spot_img
15 C
Hanoi
spot_img

Anh Nguyễn Hữu Vinh livestream tại xưởng. Ảnh: Phạm Linh

Nguyễn Hữu Vinh, 36 tuổi, nhà sáng lập, CEO thương hiệu Sachi Foods ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Với nhà xưởng khoảng 2 ha và công suất 5 tấn bánh tráng mỗi ngày, Sachi hiện là một trong các nhà máy sản xuất bánh tráng lớn nhất nước. Khi tham gia Shark Tank Việt Nam, Sachi được Shark Thái đề nghị đầu tư 5 tỷ để lấy 10% cổ phần nhưng chủ doanh nghiệp từ chối. CEO 8x chia sẻ hành trình khởi nghiệp với sản phẩm truyền thống quê hương.

– Cơ duyên nào khiến anh chọn bánh tráng để khởi nghiệp?

– Quê tôi ở xứ dừa Tam Quan nên bánh tráng dừa, đặc sản của vùng đất này là một phần thân thuộc từ nhỏ. Lớn lên, tôi đỗ cao đẳng ngành Tự động hóa. Sau đó, tôi lại bỏ ngang để chuyển sang học Kinh tế vì lúc đó ngành này đang hot. Ra trường, tôi cùng bạn bè khởi nghiệp với một công ty công nghệ, rồi thất bại, lại nhảy sang xuất nhập khẩu, và cũng thấy mình không hợp.

Sau nhiều năm bôn ba ở thành phố, tôi về quê năm 2015 và chưa có định hướng gì cụ thể. Nhà tôi có một xưởng bánh, mang tên ba tôi – Sáu Chiến, nên tôi lọ mọ nghiên cứu cải tiến máy trộn nguyên liệu, máy sấy, máy ép bánh… trước tiên để cho gia đình làm bánh men, bánh thuẫn, bánh bông lan và bánh cốm nếp ngự.

Quan sát rộng ra, tôi thấy quê mình có nhiều xưởng bánh thủ công, người dân phải tốn sức ở nhiều khâu mà máy móc có thể thay thế, thế là tôi bắt tay vào làm tư vấn máy móc nông nghiệp. Với nền tảng kiến thức khi học tự động hóa, tôi sáng chế nhiều máy móc phục vụ sản xuất. Từ năm 2016 tôi đã sáng chế ra hệ thống sấy nông sản và bánh đặc sản tiết kiệm, Máy rang hạt nông sản bằng điện…

Khi đó tôi nghĩ tại sao mình không sản xuất các loại bánh thủ công này, nâng cao năng suất chất lượng bằng máy móc, và nâng tầm thương hiệu? Và sản phẩm phù hợp nhất phải là bánh tráng, vì nó là cái người ta nhớ nhất khi nhắc về Tam Quan. Thế là tôi khởi sự, kế thừa cái tên xưởng bánh của gia đình là Sáu Chiến, viết tắt thành Sachi. Sachi trong tiếng Nhật có nghĩa là may mắn và hạnh phúc.

– Cách làm bánh tráng của anh khác biệt gì với phương thức truyền thống?

– Ở quê thì ai cũng biết cảnh phơi lúa mắc mưa, còn ở Tam Quan thì quen với cảnh mỗi khi trời mưa phải mang vỉ bánh tráng vác chạy. Làm bánh tráng kiểu truyền thống phụ thuộc vào thời tiết, trời nắng phơi bánh mới ráo, còn bánh tráng của Sachi thì không cần phơi mà sấy bằng công nghệ hơi nước và đèn hồng ngoại nên trời mưa chúng tôi cũng làm bình thường, thậm chí tăng năng suất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong mùa Tết.

Đây chỉ là một trong các khâu có máy móc tham gia. Ở khâu tráng bánh, tôi ứng dụng nhiệt hơi nước, giúp việc trải bột trên bề mặt đồng đều và chính xác. Máy có thể lập trình để tạo ra các loại bánh tráng với nhiều hình dạng khác nhau như hình tròn, hình vuông, hình tam giác tùy theo yêu cầu.

Ngoài ra, tôi đã phát triển thêm các thiết bị hỗ trợ như máy nướng bánh và máy gọt dừa xiêm, hoàn thiện từ đầu đến cuối dây chuyền nướng bánh. Những hệ thống này còn được tích hợp công nghệ IoT hiện đại, cho phép người dùng theo dõi và quản lý quy trình sản xuất từ xa. Nhờ đó, việc điều chỉnh nhiệt độ, thời gian, và các thông số kỹ thuật khác trở nên dễ dàng, giúp nâng cao hiệu suất và tính đồng nhất của sản phẩm.

Anh Nguyễn Hữu Vinh tại xưởng sản xuất. Ảnh: Phạm Linh

– Bánh tráng Tam Quan rất quen thuộc, nhưng ít biến đổi về hương vị nên khó tiếp cận khách hàng trẻ. Anh đã đổi mới các sản phẩm của mình như thế nào?

– Bánh tráng truyền thống Tam Quan có hai thành phần chủ yếu là gạo, nước cốt dừa và mè. Bánh rất dày và muốn nướng cho ngon phải có than lửa giòn, nếu lửa không tới bánh sẽ sượng, cứng. Nên nhiều người ở thành phố không có sẵn than sẽ ngại dùng

Chúng tôi khắc phục nhược điểm này bằng bánh nướng sẵn, cho vào túi hút chân không. Nhưng có một quan niệm là bánh nướng bằng máy thì không ngon bằng lửa than, vậy làm sao để thay đổi định kiến này? Tôi dành nhiều thời gian để cải tiến đèn sợi carbon, hiện đèn đã tạo ra bước sóng tỏa nhiệt giống than củi đến 85%.

Ngoài ra, Sachi không chỉ có những loại truyền thống như bánh tráng nước dừa, bánh tráng mè, bánh tráng gạo dùng để cuốn; chúng tôi còn pha trộn những sản vật địa phương để tạo ra một dòng sản phẩm mới là “snack bánh tráng”: như bánh tráng rong biển, bánh tráng ruốc biển, bánh tráng phủ phô mai, bánh tráng mực cay, bánh tráng sấy mắm… Các dòng sản phẩm vị ngon mới lạ, rất cuốn, rất “bắt trend”, phù hợp với giới trẻ và khách quốc tế.

Khi nhận ra sự tương đồng giữa snack và bánh tráng, tôi thấy khả năng hòa nhập của bánh tráng vào gu ẩm thực của giới trẻ và cầu nối giữa các nền văn hóa, vì thế bánh tráng hoàn toàn có thể tiêu thụ mạnh ở trong nước và quốc tế.

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong đội nón lá bán bánh tráng giúp Sachi tại một sự kiện ở Bình Định. Ảnh: Phạm Linh

– Anh rút kinh nghiệm gì từ thất bại trước đó khi bắt tay làm bánh tráng?

– Tôi đã thất bại trong hai lần khởi nghiệp trước, khi đến với Sachi kinh nghiệm cũng nhiều, khó khăn không làm tôi lung lay đáng kể. Sau ba năm Sachi xuất mẻ bánh đầu tiên thì đến năm 2020 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao, nhưng lúc này Covid-19 ập đến, xưởng phải dừng hoạt động 3 tháng. Nhưng lúc này tôi lại nghĩ đến giải pháp bán hàng trực tuyến, nhờ đó duy trì được đội ngũ và xây dựng được kênh các hàng thương mại điện tử.

Hành trình của tôi cũng gặp quý nhân giúp đỡ. Trong một lần mang sản phẩm đi tham dự hội chợ, tôi tình cờ gặp được chủ tịch HĐQT của một công ty IPP Gruop chuyên nhập khẩu và phân phối độc quyền các mặt hàng tiêu dùng nhanh tại TP HCM. Anh ấy rất ấn tượng với sản phẩm và mô hình khởi nghiệp của Sachi, và ảnh cũng là người con Bình Định, nên quyết định đầu tư vào Sachi

Năm 2023, Công ty TNHH Sachi Nguyễn chính thức đổi tên thành Công ty CP IPP Sachi. Cũng trong năm này, tại quê hương Tam Quan, chúng tôi khởi công xây dựng nhà máy mới trên khu đất rộng 2 ha. Hiện nhà máy đã hoàn thiện 3.500 m² nhà xưởng và 500 m² văn phòng, với công suất đạt 5 tấn sản phẩm mỗi ngày, chuyên sản xuất bánh tráng, bún, phở trên dây chuyền tự động.

Nhà xưởng trên khu đất rộng 2 ha của Sachi. Ảnh: Sachi Foods

Nhiều người khi xây dựng được một thương hiệu thành công thường muốn giữ trọn cho riêng mình. Cá nhân tôi cũng từng băn khoăn, nhưng sau nhiều suy nghĩ, tôi nhận ra nếu không tiếp nhận nguồn lực từ bên ngoài thì rất khó để tạo ra bước đột phá. Ngay sau khi bắt tay với đối tác, sản phẩm của chúng tôi đã có mặt tại hầu hết các hệ thống siêu thị lớn như Winmart, Emart, Lotte Mart, Aeon Mall,… hay hệ thống cửa hàng tiện lợi của 7-Eleven, Circle K, điều mà trước đây tôi từng nỗ lực nhưng không thành công.

– Anh có dự định gì cho công ty thời gian tới?

– Tham vọng của chúng tôi là đưa Sachi thành thương hiệu quốc gia. Trong nước, năm nay Sachi đang phấn đấu đưa sản phẩm vào 50% hệ thống siêu thị.

Hơn nữa, tôi muốn mang sản phẩm của quê hương Bình Định đi khắp năm châu, muốn người Việt tự hào về bánh tráng đặc sản.

Khách quốc tế đến thăm gian hàng bánh tráng Sachi tại một hội chợ. Ảnh: Sachi Foods

Lâu nay chúng tôi xuất khẩu qua Đài Loan, Mỹ thông qua đối tác. Nhưng trong tương lai chúng tôi muốn tự mình đưa sản phẩm ra thế giới. Hiện đang tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm ở Trung Quốc, Thái Lan…

Phạm Linh


Anh Nguyễn Hữu Vinh từng đạt nhiều giải thưởng của Liên hiệp hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Bình Định cho các sáng chế phục vụ nông nghiệp. Năm 2020 anh nhận danh hiệu Nhà khoa học của nhà nông.

Năm 2021, anh được huyện Hoài Nhơn vinh danh là một trong 10 công dân tiêu biểu của huyện. Anh là một trong 100 nhà nông được nhận danh hiệu Nông dân Xuất sắc 2022 được Chủ tịch nước trao tặng bằng khen.

Sachi Foods thành lập năm 2017, hiện tạo lao động việc làm cho hơn 100 lao động địa phương. Sản phẩm của công ty nhận chứng nhận ISO 22000, FDA, OCOP 4 sao, HACCP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật