spot_img
21 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánXây dựng Hòa Bình (HBC) bị kiểm toán lo ngại khả năng...

Xây dựng Hòa Bình (HBC) bị kiểm toán lo ngại khả năng hoạt động liên tục vì lỗ lũy kế gần 2.300 tỷ đồng

Sau 2 năm chìm trong thua lỗ, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã ghi nhận lợi nhuận gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2024. Tuy vậy, kiểm toán vẫn đặt dấu hỏi lớn về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này.

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, với một số điểm chênh lệch so với báo cáo tài chính tự lập.

Cụ thể, sau kiểm toán, HBC ghi nhận doanh thu thuần 6.421 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập là 5.278 tỷ đồng, tức tăng 1.143 tỷ đồng. Lãi gộp theo đó cũng tăng thêm 242 tỷ đồng. Công ty tiếp tục đối mặt với chi phí lãi vay lớn, lên tới 404 tỷ đồng, trong khi doanh thu tài chính chỉ đạt 245 tỷ đồng; khiến lãi gộp bị ăn mòn phần lớn, chưa kể đến chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.

Khoản hoàn nhập dự phòng nợ xấu 540 tỷ đồng và thanh lý tài sản 591 tỷ đồng là “cứu cánh” cho kết quả kinh doanh của HBC trong năm 2024. Công ty lãi ròng 963 tỷ đồng sau kiểm toán, tăng 11 tỷ đồng so với báo cáo tự lập và cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 1.115 tỷ đồng của năm 2023.

Xây dựng Hòa Bình (HBC) bị kiểm toán lo ngại khả năng hoạt động liên tục vì lỗ lũy kế gần 2.300 tỷ đồng
Nguồn: Tổng hợp

Nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục

Tuy đạt lợi nhuận lớn, HBC vẫn bị đơn vị kiểm toán nêu ý kiến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. Nguyên nhân là tại ngày 31/12/2024, tập đoàn còn khoản lỗ lũy kế lên tới 2.299 tỷ đồng (so với mức 3.240 tỷ đồng tại ngày 31/12/2023) và tồn tại một số khoản nợ đã quá hạn thanh toán.

Ngoài ra, trên bảng cân đối kế toán, có hàng nghìn tỷ đồng mà kiểm toán chưa thể thu thập đầy đủ bằng chứng để đánh giá tính hiện hữu. Cụ thể, ở phần tài sản, kiểm toán chưa có đủ thông tin về 2.251 tỷ đồng phải thu khách hàng, 814 tỷ đồng trả trước cho người bán và 882 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác. Ở phía nguồn vốn, kiểm toán cũng không thể xác định được 2.327 tỷ đồng phải trả người bán, 863 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn và 82 tỷ đồng phải trả ngắn hạn khác.

Giải trình về vấn đề này, HBC cho biết do đặc thù hoạt động xây lắp, doanh thu được ghi nhận dựa trên khối lượng công việc do chủ đầu tư giám sát và xác nhận. Vì vậy, doanh thu được ước tính một cách đáng tin cậy. Tuy nhiên, các hợp đồng xây dựng của HBC đều quy định nhà thầu chỉ được thanh toán dựa trên giá trị khối lượng thực tế đã được khách hàng xác nhận. Theo đó, doanh thu chỉ được ghi nhận khi có xác nhận của khách hàng trên các chứng chỉ thanh toán và được thể hiện trên hóa đơn tài chính. Tính đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán, HBC chưa có đủ thông tin cần thiết để xác định rõ ảnh hưởng của vấn đề này đến các khoản mục liên quan trên báo cáo tài chính hợp nhất.

Gầy dựng lại cơ đồ

Xây dựng Hòa Bình (HBC) bị kiểm toán lo ngại khả năng hoạt động liên tục vì lỗ lũy kế gần 2.300 tỷ đồng
Ảnh minh họa

Xây dựng Hòa Bình từng trải qua 2 năm 2022 – 2023 với kết quả kinh doanh kém tích cực, khi lần lượt lỗ sau thuế 2.610 tỷ đồng và 1.115 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của “ông lớn” ngành xây dựng này chỉ còn 93 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả lên tới 15.156 tỷ đồng.

Sau đó, HBC đã triển khai hàng loạt biện pháp như tích cực thu hồi nợ xấu, thanh lý tài sản, tái cơ cấu nợ… Đến ngày 31/12/2024, vốn chủ sở hữu của HBC đã tăng lên 1.748 tỷ đồng, gấp gần 19 lần so với đầu năm. Nợ phải trả giảm 1.493 tỷ đồng, còn 13.664 tỷ đồng.

Bước sang năm 2025, HBC đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 360 tỷ đồng. Chủ tịch Lê Viết Hải chia sẻ: “Chúng tôi đã và đang tham gia đấu thầu nhiều dự án lớn. Nhiều khách hàng hiểu rõ tình hình thực tế của Hòa Bình nên yên tâm giao thầu. Các ngân hàng cũng tiếp tục tài trợ cho Hòa Bình. Năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ tăng trưởng, nhưng sẽ không đặt ra mục tiêu quá cao, để đảm bảo tập đoàn có thể hoàn thành được kế hoạch đã đề ra”.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật