Báo cáo chiến lược mới công bố của Chứng khoán An Bình (ABS) đưa ra 2 kịch bản cho VN-Index trong tháng 4/2025.
Kịch bản 1 , thị trường hồi phục (xác suất cao). Thị trường giữ vững mốc hỗ trợ 1.070 và 1.030 điểm, các phiên giải chấp – bán mạnh đã diễn ra trong tuần thứ 2 của tháng 4. Nhóm phân tích ABS nhận thấy có sự tham gia dòng tiền mới âm thầm mua dần . Đây là động lực cho kịch bản hồi phục trong các phiên tới, tới vùng kháng cự đề xuất.
Với kịch bản tích cực, ABS đánh giá đây là pha quét thanh khoản rũ bỏ nhà đầu tư ngắn hạn giao dịch lướt sóng, nhưng đối với các chiến lược đầu tư dài hạn có thể mua dần cho kế hoạch 2 năm tới. Sau nhịp rơi vừa qua thị trường có thể hồi nhanh và mạnh. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý đây là giao dịch ngược lại xu thế chính đang giảm, cần lựa chọn cổ phiếu và tỷ trọng hợp lý, tuân thủ kỷ luật giao dịch.
Kịch bản 2 , VN-Index tiếp tục giảm điểm. Diễn biến thông tin tiếp tục ở bối cảnh phức tạp, không có sự thay đổi đáng kể thị trường mất đi điểm tựa tâm lý, gây ra áp lực giảm tiếp diễn về các vùng hỗ trợ sâu hơn. Áp lực với nhà đầu tư đang giữ hàng sẽ lớn hơn nhiều khi lượng tiền và hàng không còn cân đối. Ở chiều ngược lại đây là cơ hội lớn, quay lại thị trường đối với nhà đầu tư có sự sẵn sàng cho ít nhất một pha hồi phục biên độ lớn 200 điểm.

Về chiến lược, ABS khuyến nghị đối với nhà đầu tư có vị thế không tốt từ cuối tháng 3 tới tháng 4, cần cơ cấu danh mục khi thị trường hồi phục.
Đối với nhà đầu tư ưa mạo hiểm, nên áp dụng chiến lược lướt sóng từng nhịp tăng của cổ phiếu, với phương pháp mua muộn – bán sớm. Đối với nhà đầu tư trung và dài hạn, đây là cơ hội mua gom cổ phiếu quan tâm trong giai đoạn tới, khi có tín hiệu thị trường xác nhận ở khung giao dịch tương ứng.
Theo đó, một số cổ phiếu cần chú ý bao gồm các cổ phiếu đầu ngành đã được chiết khấu sâu, của các ngành chịu tác động tiêu cực của tin tức thuế quan của Mỹ: hàng xuất khẩu (Dệt may, Thủy sản…), Ngân hàng, Chứng khoán…, hoặc các ngành dự kiến hưởng lợi từ, hoặc ít chịu ảnh hưởng bởi thương chiến (Phân phối khí LNG, Đầu tư công, Thực phẩm, Phân bón…).
Cổ phiếu tiềm năng
Cụ thể hơn, đội ngũ phân tích ABS chỉ ra 4 cổ phiếu tiềm năng tăng giá cho tháng 4 này.
Với Hòa Phát (HPG) , với vị thế là doanh nghiệp đầu ngành thép, đặc biệt là thép xây dựng với thị phần nội địa lớn, HPG sẽ chịu ít ảnh hưởng hơn những doanh nghiệp khác trong ngành bởi những khó khăn của thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa sẽ giúp KQKD của doanh nghiệp tăng trưởng.
Ngoài ra, gần đây, Bộ Công thương đã áp dụng thuế CBPG với HRC nhập từ Trung Quốc, theo đó sẽ giúp giảm lượng thép HRC giá rẻ tràn vào Việt Nam, thúc đẩy sản lượng tiêu thụ HRC của HPG. Ngoài ra, ABS cũng lưu ý rủi ro khi các doanh nghiệp tôn mạ sử dụng HRC của HPG làm nguyên liệu đầu vào gặp khó khăn trong việc tiêu thụ đầu ra (xuất khẩu sụt giảm) sẽ ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ loại thép này.
ABS cũng đặt niềm tin tăng trưởng vào cổ phiếu PVGas (GAS) . Hiện PVGas là đơn vị có toàn quyền khai thác, phân phối khí và các sản phẩm các mỏ dầu khí do PVN chỉ định & là đơn vị duy nhất có đầy đủ hệ thống cơ sở hạ tầng khí, bao gồm hệ thống thu khí tại nguồn, đường ống phân phối vận chuyển, hệ thống lưu trữ và nhà máy sản xuất khí; giữ vị thế số 1 về cung cấp LPG với 75% thị phần trên thị trường LPG Việt Nam.
Mảng LNG sẽ trở thành động lực tăng trưởng trung và dài hạn của PVGas. Mặt khác, ABS dự báo để thu hẹp thâm hụt thương mại với Mỹ, Việt Nam sẽ tăng nhập khẩu LNG từ Mỹ. Hiện nay, PVGas là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại VN đủ điều kiện xuất nhập khẩu LNG.
Kỳ vọng từ các dự án lớn của ngành được thúc đẩy tiến độ triển khai. PVGas hiện đang và sẽ tham gia vào các dự án lớn như Dự án LNG Thị Vải, Dự án LNG Sơn Mỹ, Dự án Sư tử trắng – GĐ 2B, Dự án Lô B – Ô Môn. Các dự án này dự kiến sẽ giúp cải thiện năng lực cung cấp khí của PVGas thời gian tới.
Với Vinamilk (VNM) , ABS đánh giá rằng những chính sách kích cầu tiêu dùng của chính phủ sẽ có ảnh hưởng tích cực đến chi tiêu của người dân và là động lực cho tăng trưởng thị trường nội địa của VNM.
Nhà máy chế biến thịt bò của Công ty TNHH Chăn nuôi Nhật Bản Việt Nam (JVL) – liên doanh giữa công ty con của Vinamilk là Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) và Tập đoàn Sojitz Nhật Bản đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12/2024 và đưa các sản phẩm thịt bò thương nhiệu Vinabeef ra thị trường. Dự kiến liên doanh này sẽ tăng trưởng nhanh chóng và sẽ đóng góp thêm vào doanh thu, lợi nhuận của VNM.
Đồng thời, MSN của Tập đoàn Masan cũng nằm trong danh sách cổ phiếu được khuyến nghị. Nhờ một số động lực tăng trưởng tới từ việc mở rộng mạng lưới cửa hàng WCM với 400-700 cửa hàng tăng thêm trong năm 2024, đồng thời cải tạo các siêu thị theo mô hình cửa hàng mới: WinMart Urban & Rural.
MSN cũng đã cao cấp hóa ngành hàng Gia vị, Thực phẩm tiện lợi; tiếp tục đổi mới ngành hàng đồ uống và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU. Thêm nữa, Masan High-Tech Materials (MHT) có khả năng được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khi các sản phẩm của MHT hiện đang được miễn trừ khỏi thuế đối ứng, trong khi các sản phẩm đến từ Trung Quốc lại phải chịu mức thuế rất cao khi vào thị trường Mỹ.