Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), từ ngày 11/4 đến 9/5, Tập đoàn Vingroup (VIC) đã phát hành tổng cộng 5 lô trái phiếu, huy động 13.000 tỷ đồng.
Trong đó, ba lô trái phiếu có mã VIC12503, VIC12504 và VIC12505 đều có kỳ hạn 2 năm, lãi suất 12,5%/năm, mỗi lô trị giá 2.000 tỷ đồng. Hai lô còn lại gồm VIC12501 (3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 25 tháng) và VIC12502 (4.000 tỷ đồng, kỳ hạn 38 tháng), đều có lãi suất 12%/năm.
Theo báo cáo tài chính quý I/2025, tổng dư nợ vay tài chính của Vingroup ở mức 248.000 tỷ đồng, gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, dư nợ trái phiếu chiếm hơn 75.000 tỷ đồng. Riêng trong quý đầu năm, tập đoàn này chi 5.579 tỷ đồng để trả lãi vay.
Trước đó, Vingroup đã công bố kế hoạch phát hành 17.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2025.
![]() |
Vingroup phát hành thành công 13.000 tỷ trái phiếu chỉ trong 1 tháng |
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết, Vingroup đang vận hành với 3 trụ cột chính: Công nghệ – Công nghiệp, Thương mại dịch vụ, Thiện nguyện xã hội. Trong thời gian tới, tập đoàn sẽ bổ sung thêm hai trụ cột chiến lược mới là Hạ tầng và Năng lượng.
Ở lĩnh vực hạ tầng, mới đây, ông Vượng đã thành lập CTCP Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này vừa chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tổng mức đầu tư lên tới 1,56 triệu tỷ đồng (khoảng 61 tỷ USD), chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư.
VinSpeed cam kết thu xếp 20% vốn (khoảng 312.330 tỷ đồng, tương đương 12,27 tỷ USD). Phần còn lại, chiếm 80%, công ty đề xuất được Nhà nước hỗ trợ dưới hình thức vay không lãi suất trong 35 năm.
Dự kiến, dự án sẽ khởi công trước tháng 12/2025 và hoàn thành trước tháng 12/2030. Hiện VinSpeed đang đàm phán với các đối tác từ Trung Quốc, Đức và Nhật Bản để tiếp nhận công nghệ và sản xuất đầu máy, toa xe, hệ thống tín hiệu tại Việt Nam.
Trước đó, Vingroup cũng nhận lời mời từ Thủ tướng Chính phủ để đầu tư tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao kết nối TP. HCM và huyện Cần Giờ.
Dự án này được Vingroup đề xuất theo mô hình PPP (hợp tác công tư), với hợp đồng BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh). Doanh nghiệp cam kết tự thu xếp toàn bộ vốn đầu tư, dự kiến khoảng 4 tỷ USD, và sẽ chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý và vận hành toàn bộ tuyến đường trong suốt vòng đời dự án, trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật.
>>Vận động 40.000 nhân viên dùng xe VinFast, công ty lớn được Vingroup (VIC) ưu tiên hợp tác đầu tư