

Ông Suthen Thomas, Giám đốc Công nghệ của Grab cho biết, sau hơn 10 năm gia nhập thị trường, hiện tập đoàn có 7 trung tâm nghiên cứu và phát triển trên thế giới, trong đó một trung tâm đặt tại Việt Nam. Là một trong những công ty công nghệ hàng đầu Đông Nam Á, Grab chọn đầu tư vào con người, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư tài năng và xem đó là nền tảng cho chiến lược phát triển kinh doanh. Mới đây, vị lãnh đạo đã có buổi chia sẻ trực tiếp với VnExpress, xoay quanh định hướng đầu tư này và những mục tiêu ngắn lẫn dài hạn về công nghệ của Grab.

– Ông đánh giá thế nào về tiềm năng kinh doanh và công nghệ của thị trường Việt Nam?
– Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm của Grab tại Đông Nam Á. Đó cũng là lý do chỉ sau ba năm có mặt tại dải đất chữ S, chúng tôi đã xây dựng ngay một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) để thấu hiểu hơn về thị trường và thúc đẩy các cơ hội tăng trưởng.
Chúng tôi nhìn thấy rất nhiều tiềm năng tại Việt Nam cả về kinh tế lẫn công nghệ. Thứ nhất, đây là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh hàng đầu Đông Nam Á, theo dự đoán trong 10 năm tới của Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS). Thị trường tăng trưởng nhanh chóng là cơ hội để Grab liên tục mở rộng danh mục dịch vụ số mang đến tiện ích cho đối tác lẫn người dùng, thông qua chính nền tảng này.
Mặt khác, sứ mệnh của Grab là thúc đẩy sự phát triển của Đông Nam Á thông qua việc tăng cường năng lực kinh tế cho nhiều người hơn. Đồng thời, chúng tôi muốn mang đến sự tiện lợi, nhanh chóng cho người dân thông qua các dịch vụ hàng ngày an toàn, đáng tin cậy. Điều này khá phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Ngoài kinh tế, hệ sinh thái công nghệ đang phát triển cũng là thế mạnh khiến Việt Nam hấp dẫn trong mắt các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chúng tôi thấy tiềm năng lớn từ nguồn nhân lực tài năng tại đây cùng nhiều động thái, chính sách đầu tư giáo dục rõ ràng và hiệu quả. Đó là đòn bẩy thôi thúc doanh nghiệp rót đầu tư.

– Trên một mảnh đất đầy tiềm năng như vậy, Grab “canh tác” thế nào?
– Từ năm 2017, chúng tôi đã mở Trung tâm R&D tại TP.HCM. Đây là nơi đội ngũ kỹ sư công nghệ Việt Nam làm việc với đồng nghiệp tại các Trung tâm R&D khác của Grab trên thế giới để nghiên cứu giải pháp công nghệ phù hợp nhu cầu thị trường. Tôi thường nhắc nhở các kỹ sư của mình rằng “đừng bắt đầu bằng những giải pháp công nghệ cụ thể nào” hay “đừng bị thu hút bởi những xu hướng mới hay từ khóa đang hot”. Hãy bắt đầu bằng cách xác định những khó khăn người dùng đang gặp phải, họ cần giải quyết điều gì, cần giúp đỡ ở đâu, rồi sử dụng công nghệ để giải quyết nó. Đó chính là cách chúng tôi khai phá tiềm năng, mở khóa thị trường.
Grab hướng đến đầu tư lâu dài vào Trung tâm R&D tại TP HCM. Trong hai năm 2023-2024, số lượng nhân sự tại đây đã tăng hơn 60%.
Với định hướng nêu trên, mỗi nhân sự khi giải một bài toán nào đó, không chỉ gói gọn trong thị trường Việt Nam mà còn mở rộng nó, nghiên cứu những giải pháp đa tiện ích khác cho các thị trường khác của Grab trên toàn khu vực. Một trong số đó là Grab For Business (Grab cho doanh nghiệp) – giải pháp giúp doanh nghiệp quản lý nhu cầu di chuyển và đặt đồ ăn cho nhân viên hiệu quả trên ứng dụng. Phần lớn giải pháp công nghệ cho dịch vụ này do các kỹ sư Việt thực hiện và hiện được sử dụng cho các thị trường khác nhau của Grab ở Đông Nam Á.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng cách tiếp cận này không chỉ áp dụng tại TP HCM mà tất cả trung tâm R&D khi xây dựng giải pháp công nghệ đều không nhìn qua lăng kính riêng của một quốc gia hay dịch vụ đơn lẻ nào. Tất cả đều đặt trong hệ quy chiếu của 8 thị trường, từ đó hình thành giải pháp lõi rồi địa phương hóa theo từng khu vực.

– Địa phương hóa các tính năng trên một siêu ứng dụng không phải bài toán dễ dàng, Grab giải quyết điều đó thế nào?
– Dù các giải pháp công nghệ của Grab ra đời để phục vụ cả 8 thị trường, song Đông Nam Á không phải khối đồng nhất. Mỗi quốc gia có đặc tính riêng, bao gồm ngôn ngữ, văn hóa, quy định tài chính, tiền tệ, thanh toán, kinh tế – xã hội… Do đó việc triển khai một số tính năng đặc thù dựa trên đặc điểm riêng của từng thị trường vẫn là yếu tố quan trọng với Grab.
Để làm được điều này, điều đầu tiên là chúng tôi cần thấu hiểu mỗi mảnh ghép trong bức tranh chung. Mạng lưới dịch vụ của Grab trải rộng khắp 8 quốc gia Đông Nam Á, có mặt tại hơn 700 thành phố với hàng triệu đối tác tài xế và nhà hàng – cửa hàng đang dựa vào ứng dụng cho các cơ hội sinh kế mỗi ngày. Ngoài ra, chúng tôi có hơn 40 triệu người dùng giao dịch hàng tháng. Đồng nghĩa với một khối lượng lớn thông tin giúp Grab thấu hiểu người dùng, đối tác, thị trường.
Đơn cử tại Việt Nam, đa số phương tiện giao thông là xe hai bánh. Nên các dịch vụ di chuyển của Grab cần tối ưu các vấn đề liên quan tuyến đường, đèn hiệu, biển báo cho xe máy thay vì chỉ cho ôtô. Dữ liệu thu thập được từ chính các tài xế, người dùng sử dụng dịch vụ Grab hàng ngày là cơ sở giải quyết cho những vấn đề này.
Từ năm 2022, chúng tôi đã đưa GrabMaps vào sử dụng cho cả 8 thị trường của Grab tại Đông Nam Á. Chúng tôi tối ưu các chỉ dẫn lộ trình dành cho xe hai bánh, giúp đối tác tài xế di chuyển hiệu quả hơn, an toàn hơn, rút ngắn thời gian chờ đợi, tránh tắc đường. Đồng thời, thời gian chờ xe và đến nơi của người dùng cũng được tính toán chính xác hơn dựa trên tình trạng thực tế của mỗi cung đường.
Để làm được điều đó, Grab đã nghiên cứu và phát triển các thiết bị thu thập thông tin riêng. Đơn cử như KartaCam 1 và 2, có khả năng ghi hình 360 độ, thường được lắp trên mũ hoặc trần xe ôtô và gửi dữ liệu về theo thời gian thực. Đến nay, chúng tôi có thể tự hào khi nói rằng Grab có hơn 500.000 điểm cập nhật GPS mỗi giây đến hệ thống, cho phép chúng tôi cập nhật dữ liệu mới liên tục.

– AI hiện là một trong những từ khóa hấp dẫn nhất toàn cầu, còn tại Grab, công nghệ này đang được ứng dụng thế nào?
– Chúng tôi đã bắt đầu sử dụng và tích hợp AI vào sản phẩm từ 2018. Đến nay, chúng tôi có hơn 1.000 mô hình máy học đang vận hành trong hầu hết khía cạnh của ứng dụng Grab và vẫn đang tăng thêm mỗi ngày.
Một ví dụ về việc tích hợp AI là tính năng điều hướng giúp phân bổ tài xế cho người dùng. Thay vì chỉ áp dụng để tìm tài xế gần nhất cho người dùng, chúng tôi tham vọng hơn khi tìm cách phân bổ tài xế, tối ưu cả hai yếu tố: cự ly và tuyến đường. Không chỉ người dùng tìm được phương tiện nhanh, gần, đối tác tài xế cũng tìm được cuốc xe phù hợp lộ trình mong muốn và thói quen hoạt động của họ trên nền tảng Grab.
Ngoài ra, AI còn được sử dụng xuyên suốt trong các sản phẩm giúp tăng cường tính an toàn cho các chuyến xe Grab.
Một lĩnh vực khác chúng tôi đang áp dụng là AI tạo sinh giúp cải thiện hiệu suất làm việc của nhân viên Grab. Đây cũng là một trong những lĩnh vực được Grab đầu tư mạnh mẽ để nâng cao kỹ năng, đào tạo nhân viên sử dụng thành thạo các công cụ này.

– Các tính năng có sự hỗ trợ của AI tạo sinh mang lại lợi ích gì cho người dùng, đối tác của Grab?
– Với đối tác nhà hàng – quán ăn, chúng tôi đang giới thiệu các tính năng tích hợp AI tạo sinh để hỗ trợ họ tạo hình ảnh món ăn dựa trên mô tả được cung cấp. Ngoài ra, một số cửa hàng có thể gặp khó trong việc mô tả món ăn. Các tính năng trên sẽ viết thay, thậm chí chuyển đổi sang nhiều ngôn ngữ khác nhau theo tuỳ chọn của người dùng.
Tính năng hữu ích kế tiếp là tạo menu. Chủ quán chỉ cần chụp ảnh thực đơn được in sẵn, AI sẽ tự động nhận diện, xử lý thông tin và tạo menu để tải lên ứng dụng. Những tính năng này giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực và nâng cao hiệu quả vận hành của các cửa hàng.
Kế đến là lĩnh vực chúng tôi rất hứng thú là Chatbot được hỗ trợ bởi AI giúp thay đổi cách người dùng trải nghiệm và tương tác với các nền tảng như Grab.
Cụ thể, chúng tôi xây dựng một Chatbot AI, hay còn gọi là Trợ lý AI. Đối tác nhà hàng, cửa hàng có thể sử dụng công cụ này như một nhà tư vấn cá nhân giúp họ phát triển kinh doanh. Từ những dữ liệu được hệ thống thu thập và phân tích như hiệu suất kinh doanh, các món ăn, tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng, đánh giá của người dùng, Trợ lý AI có thể đưa ra gợi ý kinh doanh , giúp họ cải thiện hiệu quả hoạt động trên nền tảng Grab.
Đến nay, các tính năng bước đầu nhận nhiều phản hồi tích cực từ các đối tác nhà hàng, cửa hàng. Hiện khoảng 70% đối tácGrabFood tại Việt Nam đã sử dụng công cụ hỗ trợ mô tả thực đơn. Đó là một con số khả quan, cho thấy họ đã biết cách ứng dụng công nghệ để việc kinh doanh trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
– Là doanh nghiệp công nghệ, Grab đã làm gì để góp phần cải thiện chất lượng nhân sự kỹ sư công nghệ và thu hút tài năng tại Việt Nam?
– Kỹ sư Việt thật sự rất tài năng. Đây là minh chứng cho sự đúng đắn và hiệu quả của các khoản đầu tư vào giáo dục của chính phủ. Đó cũng là lý do Grab cam kết lâu dài trong việc mở rộng năng lực công nghệ tại Việt Nam, đào tạo và phát triển kỹ năng cho các kỹ sư, từ đó góp phần xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao cho tương lai.
Theo đó, để phát triển tài năng và hệ sinh thái công nghệ tại Việt Nam, Grab tập trung hai khía cạnh trong và ngoài doanh nghiệp. Ở phương diện nội bộ, chúng tôi có các hoạt động đào tạo cho kỹ sư công nghệ, giúp cải thiện khả năng ngoại ngữ, đồng thời phát triển những kỹ năng có thể áp dụng khi làm việc tại Grab hay bất kỳ công ty nào khác.
Cũng có các buổi chia sẻ về bài học công nghệ rút ra trên hành trình của mình tại trường đại học . Song song đó, công ty có chương trình thực tập sinh tạo cơ hội cho các kỹ sư công nghệ tương lai có thể trải nghiệm môi trường làm việc tại Grab.
Chúng tôi tin rằng đầu tư vào nhân lực là cách xây dựng hệ sinh thái công nghệ bền vững. Tài năng được tạo điều kiện phát triển năng lực sẽ trở thành động lực thúc đẩy những cá nhân khác phát triển, mang lại hiệu ứng cấp số nhân.

– Ông có lời khuyên nào cho các tài năng công nghệ trẻ muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này?
– Tôi cũng từng là một kỹ sư trẻ, bắt đầu từ lúc chưa có kinh nghiệm, tích lũy theo thời gian và phát triển đến vị trí hiện tại. Với trải nghiệm của mình, tôi muốn khuyên các kỹ sư công nghệ rằng hãy luôn ghi nhớ công việc của mình thực sự là gì.
Đừng nghĩ đó là việc dễ dàng vì tôi cũng từng gặp khó khi định nghĩa công việc, sự nghiệp mình theo đuổi. Khi còn trẻ, tôi cho rằng công việc của mình sau này chỉ là lập trình, viết code và giải quyết các vấn đề kỹ thuật. Nhưng chỉ nhiêu đó là chưa đủ.
Nhiệm vụ của một kỹ sư công nghệ là giải quyết các vấn đề cho người dùng và đối tác. Giữ điều đó trong tâm trí, các bạn sẽ không chỉ là người ngồi một chỗ viết những dòng code mà sẽ là người đứng ra giải quyết các vấn đề vĩ mô hơn. Những kỹ năng như lập trình có thể thay đổi theo thời gian, giống như việc nay đã có những “trợ lý AI” giúp đỡ. Tuy nhiên khả năng thấu hiểu vấn đề, tạo ra giá trị người dùng và đối tác cần, nắm bắt đúng nhu cầu của họ lại là điều chỉ con người mới có thể làm được.

Nội dung: Thy An
Thiết kế: Ngân Hà
Ảnh: Grab