spot_img
24 C
Hanoi
spot_img

Vinamilk là doanh nghiệp tiên phong công bố lộ trình tiến đến Net Zero vào năm 2050. Dịp này, Tổng giám đốc Mai Kiều Liên chia sẻ kỹ hơn về mục tiêu phát triển bền vững, tiến tới cam kết chung của Chính phủ.

– Năm 2021, Việt Nam đưa ra các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu “Phát thải ròng bằng 0 – Net Zero vào 2050”. Hiện Net Zero và phát triển bền vững là mối quan tâm hàng đầu của nhiều công ty, tập đoàn. Theo bà, có cuộc đua nào giữa các doanh nghiệp không và rủi ro (nếu có) là gì?

– Chỉ thị trường mới có sự cạnh tranh, còn với phát triển bền vững, tôi nghĩ không có cuộc đua nào hết. Nếu có, sẽ là cuộc đua của chính chúng ta với thời gian.

Mỗi doanh nghiệp có cách thực hiện riêng và đóng góp nhất định vào mục tiêu chung Net Zero. Không thể đạt phát thải ròng bằng 0 nếu chỉ đi một mình. Chúng ta cũng không cần so sánh với người khác, hãy cố gắng làm tốt hơn chính mình ngày hôm qua. Quan trọng là vạch ra chiến lược, kế hoạch và đích đến cụ thể.

Tôi nghĩ phát triển bền vững không có rủi ro, mà chỉ có lợi. Từ trước đến nay, với mọi hoạt động, chúng tôi luôn tính đến yếu tố hiệu quả một cách tổng thể. Bên cạnh mục tiêu doanh thu, sẽ có lợi về môi trường, tăng uy tín thương hiệu – yếu tố gắn kết trực tiếp người tiêu dùng. Nếu có thể đưa sản phẩm của mình đến gần người dân, có ích với môi trường và cộng đồng, thành quả ấy không thể đo đếm bằng tiền.

Trên đường đua với thời gian bà vừa nói, nguyên tắc của bà và Vinamilk là gì?

– Phục vụ sức khỏe cộng đồng, phát triển thế hệ tương lai luôn là mục tiêu lớn của Vinamilk. Kinh doanh có lúc lên, lúc xuống, còn tùy thị trường, nhưng muốn phát triển bền vững thì phải xuất phát từ trách nhiệm, cái tâm.

Từ trước khi có cam kết cụ thể như Net Zero, ban lãnh đạo luôn quán triệt một điều “muốn phát triển, mình không được làm hại người khác”. Nghĩa là tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh phải mang lại giá trị cho cộng đồng, người xung quanh, bản thân cán bộ nhân viên và đặc biệt là vị thế thương hiệu sữa dẫn đầu tại Việt Nam. Đây là nguyên tắc tôi luôn nói với nhân viên, đối tác.

Có những thứ không bắt buộc, chúng tôi vẫn tự nguyện theo đuổi. Từ hàng chục năm trước, chưa ai đặt vấn đề về Net Zero và phát triển bền vững, Vinamilk đã triển khai nhiều chương trình liên quan môi trường, cộng đồng… và xem đó là một trong những chiến lược quan trọng. Các nội dung này được công bố trong cuốn “Báo cáo phát triển bền vững”, lập theo chuẩn mực quốc tế từ 2012 đến nay, chúng tôi công khai, minh bạch mọi thông tin, hoạt động đến các bên.

Bà nói đã triển khai phát triển bền vững từ nhiều năm trước. Cụ thể công ty đã làm gì và vì sao có ý tưởng đi trước như vậy?

– Từ thập niên 1990, chúng tôi bắt tay với các hộ nông dân chăn nuôi bò sữa để xây dựng vùng nguyên liệu sữa tươi chủ động trong nước. Tiếp đó, để nâng cao năng suất, chất lượng sữa, Vinamilk đầu tư xây các trang trại, đồng thời ký hợp đồng với hộ trồng ngô, cỏ để làm thức ăn cho bò. Phân bón hữu cơ từ đàn bò sữa (đã xử lý) sẽ hỗ trợ bà con trồng trọt. Ngô và cỏ sẽ cung cấp ngược lại làm thức ăn cho bò sữa. Chuỗi kinh tế tuần hoàn này vừa giảm phát thải, bảo vệ nguồn đất, vừa cải thiện sinh kế.

Khi xây dựng, mở rộng trang trại, tôi cùng ban lãnh đạo định hướng áp dụng Global GAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Đồng thời ứng dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo ở toàn bộ nhà máy, trang trại, cố gắng giảm phát thải càng nhiều càng tốt.

Mục tiêu tự động hóa để tiết kiệm năng lượng được triển khai từ lúc xây nhà máy khoảng 10 năm trước. Tất cả xe nâng ở nhà xưởng chuyển từ dùng xăng, dầu sang điện. Từ các lò hơi chúng tôi ứng dụng biomass từ bã mía, gỗ dăm bào thay cho dầu, tăng dùng năng lượng mặt trời.Vinamilk cũng kiểm kê khí nhà kính tại hệ thống nhà máy, trang trại theo chuẩn quốc tế từ năm 2021. Chúng tôi mời đơn vị chứng nhận độc lập châu Âu tư vấn, thực hiện. Họ sẽ đánh giá lượng phát thải đến từ đâu và từ đó, chúng tôi đưa ra các giải pháp có thể cắt giảm, với lộ trình cụ thể.

– Nguồn lực nào để Vinamilk đầu tư làm phát triển bền?

– Cuộc đầu tư nào cũng sẽ tốn kém. Tôi nghĩ người giàu có cách làm theo kiểu giàu, có thể đi nhanh, làm lớn hơn. Nhưng không có nghĩa là người ít tiền không thể làm. Mỗi doanh nghiệp có cách làm riêng, phù hợp với mình. Khi chưa đủ tài chính, ta có thể đi từng bước, nhưng tiên quyết phải bắt tay làm mới có thành quả.

Năm 2013, chúng tôi khánh thành cùng lúc một nhà máy sữa nước, một nhà máy sữa bột, đầu tư hơn 200 triệu USD cho dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ chế biến chuẩn quốc tế, các robot tự động, kho thông minh đến quy trình quản lý, vận hành theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải.

Chỉ hơn ba năm, dự án trên đã thu hồi vốn. Đến nay, nhà máy này có mức giảm phát thải tốt, dù sản lượng lớn. Điều cho thấy chiến lược đầu tư công nghệ cao mang đến kết quả vượt kỳ vọng. Khâu sản xuất giảm bớt can thiệp sức người, năng suất sẽ lớn hơn, tỷ lệ thuận là chất lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao.

Nhân viên là nguồn lực lớn của mọi doanh nghiệp. Suốt 48 năm qua, nhiều thế hệ nhân sự Vinamilk luôn bền bỉ, đồng lòng trong mọi dự án về cộng đồng hay môi trường. Điển hình, chúng tôi khởi động chương trình trồng một triệu cây xanh từ 2012, ban đầu chỉ trồng được vài trăm cây, về sau thêm vài nghìn, vài chục nghìn cây. Năm 2021, mục tiêu một triệu đã hoàn tất, thậm chí còn vượt kế hoạch.

– Thách thức bà gặp phải khi triển khai các dự án giảm phát thải?

– Có rất nhiều thách thức. Ngành sữa thế giới khoảng 300 tuổi, trong khi Việt Nam mới phát triển gần 50 năm. Net Zero vẫn là khái niệm mới với ngành sữa, chúng tôi mày mò, học hỏi cách các tập đoàn lớn thế giới giảm phát thải rồi nghiên cứu theo thực tế của Việt Nam để ứng dụng cho doanh nghiệp của mình. Tiếp đó, phải có nguồn lực. Không chỉ tiền mà còn cả nhân lực, kinh nghiệm, công nghệ và nhiều yếu tố khác.

Muốn thực hiện mục tiêu này, cần phải dài hạn, không thể thành công trong 1-2 năm. Chính phủ cam kết Net Zero đến năm 2050, tức chúng ta chỉ còn 25 năm nữa. Phải rất kiên trì, bền bỉ mới thực hiện được. Trên thế giới hiện có rất nhiều công nghệ, giải pháp góp phần giảm phát thải, giảm tiêu thụ điện, nước… vấn đề là doanh nghiệp có định hướng chiến lược để vạch ra lộ trình áp dụng hay không.

Tôi cho rằng thành công hay lụn bại đều do con người. Thách thức lớn nhất là mình có theo kịp sự biến đổi nhanh chóng và xu thế toàn cầu hay không. Tôi thường nói với nhân viên: thế giới đang thay đổi chóng mặt, người Vinamilk cần tự chủ, cầu tiến, quyết liệt hơn nữa và sẵn sàng tư duy lại những điều đã biết để làm tốt hơn. Đó mới là điều quan trọng, quyết định sự phát triển trong tương lai.

– Như bà đã nói: không thể đạt Net Zero nếu chỉ đi một mình. Bà thuyết phục mọi người tham gia lộ trình phát triển bền vững của mình ra sao và gặp trở ngại gì?

– Đến giờ, tôi chưa gặp trở ngại nào, kể cả từ phía nhà cung cấp. Chúng tôi trao đổi với họ về định hướng của mình, đưa ra yêu cầu cụ thể và họ hào hứng, đồng tình áp dụng các giải pháp bền vững. Cũng nhờ khâu truyền thông mạnh mẽ, sâu rộng mà các doanh nghiệp, chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu dùng… đều hiểu tầm quan trọng của phát triển bền vững lẫn Net Zero.

Tôi cho rằng tất cả doanh nghiệp đều phải tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năm 2023, Vinamilk nằm trong Top 10 các thương hiệu có tính bền vững của ngành sữa toàn cầu, thế giới đánh giá cao hành động đóng góp vào phát triển bền vững của chúng tôi, chứ không đơn thuần chỉ xét doanh thu, lợi nhuận và thế mạnh tài chính.

– Vinamilk gặp thách trong quá trình thuyết phục người tiêu dùng?

– Người tiêu dùng, nhất là giới trẻ hiểu hơn và phần nào ủng hộ nỗ lực xanh hóa sản xuất của các công ty. Ước tính, cứ 10 gia đình, có đến 9 hộ dùng sản phẩm Vinamilk. Chúng tôi luôn ghi nhớ: Vinamilk có quy mô hiện tại là nhờ người tiêu dùng. Đáp ứng nhu cầu khách hàng, doanh nghiệp mới lớn mạnh.

Các sản phẩm có yếu tố “xanh”, phát triển bền vững có chi phí cao hơn, đó cũng là băn khoăn của người tiêu dùng. Do đó, Vinamilk vẫn cung cấp nhiều phân khúc, mọi gia đình có thể tìm được sản phẩm phù hợp, đảm bảo chất lượng.

Việc chúng ta cần làm là truyền thông điệp rõ ràng. Những năm qua, với mỗi chương trình chúng tôi đều kêu gọi người tiêu dùng đồng hành, chung tay giúp cuộc sống xanh, sạch hơn cho bản thân lẫn con em, thế hệ tương lai.

Tôi vui khi nhiều học sinh mẫu giáo, cấp một hưởng ứng đổi vỏ hộp sữa lấy cây xanh hay thu lại hộp sữa sau khi uống xong để tái chế. Những hình ảnh đó đặt cho chính chúng ta câu hỏi: mình sẽ để lại gì cho thế hệ mai sau?

– Theo bà, tầm nhìn của người lãnh đạo đóng vai trò thế nào trong lộ trình Net Zero?

– Vinamilk không sợ thay đổi, nếu điều đó cần thiết. 48 năm gắn bó, 32 năm điều hành và trải qua nhiều vị trí, khi soi chiếu lại, tôi thấy rõ một thực tế: nếu người lãnh đạo đưa ra hướng đi nhưng không thuyết phục được đội ngũ, sẽ không thể thành công.

Tại Vinamilk, lộ trình Net Zero hiện là chiến lược chung, từ đó áp dụng cho từng khối chức năng, đơn vị, phòng ban với các mục tiêu, KPIs cụ thể. Nó không phụ thuộc từng cá nhân lãnh đạo nữa mà là quy trình, với các hạng mục cụ thể được chuẩn hóa, mỗi bộ phận, cá nhân cần tuân thủ.

Chúng tôi đòi hỏi nhân viên không ngừng sáng tạo và liên tục nâng cao hệ tiêu chuẩn này, cố gắng làm tốt nhất và hơn thế nữa. Ví dụ, trước đây có thể phương án A rất tốt cho khâu quản lý khí thải nhà kính, nhưng nay để trung hòa phát thải, chúng ta cần tiêu chuẩn B, C…

Hoặc mới đây, khi tiến hành dự án khoanh nuôi rừng ngập mặn ở Cà Mau, nhân viên Vinamilk hào hứng lội bùn, không quản mưa nắng để làm hàng rào giúp tái sinh rừng. Chúng tôi là một tập thể, cùng hướng tới phát triển bền vững, không phải là cá nhân đơn lẻ.

Bà Mai Kiều Liên trong một sự kiện của Vinamilk.

Bà đã chuẩn bị gì cho Vinamilk của 10-20 năm tới?

– Chúng tôi đã, đang chuẩn bị nhiều điều cho cột mốc 50 năm, là thời điểm kết thúc giai đoạn chiến lược 5 năm (2022-2026) và tiến đến mốc đầu tiên trên lộ trình Net Zero (giảm phát thải 15% vào 2027) như đã cam kết.

Không riêng Vinamik, doanh nghiệp nào cũng cần xây dựng thế hệ tiếp nối. Hiện chúng tôi có nhiều cá nhân xuất sắc, quy trình đào tạo người kế nhiệm diễn ra hàng năm. Tôi tin vào đội ngũ hiện nay và tương lai, nhất là tiếp tục thực hiện các chiến lược phát triển bền vững, làm lợi cho cộng đồng, chăm sóc sức khỏe người dân, như 48 năm qua vẫn thế.

25 năm tới – thời điểm chúng ta hướng đến Net Zero, Vinamilk sẽ nỗ lực hết mình, đồng hành cộng đồng, Chính phủ đạt mục tiêu này.

Nội dung: Nhất Phát | Thiết kế: Ngân Hà | Ảnh: Vinamilk

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật