh khoản tiếp tục duy trì tích cực, cho thấy dòng tiền vẫn đang chảy mạnh vào thị trường.
Trung bình mỗi phiên, sàn HoSE ghi nhận khoảng 1,4 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, với giá trị giao dịch lên tới 36.380 tỷ đồng – tăng so với tuần trước và cao hơn đáng kể so với mức trung bình 20 tuần gần đây.
Đây cũng là tuần thứ 6 liên tiếp VN-Index tăng điểm. Sắc xanh lan tỏa rộng khắp, với 19/21 nhóm ngành ghi nhận mức tăng tích cực. Dẫn đầu là cổ phiếu hàng không, theo sau lần lượt có nhóm chứng khoán, phân bón.
Dù thị trường trong nước hứng khởi, khối ngoại lại có động thái trái chiều khi bán ròng mạnh tay, với tổng giá trị lên đến 1.602 tỷ đồng. Tuy vậy, vẫn có một số mã thu hút lực mua ròng mạnh. Trong khi đó, VJC, HPG và FPT là những cổ phiếu bị bán ròng nhất từ phía khối ngoại.

VN-Index chính thức lập đỉnh mới, đóng cửa ở mức cao nhất lịch sử 1.531 điểm.
Theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), tính từ vùng đáy được thiết lập hồi tháng 4/2025 (ngày 9/4), VN-Index đã tăng khoảng 43% chỉ trong hơn 3 tháng. Đây là mức tăng rất mạnh, đồng thời thị trường chưa trải qua bất kỳ nhịp điều chỉnh rõ rệt nào.
Dựa trên dữ liệu lịch sử từ năm 2020 đến nay, các đợt phục hồi mạnh mẽ với biên độ 43-45% thường sẽ xuất hiện một nhịp điều chỉnh trong vùng 7-15%, trước khi tiếp tục xu hướng tăng.
“Mặc dù lịch sử không lặp lại hoàn toàn, nhưng với mức tăng mạnh như hiện tại và đang tiệm cận các ngưỡng định lượng thống kê, nhà đầu tư cần cân nhắc bảo toàn lợi nhuận, xem xét hạ tỷ trọng cổ phiếu, tăng dần tỷ trọng tiền mặt và tránh việc FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội) mua đuổi”, chuyên gia khuyến nghị và cho rằng nên ưu tiên quan điểm thận trọng ở thời điểm hiện tại, duy trì tỷ lệ tiền mặt cao hơn cổ phiếu.
Ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc Kinh doanh Số, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) – cho rằng, định giá hiện tại của thị trường vẫn đang ở mức hợp lý. P/E (hệ số giá trên lợi nhuận) của VN-Index đang khoảng hơn 16 lần, thấp hơn đáng kể so với các giai đoạn đỉnh trước đây như năm 2018 (khoảng 21 lần) hay 2021-2022 (khoảng 19 lần).
Chưa kể, nếu lợi nhuận doanh nghiệp dự báo tiếp tục tăng trưởng khoảng 15% trong năm tới định giá thực tế sẽ còn rẻ hơn. Với cơ sở đó, VN-Index hoàn toàn có thể hướng tới vùng 1.800 – 1.900 điểm trong trung hạn.
Tuy nhiên, tâm lý FOMO đang bắt đầu xuất hiện và nhà đầu tư nên thận trọng. Theo ông Đức thị trường chỉ thực sự bước vào vùng “đỉnh” khi P/E tiến gần trở lại mức 19-20 lần.
Ông Đức nhận định, đây là một trong những sóng tăng hiếm hoi của thị trường – nếu nhìn lại lịch sử gần hai thập kỷ, chỉ có 5 giai đoạn tăng trưởng rõ rệt và bền vững: 2007-2008, 2009-2010, 2017-2018, 2021-2022 và hiện tại (2025). Sóng tăng hiện nay không chỉ mạnh về điểm số mà còn có sự đồng thuận cao từ dòng tiền.
Một tín hiệu đáng chú ý là khối ngoại đã quay lại mua ròng mạnh mẽ trong khoảng một tháng gần đây, với tổng giá trị giải ngân ước tính khoảng 800–900 triệu USD. Dòng tiền này phần lớn đến từ kỳ vọng nâng hạng thị trường Việt Nam.
Việc nâng hạng cụ thể diễn ra vào tháng 9 năm nay hay tháng 3/2026 không phải yếu tố quyết định. Điều quan trọng hơn là nhà đầu tư ngoại đã tranh thủ mua cổ phiếu ở vùng định giá thấp, chuẩn bị cho chu kỳ tái cơ cấu danh mục khi nâng hạng diễn ra. Dòng vốn ngoại hiện cũng chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu VN30 – những mã được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trực tiếp nếu thị trường được nâng hạng.