Trong hơn 20 năm qua, diện mạo của các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội đã thay đổi ngoạn mục với sự xuất hiện của hàng loạt tòa nhà chọc trời.
Không chỉ là dấu ấn của tốc độ đô thị hóa, mỗi công trình còn thể hiện tầm vóc, tham vọng và bản sắc của các chủ đầu tư.
Nếu Landmark 81 – toà nhà cao nhất Việt Nam và từng là toà cao nhất Đông Nam Á – trở thành niềm tự hào của Vingroup, thì Bitexco, The Sun lại cho thấy năng lực của doanh nghiệp tư nhân Việt trong việc sớm tạo dựng công trình mang tầm quốc tế.
Bên cạnh đó, sự góp mặt của các “ông lớn” nước ngoài như Landmark 72 – Keangnam Hanoi hay Lotte cũng phản ánh sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư ngoại.
Trong số 7 toà tháp cao nhất Việt Nam có 5 toà toạ lạc tại TP HCM, 2 toà tại Hà Nội. 7 toà nhà với tổng mức đầu tư ước tính trên 114.000 tỷ đồng.

Landmark 81 (461 m)
Với chiều cao 461,2 mét và 81 tầng, Landmark 81 đang là tòa nhà cao nhất Việt Nam và cao nhất Đông Nam Á trước khi toà Merdeka 118 của Malaysia soán ngôi vào năm 2021. Hiện Landmark 81 là toà nhà cao thứ 2 ở Đông Nam Á và nằm trong nhóm những công trình chọc trời hàng đầu thế giới.

Được Tập đoàn Vingroup khởi công từ cuối năm 2014 và khánh thành vào tháng 7/2018, tòa tháp thuộc quần thể khu đô thị Vinhomes Central Park bên sông Sài Gòn, TP.HCM. Landmark 81 được thiết kế lấy cảm hứng từ bó tre vươn cao – biểu tượng của sự đoàn kết và sức mạnh Việt.
Công trình là tổ hợp đa chức năng gồm căn hộ cao cấp, khách sạn 5 sao Vinpearl, trung tâm thương mại Vincom Center, văn phòng và đài quan sát ở tầng 79–81. Tổng vốn đầu tư ước tính hơn 1,5 tỷ USD cho toàn khu, trong đó Landmark 81 là hạt nhân thể hiện tầm vóc và năng lực tài chính của Vingroup trên bản đồ địa ốc.
Landmark 72 – Keangnam Hanoi Landmark Tower (336 m nóc, 350 m đỉnh anten)

Tổ hợp này được khởi công từ năm 2007 bởi Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng Keangnam (Hàn Quốc) và chính thức đưa vào hoạt động năm 2011.
Hiện tại, tòa nhà Landmark 72 thuộc sở hữu của Tập đoàn AON (AON plc). AON đã mua lại khu phức hợp Landmark 72 vào năm 2015, với giá 454 tỷ won (khoảng 8.350 tỷ đồng).
Tọa lạc tại ngã tư Dương Đình Nghệ – Phạm Hùng – Mễ Trì, Hà Nội với chiều cao 336 mét đến nóc và 350 mét tính cả anten, toà nhà từng giữ danh hiệu cao nhất Việt Nam trước khi bị soán ngôi bởi Landmark 81.
Tổ hợp Landmark 72 gồm một tháp chính 72 tầng và hai tháp 48 tầng, tích hợp khách sạn 5 sao, văn phòng hạng A, căn hộ cao cấp và trung tâm thương mại. Tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1 tỷ USD.
Lotte Center Hanoi (267 m)

Toà nhà Lotte Center Hanoi do Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư tọa lạc tại số 54 Liễu Giai, Hà Nội, vị trí đắc địa gần khu Ngoại giao đoàn và Hồ Tây.
Chiều cao của toà nhà là 267m, được khởi công từ năm 2009 và hoàn thành vào tháng 9/2014 với tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu USD.
Thiết kế của tòa nhà lấy cảm hứng từ tà áo dài truyền thống Việt Nam, kết hợp với phong cách kiến trúc hiện đại, sử dụng mặt kính toàn khối và kết cấu vững chắc theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tòa nhà gồm 65 tầng nổi và 5 tầng hầm, tích hợp khách sạn 5 sao, căn hộ dịch vụ, văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại và đài quan sát Sky Walk.
Bitexco Financial Tower (262 m)

Bitexco Financial Tower từng là tòa nhà cao nhất Việt Nam khi hoàn thành vào năm 2010, với chiều cao 262 mét và 68 tầng.
Nằm tại số 2 Hải Triều, ngay trung tâm Quận 1 cũ, nay là Phường Sài Gòn, TP.HCM, công trình do Tập đoàn Bitexco – một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam làm chủ đầu tư.
Thiết kế của tòa tháp do kiến trúc sư người Mỹ Carlos Zapata thực hiện, lấy cảm hứng từ hình ảnh búp sen vươn lên – biểu tượng của sự thanh cao và năng động.
Điểm nhấn đặc biệt là sân đáp trực thăng nhô ra ở tầng 52, góp phần tạo nên diện mạo độc đáo cho công trình. Bitexco Tower là tổ hợp văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại, nhà hàng, đài quan sát, với tổng vốn đầu tư khoảng 220 triệu USD.
Tòa nhà không chỉ là biểu tượng nhận diện đô thị TP.HCM mà còn là bước đi tiên phong của doanh nghiệp tư nhân Việt trong việc tạo dựng những công trình mang tầm vóc quốc tế.
The Sun Tower (240 m)

The Sun Tower do Công ty TNHH Capitaland Tower phát triển, hiện chưa có thông tin công bố chính thức về tổng vốn đầu tư.
Dự án có lợi thế giao thông thuận lợi khi theo quy hoạch, sẽ có 2 trên 5 lối lên xuống ga Ba Son nằm trong khuôn viên khu phức hợp Grand Marina, kết nối trực tiếp tòa The Sun Tower với tuyến metro số 1.
Tòa nhà 55 tầng, cao 240m, được thiết kế với những đường nét hiện đại, khỏe khoắn, kết hợp với cảm hứng từ văn hóa dân tộc qua những tầng giật cấp như ruộng bậc thang.
Vietcombank Tower (206 m)

Vietcombank Tower cao 206 mét với 35 tầng nổi và 4 tầng hầm, là một trong những tòa nhà văn phòng hạng A nổi bật nhất trung tâm TP.HCM.
Tọa lạc tại số 5 Công trường Mê Linh, Phường Sài Gòn, nằm sau tượng đài Trần Hưng Đạo với bốn mặt tiền thoáng đãng, Vietcombank Tower sở hữu tầm nhìn hướng sông Sài Gòn và là một trong những vị trí đắt giá nhất thành phố.
Tòa nhà được khởi công năm 2010 và chính thức vận hành vào năm 2015, tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD.
Tòa nhà Vietcombank Tower được đầu tư và vận hành bởi liên doanh VBB bao gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Bonday Investments Ltd. (Hồng Kông ) – Công ty CP Dịch vụ thương mại TP.HCM (Setra Corp) với tỷ lệ góp vốn lần lượt là 52%, 30% và 18%.
Trong đó, Setra Corp là doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan và được giao nắm giữ vốn góp tại liên doanh này.
Tòa nhà Vietcombank Tower có diện tích sàn gần 1.200 m2, tổng diện tích sử dụng cho khối văn phòng là 55.000 m2. Việc cho thuê văn phòng đã giúp cho VBB “bỏ túi” cả trăm tỷ đồng mỗi năm.
Về thiết kế, dự án mang kiến trúc kết hợp giữa nét hiện đại phương Tây và văn hóa bản địa, với phần đỉnh chóp lấy cảm hứng từ vương miện vua Hùng. Mặt dựng tòa nhà được chế tác từ đá ốp và nhôm kính chất lượng cao, không chỉ mang phong cách hiện đại mà còn giúp tiết kiệm năng lượng.
IFC One Saigon (195 m)

Từng được biết đến với cái tên Saigon One Tower và gắn liền với câu chuyện đình trệ kéo dài gần 2 thập kỷ, đây là công trình cao 195 mét gồm 41 tầng nổi và 5 tầng hầm, nằm ngay ngã ba Tôn Đức Thắng, Hàm Nghi và Võ Văn Kiệt, TP.HCM.
Dự án khởi công từ năm 2007 do Công ty CP M&C làm chủ đầu tư nhưng bị tạm ngưng sau khủng hoảng tài chính, trở thành “cao ốc chết” suốt nhiều năm.
Đến năm 2021, công trình được CTCP Quản lý và Phát triển Viva Land, một đơn vị thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua lại và đổi tên thành IFC One Saigon.
Thiết kế được cập nhật theo chuẩn văn phòng – căn hộ cao cấp hạng A+, mang phong cách hiện đại với mặt kính phủ toàn bộ.
Tổng vốn đầu tư ước tính hơn 250 triệu USD. Sự trở lại của dự án không chỉ giải cứu một “điểm đen” ngay trung tâm thành phố mà còn phản ánh quyết tâm làm mới thị trường bất động sản cao tầng tại TP.HCM sau thời kỳ đóng băng.