Thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiếp tục nối dài chuỗi ngày khởi sắc. VN-Index tăng phiên thứ 3 liên tiếp qua đó leo lên mức 1.139,81 điểm, cao nhất trong vòng hơn 3 năm kể từ tháng 4/2023. Thanh khoản sàn HoSE xấp xỉ 25.000 tỷ đồng, phản ánh dòng tiền mạnh mẽ trong bối cảnh nhà đầu tư tỏ ra tích cực với triển vọng của thị trường
Nhìn rộng hơn, kể từ phiên ngày 9/4/2025, khi những thông tin về các mức thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chao đảo và VN-Index giảm sâu xuống vùng sát 1.090 điểm, chỉ số chính đã nhanh chóng hồi phục. Sau chưa đầy 2 tháng, VN-Index tăng gần 250 điểm. Vốn hóa sàn HoSE tương tứng tăng thêm hơn 1,2 triệu tỷ (~47 tỷ USD) qua đó đạt 5,78 triệu tỷ đồng.

Động lực từ dòng tiền lan toả các nhóm cổ phiếu và tín hiệu vĩ mô
Động lực chính thúc đẩy thị trường tăng điểm đến từ các cổ phiếu vốn hoá lớn, đặc biệt là nhóm Vingroup và cổ phiếu ngân hàng. Chưa dừng lại, dòng tiền sau đó tiếp tục lan toả sang các nhóm vốn hoá vừa và nhỏ. Các nhóm cổ phiếu thủy sản, dệt may, logistics và bất động sản hút tiền mạnh và diễn biến tích cực trong một vài phiên trở lại đây, qua đó củng cố thêm đà tăng cho VN-Index.
Đằng sau đà hồi phục ấn tượng là những tín hiệu vĩ mô tích cực từ cả trong và ngoài nước. Trước tiên, Việt Nam đã nhanh chóng phản ứng và nỗ lực giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của chính sách thuế đối ứng. Những lo ngại ban đầu về thuế quan cao đã dần được xoa dịu khi các cuộc đàm phán diễn ra trên tinh thần thống nhất cao các vấn đề về nguyên tắc, cách tiếp cận, định hướng nội dung và kế hoạch đàm phán, tạo cơ sở để các phiên đàm phán tiếp theo đạt hiệu quả tích cực. Những động thái mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã góp phần giảm áp lực lên các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường.
Đặc biệt, sự tăng trưởng mạnh mẽ của VN-Index không phải là kết quả ngẫu nhiên mà được hậu thuẫn bởi nhiều yếu tố nền tảng và triển vọng tích cực của nền kinh tế Việt Nam. Các chính sách kích thích kinh tế trong nước, bao gồm tăng chi tiêu công và hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân theo Nghị quyết 68-NQ/TW 2025, đã tạo động lực lớn cho thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam cũng được đánh giá là hấp dẫn so với các thị trường khu vực. Với tỷ lệ P/E của VN-Index dao động quanh mức 15-16 lần, thấp hơn đáng kể so với các thị trường như Ấn Độ hay Hàn Quốc, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư dài hạn.
Câu chuyện nâng hạng thị trường cận kề, dòng vốn ngoại có tín hiệu chững bán
Việc hệ thống giao dịch KRX đã chính thức đi vào hoạt động ổn định từ tháng 5/2025, mang lại sự cải thiện đáng kể về tính minh bạch và hiệu quả của thị trường. Hệ thống này không chỉ giúp tăng cường khả năng xử lý giao dịch mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho câu chuyện nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi của Việt Nam. Các tổ chức như MSCI và FTSE Russell đã ghi nhận những cải cách quan trọng của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, từ việc nới room sở hữu nước ngoài đến tăng cường tính thanh khoản. Theo BSC Research, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được FTSE Russell ra thông báo chấp thuận nâng hạng vào tháng 9 năm nay; đồng thời được MSCI xem xét đưa vào danh sách theo dõi (Watch list) trong tháng 6/2025. Nếu được nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút thêm hàng tỷ USD từ các quỹ ETF toàn cầu cũng như các các quỹ đầu tư chủ động lớn.

Cần phải nói rằng, đà bán ròng của khối ngoại đã có dấu hiệu chững lại trong những tuần gần đây. Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), khối ngoại đã bắt đầu mua ròng trở lại một số cổ phiếu blue-chip, đặc biệt trong các ngành như ngân hàng, bất động sản và tiêu dùng. Đây là tín hiệu cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam đang dần được củng cố.
Ông Petri Deryng, người đứng đầu quỹ ngoại Pyn Elite Fund trong báo cáo gần đây cho rằng ngay cả trước khi có quyết định về thuế quan của Tổng thống Trump, Việt Nam đã tăng cường chi tiêu công và kích thích nhu cầu từ khu vực tư nhân trong nước bằng nhiều cách. Với mức thuế mới này, các động thái kích thích đầu tư trong nước chắc chắn sẽ chỉ gia tăng.
“Nếu các mức thuế trở nên hợp lý, những yếu tố tích cực đáng kể trong thị trường Việt Nam có thể xuất hiện để hỗ trợ sự phục hồi của thị trường chứng khoán của đất nước. Đồng thời, dòng tiền của nhà đầu tư có thể tiếp tục di chuyển từ lĩnh vực công nghệ của Hoa Kỳ và các cổ phiếu MAG7 sang các khu vực khác trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam”, ông Petri Deryng nhấn mạnh.
Còn theo quan điểm của Chứng khoán SHS, xu hướng ngắn hạn VN-Index duy trì tăng trưởng trên hỗ trợ gần nhất 1.320 điểm, hỗ trợ mạnh hơn quanh 1.300 điểm tương ứng vùng giá cao nhất năm 2024. Diễn biến trong phiên 27/5 mở ra triển vọng chỉ số có thể bứt phá hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại, các mức thuế quan tích cực hơn và động lực từ Nghị quyết 68-NQ/TW 2025 về phát triển kinh tế tư nhân.
Hiện tại, SHS chỉ ra nhiều mã vẫn có vùng giá tương đối hợp lý so với các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc chỉ số VN-Index đã tăng mạnh và đang ở vùng giá đỉnh cũ quanh 1.340 điểm khiến nhà đầu tư nên thận trọng đối với các vị thế giải ngân mới do cần đánh giá triển vọng tăng trưởng doanh nghiệp và kết quả kinh doanh quý 2/2025. SHS khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỉ trọng hợp lý với mục tiêu đầu tư hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành trong các ngành chiến lược, tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế.