spot_img
34 C
Hanoi
spot_img

Anh Phan Đình Huynh, sống tại phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu là một trong những nông dân đầu tiên tại địa phương tham gia dự án từ tháng 4/2023. Mùa đầu tiên, anh trồng thử nghiệm giống khoai mì mới HN1 mà dự án giới thiệu trên diện tích chỉ 1.000 m2.

Sau một mùa, nhận thấy công sức và chi phí bỏ ra giảm trong khi sản lượng khoai mì thu hoạch lại tăng, người đàn ông đã hơn 20 năm theo đuổi công việc trồng khoai mì tiếp tục mở rộng diện tích canh tác giống mì HN1. Anh dành toàn bộ khu vườn đất đỏ rộng 28 ha tại phường Hắc Dịch để tham gia dự án. Những ngày tháng 3, vườn của anh trong giai đoạn thu hoạch. Anh Huynh nhẩm tính, mỗi gốc cây cho một chùm củ nặng hơn 3 kg, mỗi ha anh trồng được khoảng 13.000 cây, vậy là thu về khoảng hơn 40 tấn củ, gấp hơn hai lần sản lượng những năm trước đó.

Cách khu vườn của anh Huynh vài km, tại phường Phước Hòa cùng thị xã Phú Mỹ, anh Nguyễn Văn Mạnh, người đã có 12 năm trồng khoai mì cũng dành 40 ha đất cát để canh tác giống HN1. Vườn mì của anh sắp đến thời kỳ thu hoạch, dù thân cây không phát triển cao như trồng trên vùng đất đỏ nhưng vẫn cho ra những chùm củ nặng hơn 3 kg. Đây là năm thứ hai anh Mạnh tham gia dự án. Anh Mạnh cho biết, với giống cây mới và phương pháp canh tác mới, anh tiết kiệm được 15% chi phí đầu vào (từ 20 triệu đồng xuống còn 17 triệu đồng/ha), trong khi năng suất tăng gấp đôi (từ 18-20 tấn/ha tăng lên 39-41 tấn/ha), nên đời sống cũng khá hơn.

Anh Nguyễn Văn Mạnh (phải) và cán bộ dự án “Khoai mì bền vững” của Ajinomoto Việt Nam bên vườn khoai mì của gia đình anh Mạnh tại Phước Hòa, Phú Mỹ, Bà Rịa Vũng Tàu.

Một trong những điểm nổi bật của dự án “Khoai mì bền vững” chính là việc thay thế những giống cây cũ bằng giống cây HN1 để cho năng suất cao hơn. Giống HN1 được triển khai bởi Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc (là đơn vị chuyên sâu nghiên cứu về giống cây trồng cạn và hệ thống canh tác của vùng Đông Nam Bộ, trực thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam). Chương trình phát triển giống HN1 bắt đầu từ năm 2017, thời điểm Việt Nam xuất hiện bệnh khảm lá mì do virus gây ra. Căn bệnh khiến năng suất khoai mì giảm mạnh, khoảng 40%-50%.

HN1 có khả năng chống bệnh khảm lá, cây phát triển mạnh. Bên cạnh đó, giống này có dạng thân thẳng giúp người nông dân dễ cơ giới hóa các công việc trồng, chăm sóc và thu hoạch, từ đó giảm nhân công lao động để giảm chi phí sản xuất. HN1 cũng là giống khoai mì có hàm lượng tinh bột cao (khoảng 28-30%) giúp sản phẩm đạt giá trị cao khi bán cho các nhà máy sản xuất tinh bột khoai mì.

Anh Huynh chia sẻ, những vụ cây khoai mì bị khảm lá, anh thậm chí chỉ thu hoạch được khoảng 10-15 tấn/ha. Chưa kể khi cây mắc bệnh, người trồng phải tốn nhiều công chăm sóc hơn, phải dành thời gian trị bệnh cho cây, tốn thêm cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ cây. Việc Ajinomoto Việt Nam kết hợp Trung tâm Hưng Lộc giới thiệu giống mới HN1 tới bà con giúp người trồng vừa tăng năng suất, vừa giảm chi phí đầu vào cũng như giải phóng phần nào sức lao động.

Vườn khoai mì của anh Phan Đình Huynh tại phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu trong mùa thu hoạch 2025.

Điểm nổi bật thứ hai của dự án là kỹ thuật canh tác hướng đến cả tăng năng suất cây trồng cũng như tính bền vững cho môi trường. Trước khi tham gia dự án, anh Huynh thường bón lót một lần bằng phân hữu cơ và bón thúc 2-3 lần bằng phân hóa học. Dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư nông nghiệp thuộc dự án “Khoai mì bền vững”, anh đã chuyển đổi bón lót và bón thúc bằng phân bón sinh học Ami-Ami α, phân bón hữu cơ sinh học sAMI – các loại phân bón này là sản phẩm đồng hành trong quá trình sản xuất bột ngọt Aji-no-moto.

Anh Mạnh cũng cho biết, với giống HN1, anh đã tự giảm số lần bón phân hóa học. Trước đây, ngoài bón lót, anh còn phải bón thúc ba lần (lần đầu khi cây được 40 ngày, lần hai sau đó hai tháng và lần ba sau đó ba tháng). Tuy nhiên, với giống mới HN1, anh quyết định chỉ bón lót một lần và bón thúc một lần vì cây không bị khảm lá. “Tôi trồng cây theo tự nhiên, không tưới nước mà cây đón nước mưa để phát triển nên khá đơn giản, cũng không tiêu tốn tài nguyên nước hay điện”, anh Mạnh chia sẻ thêm.

Trong quá trình triển khai dự án, Ajinomoto Việt Nam phối hợp với người nông dân từng bước cơ giới hóa các công đoạn canh tác. Anh Huynh là một những nông dân đầu tiên cùng đơn vị áp dụng kết hợp bón lót và cày bừa đất trước khi gieo trồng trên cùng một lần chạy máy kéo. Theo anh, tuy mất một khoản đầu tư mua máy ban đầu nhưng sau đó anh được lợi về công và chi phí. “Ngày xưa phải cuốc lỗ bỏ phân rất mỏi tay và mất thời gian, giờ máy chạy một lần là xong”, anh Huynh nói. Đến giai đoạn bón thúc, anh lại áp dụng kỹ thuật phủ bạt khi tưới phân, giúp lượng phân tập trung vào cây, không bị hao hụt ra bên ngoài. Phương pháp này giúp tránh được tình trạng cỏ mọc nên chủ vườn không mất công làm cỏ cũng như không cần thuốc trừ cỏ, từ đó góp phần mang lại sự bền vững cho môi trường. Anh Huynh chia sẻ, canh tác theo phương thức mới của dự án “Khoai mì bền vững” mang lại hiệu quả hơn cách làm truyền thống. “Cây khỏe thì người trồng đỡ phải chăm, cây tốt thì đỡ khổ. Anh em công nhân đi thu hoạch thấy củ đẹp đều thích, còn chủ vườn càng vui hơn”.

Ajinomoto khởi động dự án “Khoai mì bền vững” từ tháng 4/2023, tại 4 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh và Bà Rịa Vũng Tàu. Năm đầu tiên, dự án làm thí điểm với tổng diện tích triển khai là 78,3 ha. Đến năm thứ hai, diện tích trồng của dự án đã tăng gần 7 lần, lên 503,3 ha với 27 hộ nông dân.

Dự án bao gồm 4 nội dung hoạt động chính. Đầu tiên là phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc giới thiệu giống mới HN1 có năng suất cao và có khả năng kháng bệnh khảm lá cho người nông dân.

Sau khi giống cây được phát triển tại vườn ươm Hưng Lộc, Ajinomoto Việt Nam tiếp tục theo dõi quá trình phát triển tại vườn thực nghiệm trong khuôn viên nhà máy của mình để đảm bảo hiệu quả cao nhất, rồi mới giới thiệu tới người nông dân.

Nội dung hoạt động thứ hai của dự án là giới thiệu phương pháp canh tác mới, kết hợp sử dụng phân bón sinh học AMI-AMI α. Phân bón sinh học AMI-AMI α vừa cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây vừa gia tăng hữu cơ trong đất, hướng tới việc canh tác bền vững, giúp nâng cao năng suất và ổn định. Đồng thời, việc thay thế phân hoá học bằng phân hữu cơ đã giúp giảm phát thải CO2. Doanh nghiệp cũng phối hợp với Trung tâm Hưng Lộc tổ chức hội thảo đầu bờ, tư vấn trực tiếp, cung cấp những thông tin về kỹ thuật trồng khoai mì tiên tiến nhất với mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng, đảm bảo tính bền vững trong canh tác khoai mì…

Ông Lê Trọng Tuấn, Trưởng phòng Phát triển Nông nghiệp, Công ty Ajinomoto Việt Nam chia sẻ, lúc mới triển khai dự án, người nông dân còn nhiều bỡ ngỡ với phương pháp canh tác mới, nhất là sử dụng giống mới và dùng phân bón sinh học dạng lỏng. Họ lo ngại khoai mì không đạt năng suất và độ bột như phương pháp truyền thống. Nhân viên phòng Phát triển Nông nghiệp của công ty và bộ phân mua hàng đã đến từng nông hộ để giải thích, thuyết phục và xây dựng mô hình điểm nhỏ để chứng tỏ hiệu quả.

Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc Phạm Thị Nhạn tại vườn khoai mì của trung tâm.

Nội dung quan trọng thứ ba của dự án là phát triển và đưa vào sử dụng ứng dụng “Khoai Mì – Aji” trên điện thoại thông minh, giúp người nông dân phát hiện sâu bệnh để có biện pháp xử lí kịp thời, giảm thiểu thiệt hại cho vụ mùa. Ứng dụng cũng giúp người nông dân theo dõi quá trình canh tác, mùa vụ và kiểm soát quá trình chăm sóc cây khoai mì tốt hơn. Ứng dụng còn xây dựng cộng đồng để chia sẻ các kỹ thuật trồng khoai mì của bà con.

Cuối cùng, Ajnomoto Việt Nam hỗ trợ kết nối với các đơn vị thu mua tinh bột nhằm đảm bảo đầu ra để người nông dân yên tâm sản xuất. Theo thống kê của Ajinomoto Việt Nam, sau 24 tháng triển khai, dự án đã giúp năng suất khoai mì tại các hộ nông dân triển khai dự án đạt trung bình 41 tấn/ha, gấp đôi phương pháp canh tác truyền thống; giúp người nông dân tăng thu nhập từ khoai mì khoảng 150%-200% Dự án cũng góp phần giảm phát thải CO2, ước tính giúp giảm 141 tấn CO2 trong năm 2024.

Thu hoạch khoai mì tại vườn của anh Phan Đình Huynh.

Ajinomoto Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ mở rộng diện tích trồng khoai mì theo dự án lên khoảng 20.000 ha, hướng đến giảm thiểu CO2 phát sinh so với cách canh tác hiện tại khoảng 5.600 tấn CO2 mỗi năm, góp phần làm giảm tác động đến môi trường tự nhiên. Đồng thời, 100% lượng nguyên liệu bột mì phục vụ cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sẽ được thu mua từ khoai mì của dự án, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho sản xuất.

Ông Lê Trọng Tuấn chia sẻ thêm, dự án không chỉ mang lại lợi ích cho người nông dân trồng khoai mì mà còn đóng góp cho việc bảo vệ môi trường. “Ngoài ra, bằng cách cải thiện năng suất khoai mì, chúng tôi bảo đảm được nguồn nguyên liệu tinh bột mì phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm của mình. Đây chính là mô hình kinh tế tuần hoàn mà trong đó tất cả các bên liên quan đều được hưởng lợi và cùng nhau góp phần làm cho trái đất của chúng ta xanh, sạch hơn”, ông Tuấn cho biết.

Nội dung: Hoàng Anh I Ảnh: Quỳnh Trần I Thiết kế: Thái Hưng

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật