spot_img
27 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánXét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1:...

Xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1: Bị cáo Trương Mỹ Lan không kêu oan

Trong số 48 bị cáo gửi đơn kháng cáo, bị cáo Trương Mỹ Lan là người duy nhất kháng cáo toàn bộ bản án

Ngày 4-11, TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát, giai đoạn 1, dự kiến phiên tòa kéo dài đến ngày 25-11. Phiên tòa được mở do 48/86 bị cáo kháng cáo.

Chỉ xin xem xét lại

HĐXX cho biết phiên tòa được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Trong đó, có 16 bị cáo tham dự tại phòng xét xử của TAND Cấp cao tại TP HCM; 30 bị cáo có mặt tại hội trường của Trại tạm giam T30 (huyện Củ Chi, TP HCM), 2 bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt.

Trong số 48 bị cáo gửi đơn kháng cáo, bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, là người duy nhất kháng cáo toàn bộ bản án.

Tại phiên xét xử, HĐXX hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan về việc TAND TP HCM đã tuyên án tử hình trước đó với các tội danh “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng”, bị cáo đồng ý hay không. Bị cáo Lan khẳng định không có ý kêu oan nhưng muốn HĐXX xem xét lại quá trình thực hiện hành vi phạm tội, sẽ được trình bày trong phiên xử.

Xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1: Bị cáo Trương Mỹ Lan không kêu oan- Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trong quá trình khai báo tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan nhiều lần không kìm được xúc động và bật khóc. Chủ tọa phải nhắc nhở bị cáo Lan giữ bình tĩnh để tiếp tục phần trình bày của mình.

Bị cáo Trương Mỹ Lan phủ nhận các cáo buộc về việc lạm dụng mối quan hệ và nguồn lực tài chính giữa Vạn Thịnh Phát và SCB. Bị cáo nhấn mạnh rằng Vạn Thịnh Phát không mở tài khoản tại SCB và “hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát” không vay tiền từ ngân hàng này. Bị cáo Lan giải thích tài sản của Vạn Thịnh Phát tại SCB là do bị cáo cho mượn để hỗ trợ tái cấu trúc ngân hàng, bao gồm các tòa nhà như An Đông và Sherwood Residence.

Bị cáo Lan cho biết việc khắc phục hậu quả là do chính bị cáo tự nguyện. Bị cáo giải thích rằng hậu quả của vụ án bắt nguồn từ quá trình tái cơ cấu SCB, nên bị cáo không thể đứng ngoài và nhìn anh em mình (các bị cáo khác trong vụ án – PV) chịu trách nhiệm một mình. Vì vậy, bị cáo chấp nhận cùng họ chia sẻ trách nhiệm pháp lý.

Bị cáo Lan nói thêm trước khi hỗ trợ SCB, gia đình đã sở hữu khối tài sản lớn, gồm nhiều bất động sản giá trị. Về nguồn gốc tài sản, bị cáo Lan nói gia đình là tiểu thương chợ Bến Thành, sau năm 1975 tiếp tục kinh doanh và dùng vàng tích góp để mua bất động sản.

Mong được sớm về chăm sóc con

Giống như bị cáo Lan, nhiều đồng phạm là cựu cán bộ cao cấp của SCB cũng xin giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB; bị tuyên án tù chung thân với các tội “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng”) đã xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Văn cho rằng bản án sơ thẩm chưa phản ánh đầy đủ nội dung của phiên tòa. Bị cáo khẳng định mình không chỉ đạo cấp dưới làm hồ sơ tín dụng theo yêu cầu của bị cáo Lan và không có mối quan hệ thân thiết với bị cáo Lan như cáo buộc, chỉ từng trò chuyện 1-2 lần khi mới làm việc tại SCB.

Bản án sơ thẩm cho rằng bị cáo Lan thường liên hệ với bị cáo Văn khi cần rút tiền qua các khoản vay. Tuy nhiên, bị cáo Văn cho biết bà Lan liên hệ với các bị cáo khác như Dung, Dũng, Hồng hoặc Hoàng, còn ông chỉ phê duyệt hồ sơ mà không biết việc sử dụng tiền sai mục đích. Bị cáo nói đây là sự “dễ dãi” của mình trong việc phê duyệt hồ sơ và khẳng định bị cáo Lan chưa bao giờ chỉ đạo trực tiếp mình về việc rút tiền.

Theo bản án sơ thẩm, sau khi đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc SCB, mỗi khi cần rút tiền từ ngân hàng thông qua các khoản vay, Trương Mỹ Lan thường gọi điện trao đổi với Võ Tấn Hoàng Văn. Bị cáo Văn biết rằng số tiền giải ngân từ các khoản vay đứng tên các cá nhân và công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát được sử dụng để trả nợ cũ tại SCB, thanh toán các khoản vay ở ngân hàng khác, mua dự án mới, đầu tư vào các dự án và thực hiện các mục đích khác của bị cáo Lan. Mặc dù việc sử dụng tiền này không đúng với phương án vay vốn trong hồ sơ, nhưng bị cáo Văn vẫn xét duyệt các khoản vay, dẫn đến thiệt hại hơn 161.000 tỉ đồng cho ngân hàng.

Bị cáo Văn cũng đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết mới về nhân thân, với nội dung chi tiết do luật sư trình bày và bày tỏ mong muốn sớm được trở về chăm sóc 6 con nhỏ.

Bị cáo Văn còn khai rằng trong các chuyến công tác ra Hà Nội, ông được Nguyễn Phương Hồng yêu cầu lái xe đến lấy “thùng trái cây” để gửi cho Đỗ Thị Nhàn. Khi giao, ông nói rằng “Chị Lan gửi cho chị”. Khi chủ tọa hỏi vì sao biết bà Lan gửi, Văn cho biết ông suy đoán như vậy vì Hồng chưa từng gặp Nhàn. Văn cũng nghĩ rằng các thùng này chứa tiền chứ không phải trái cây.

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó Tổng Giám đốc SCB (bị tuyên án 16 năm tù về tội “Tham ô tài sản”) khai rằng sau khi gia nhập SCB, nhận thấy Trương Mỹ Lan đã sử dụng nhiều tài sản như Windsor, Timesquare để hỗ trợ quá trình tái cơ cấu SCB, giúp việc sáp nhập ngân hàng thành công. Bị cáo Dung cho biết đến nay bà nhận thấy bị cáo Lan có quyền điều phối hoạt động của SCB. Bị cáo Dung cũng xin HĐXX xem xét lại vai trò của bị cáo để giảm nhẹ hình phạt. 

Hai bị cáo xin vắng mặt vì lý do sức khỏe là Nguyễn Cao Trí (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang, Tập đoàn Capella) và Trần Thị Kim Chi (cựu nhân viên Công ty CP Natural Land). HĐXX sau khi hội ý tại chỗ đã đồng ý tiếp tục phiên xét xử.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật