spot_img
14 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh Nghiệp11 năm bán 11 đợt ESOP thu về 680 tỷ đồng khi...

11 năm bán 11 đợt ESOP thu về 680 tỷ đồng khi giá thị trường hơn 11.400 tỷ, ông Nguyễn Đức Tài lần đầu tiên 'nhượng bộ' cổ đông

"Nếu quý cổ đông cảm thấy bực bội với chính sách ESOP này thì cân nhắc việc nên tiếp tục đầu tư vào MWG hay đầu tư vào 1 cổ phiếu khác" – Ông Tài từng gay gắt bảo vệ chương trình ESOP trước sự phản đối của cổ đông trong nhiều năm.

Trong cuộc gặp nhà đầu tư tháng 2/2025 của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã: MWG), Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài cho biết MWG có thể thay đổi chính sách ESOP năm 2025: “MWG sẽ cân đối lại lợi ích giữa các cổ đông và những lãnh đạo của công ty. Lợi ích của cả hai sẽ kết nối chặt chẽ với sự tăng trưởng của giá cổ phiếu”.

ESOP (Employee Stock Ownership Plan – Chương trình Phát hành Cổ phiếu cho Người lao động) là công cụ này nhằm mục tiêu gắn kết lợi ích của nhân viên với kết quả hoạt động của doanh nghiệp khi nhân viên được xem là cổ đông của công ty, do đó sẽ có động lực đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của công ty.

Người lao động thỏa điều kiện sẽ được quyền mua cổ phiếu của công ty với mức giá rẻ hơn giá thị trường nhưng đi kèm với một số điều kiện nhất định, ví dụ như hạn chế chuyển nhượng trong một khoảng thời gian cụ thể (lock-up period), hay mất quyền trong trường hợp người lao động nghỉ việc trong giai đoạn trao quyền (vesting period).

Lần “nhân nhượng” đầu tiên

Kế hoạch phát hành ESOP trước đó được HĐQT thông qua với số lượng 19.937.500 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 1,3642%, giá bán 10.000 đồng/cp. Toàn bộ cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm kể từ ngày phát hành. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 1/2025. Chủ tịch Nguyễn Đức Tài và các thành viên Hội Đồng Quản Trị không điều hành không tham gia chính sách ESOP.

Mức giá 10.000 đồng chỉ bằng 17% so với thị giá MWG tại ngày công bố phương án. Các nhân sự của Thế giới Di động chỉ phải bỏ ra gần 200 tỷ đồng để có thể sở hữu lượng cổ phiếu trị giá hơn 1.100 tỷ đồng.

Từ năm 2013-2022, công ty đã có 11 đợt phát hành ESOP với gần 93 triệu cổ phiếu thu về 684 tỷ đồng. Nếu cộng theo thị giá tại thời điểm phát hành, giá trị thị trường của lượng ESOP này là hơn 11.400 tỷ đồng. Năm 2023, Thế giới di động lần đầu tiên kể từ khi lên sàn không đưa ra phương án ESOP do tình hình kinh doanh không thuận lợi.

Tính cả đợt ESOP kế hoạch năm 2025, đến nay Thế giới Di động có 12 đợt phát hành gần 113 triệu cổ phiếu ESOP tương đương 7,6% số cổ phiếu đang lưu hành hiện tại, tổng giá trị ước tính hơn 12.600 tỷ đồng.

11 năm bán 11 đợt ESOP thu về 680 tỷ đồng khi giá thị trường hơn 11.400 tỷ, ông Nguyễn Đức Tài lần đầu tiên 'nhượng bộ' cổ đông- Ảnh 1.

ESOP là một chiến lược quan trọng của Thế giới Di động trong việc giữ chân nhân tài, thể hiện quan điểm lãnh đạo “đặt quyền lợi của nhân sự lên trước quyền lợi của cổ đông”. 

Dù gặp sự phản đối khá gay gắt của cổ đông trong suốt nhiều năm nhưng ông Nguyễn Đức Tài luôn kiên định với chiến lược này, thậm chí vào tại Đại hội cổ đông năm 2020, ông Tài nói: “Nếu quý cổ đông cảm thấy bực bội với chính sách ESOP này thì cân nhắc việc nên tiếp tục đầu tư vào MWG hay đầu tư vào 1 cổ phiếu khác mang lại cho cổ đông cả tiền và niềm vui”.

Vì vậy, việc công bố sẽ điều chỉnh phương án ESOP năm 2025 có thể nói là lần đầu tiên “nhân nhượng” của HĐQT Thế giới di động để tìm ra niềm vui cho cả cổ đông lẫn nhân sự của công ty.

Vì sao cổ đông phản đối ESOP?

Theo KPMG, việc phát hành ESOP liên tục sẽ ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức đến quyền lợi của các cổ đông hiện hữu vì gây ra sự suy giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần (pha loãng cổ phiếu) do việc liên tục phát hành cổ phiếu mới, đồng thời về lâu dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu trên thị trường vì xu hướng bán ra của nhân viên khi hết giai đoạn hạn chế chuyển nhượng.

Tuy nhiên không chỉ vậy, ảnh hưởng của ESOP đến lợi ích của cổ đông thực tế nhiều hơn những gì mà Báo cáo tài chính (theo chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS) đang phản ánh.

Chuẩn mực kế toán Việt Nam chưa có thông tư/nghị định nào điều chỉnh cho các nghiệp vụ liên quan tới ESOP, theo đó ghi nhận chi phí trên các báo cáo tài chính theo chuẩn mực Việt Nam bằng 0.

Theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), ESOP là một loại chi phí và sẽ phải ghi nhận chi phí theo từng năm phát sinh gắn liền với kỳ phát hành ESOP. Khoản chênh lệch giữa giá trị phát hành (số tiền thu về) và giá trị hợp lý của số lượng cổ phiếu ESOP sẽ bị trừ vào lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ví dụ với đợt phát hành theo kế hoạch mới nhất của Thế giới di động, giá trị phát hành (nếu bán hết) của 19,9 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng là hơn 199 tỷ đồng. Nhưng giá trị hợp lý của nó – tạm tính theo thị giá ngày 21/2 (đóng cửa tại 58.100 đồng) – là gần 1.160 tỷ đồng. Khoản chênh lệch hơn 960 tỷ đồng sẽ được ghi nhận là chi phí, làm cho lợi nhuận của Thế giới di động giảm đi tương ứng, và cổ đông là những người chịu ‘thiệt hại’ này.

Phương pháp phát hành ESOP phổ biến tại các nước phát triển như Mỹ và EU là doanh nghiệp sẽ thành lập quỹ ESOP (ESOP trust). Quỹ ESOP được hình thành từ cổ phiếu của công ty hay tiền (tiền được dùng để mua lại cổ phiếu trên thị trường theo thị giá). Quỹ ESOP sẽ thực hiện quản lý và phân bổ cổ phiếu cho các nhân viên đủ điều kiện trong suốt giai đoạn hưởng quyền.

Nhân viên sẽ nhận được cổ phiếu hay tiền (bán cổ phiếu lại cho công ty theo giá thị trường) sau giai đoạn hạn chế chuyển nhượng được quy định trong chương trình phát hành. Điều này nếu nhìn từ góc độ cổ đông, sẽ không có hiện tượng pha loãng cổ phiếu do doanh nghiệp không phát hành thêm.

Nếu nhìn từ góc độ của doanh nghiệp, khoản đóng góp vào quỹ này sẽ được khấu trừ thuế ở một mức xác định, từ đó tiết kiệm được chi phí thuế.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật