spot_img
28.1 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh Nghiệp10 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng báo lãi gần 2.300 tỷ...

10 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng báo lãi gần 2.300 tỷ đồng, Vicem lật ngược thế cờ

Ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc, lợi nhuận các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng đã vượt kế hoạch hơn 100 tỷ đồng.

Chiều 7/7, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025. Tại hội nghị, ông Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trực thuộc Bộ trong nửa đầu năm nay đã có nhiều tín hiệu khởi sắc.

Theo báo cáo tổng hợp từ 10/14 doanh nghiệp thuộc Bộ, tính đến hết tháng 6/2025, tổng giá trị sản xuất kinh doanh đạt hơn 29.900 tỷ đồng, tăng gần 3,5% so với cùng kỳ năm 2024. Doanh thu ước đạt trên 29.700 tỷ đồng, tăng gần 5%, trong khi lợi nhuận trước thuế đạt gần 2.300 tỷ đồng, vượt kế hoạch 6 tháng khoảng 112 tỷ đồng. Giá trị đầu tư của các doanh nghiệp cũng tăng gần 10%, đạt hơn 3.500 tỷ đồng.

Trong số các doanh nghiệp báo lãi, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) là đơn vị ghi nhận sự phục hồi ấn tượng nhất. Trong 6 tháng đầu năm, Vicem sản xuất gần 8 triệu tấn clinker (tăng 6,5% so với cùng kỳ), tiêu thụ hơn 12 triệu tấn sản phẩm (tăng hơn 5%). Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế đạt trên 34 tỷ đồng, cải thiện mạnh mẽ so với khoản lỗ hơn 810 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái – tương đương mức tăng gần 845 tỷ đồng.

10 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng báo lãi gần 2.300 tỷ đồng, Vicem lật ngược thế cờ
10/14 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng đạt doanh thu trên 29.700 tỷ đồng sau 6 tháng

>> Sau 2 năm lỗ nghìn tỷ, đại gia xi măng Vicem bất ngờ có lãi trong nửa đầu năm 2025

Một trường hợp đặc biệt khác là Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) – doanh nghiệp hiện đang trong quá trình tái cơ cấu theo chủ trương của Bộ Chính trị. Dù chưa cập nhật đầy đủ kết quả kinh doanh, SBIC vẫn duy trì hoạt động sản xuất ổn định, đạt doanh thu 2.500 tỷ đồng, tạo việc làm và đảm bảo chế độ bảo hiểm cho 10.000 cán bộ công nhân viên.

Sau quá trình sáp nhập đơn vị từ Bộ Giao thông Vận tải, hiện Bộ Xây dựng đang quản lý tổng cộng 14 doanh nghiệp, với tổng vốn điều lệ (trừ SBIC) là 42.300 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm 34.000 tỷ đồng. Trước đó, Bộ Xây dựng chỉ quản lý 6 doanh nghiệp, trong khi Bộ Giao thông Vận tải có 7 đơn vị.

Hiện tại, Bộ đang quản lý trực tiếp 8 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trong đó có các đơn vị lớn như Vicem, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam, Công ty Thông tin điện tử hàng hải, Nhà xuất bản Giao thông vận tải, Công ty cơ khí ôtô – thiết bị điện Đà Nẵng và SBIC.

Riêng SBIC – tiền thân là Vinashin – đang trong quá trình xử lý phá sản, thu hồi quyền và tài sản của công ty mẹ và 7 công ty con theo Nghị quyết ban hành tháng 12/2023.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng thực hiện quyền đại diện phần vốn Nhà nước tại 5 tổng công ty cổ phần, gồm: Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LLM – vốn Nhà nước chiếm 97,8%), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – HAN – (98,8%), Tổng công ty Viglacera – VGC – (38,6%), Tổng công ty Cơ khí xây dựng (98,8%), Tổng công ty Xây dựng đường thủy (36,6%).

>> Nhà máy đóng tàu đẳng cấp thế giới tại Việt Nam ấp ủ kế hoạch thu về 702 triệu USD trong năm nay

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật